Vu lan - Mùa của tình thương trong văn hóa Việt

Tấn Quýnh-Thứ tư, ngày 21/08/2013 14:31 GMT+7

 Đêm trăng Rằm tháng 7 đã quay về với nét rất riêng mang dấu ấn văn hóa dân tộc. Đó là những đêm trăng để mọi người lắng lòng, suy ngẫm về đạo lý ngàn đời của dân tộc, về lòng hiếu thảo.

Tại một ngôi chùa của thành phố du lịch Nha Trang, đêm Rằm tháng 7 thực sự là nơi viết nên những dòng cảm xúc rất thực của những người con hướng về cha mẹ. Chính những điều như thế đã làm nên sức sống cho mùa Vu lan báo hiếu, để rồi tháng 7 âm lịch bao giờ cũng định vị trong đời sống tinh thần người Việt như là mùa của tình thương gia đình, tôn vinh lòng hiếu thảo.

Vẫn là vầng trăng quen thuộc, nhưng cảnh sắc chốn thiền môn bỗng khiến mọi người như chợt trở về với những năm tháng còn được ở bên mẹ, cha. Nụ cười hạnh phúc của những người còn cha, còn mẹ, được gắn trên áo hoa hồng đỏ. Nỗi buồn sâu lắng của những ai gắn trên áo hoa hồng trắng, khi đấng sinh thành, nuôi dưỡng mình đã không còn…

Bước chân vào tam quan của chùa, được tham gia nghi thức hoa hồng cài áo, với mọi người như được sống với một cuộc sống khác, bỏ lại đằng sau những tất bật vội vã, để rồi bắt đầu với một đêm trăng tháng 7 nhiều hoài niệm, suy ngẫm.

Cha đã mất cách đây 27 năm, nhưng mùa Vu lan này, bà Nguyễn Thị Đức, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vẫn nghẹn lời khi kể về cha. “Cha rất thương mình nên bây giờ mình vẫn nhớ. Mình thấy đến chùa dự lễ Vu lan thế này là rất ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ biết sống tốt hơn”.

Hôm nay, trong không gian ngôi chùa Kỳ Viên, ngôi chùa gắn với lịch sử văn hóa vùng đất Khánh Hòa đã thực sự là không gian của tâm tưởng. Dòng thư pháp được viết ra nhiều nhất trong đêm Vu lan vẫn là những chữ hiếu, thảo, mẹ, cha. Và những bức thư pháp về lòng hiếu thảo vẫn luôn níu chân mọi người, chỉ một dòng chữ thôi cũng khiến không ít người như muốn được trở về ngay bên cha mẹ.

Bà Phạm Thị Ngọc Hiền, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Đến đây thấy lòng lắng lại, nghĩ về công ơn cha mẹ. Không chỉ ngày Vu lan mới nghĩ về cha mẹ, nhưng ngày Vu Lan nhắc nhở mọi người dù ai có bận rộn, đi đâu thì cũng về với các bậc sinh thành”.

Lời thuyết pháp của các vị Hòa thượng, những bài học đạo đức về chữ Hiếu không phải là mới nhưng chẳng bao giờ cũ bởi cuộc sống không thể viên mãn khi thiếu vắng tình thương gia đình, không trọn vẹn lòng hiếu thảo. Câu chuyện về Đại hiếu Mục Kiền Liên trong kinh Phật và những điều thực tế của cuộc sống hôm nay, lời răn của nhà Phật và đạo lý của dân tộc đã có một điểm chung và cũng vì thế mùa Vu lan là dành cho mọi người.

‘ Ảnh: Internet

Hòa thượng Thích Trí Viên, Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nói: “Dịp lễ Vu lan làm cho tình thương của dân tộc vững mạnh hơn, đây là nét đẹp văn hóa nếu chúng ta duy trì, phát triển thì cuộc sống sẽ an lành hơn, các gia đình sẽ yêu thương nhau hơn”.

Những đứa trẻ lần đầu tiên được giảng giải ý nghĩa chữ Hiếu trong một không gian đặc biệt có thể chưa hiểu trọn vẹn, nhưng điều ngay từ bây giờ đã có sẵn trong các em là luôn thương yêu cha mẹ. Ở một góc sân chùa, dưới ánh trăng tháng bảy, nhiều em được sống với suy nghĩ thực của mình, những dòng tâm trạng được viết trên những mảnh giấy, đó là những lời nguyện cầu sức khỏe luôn đến với mẹ cha. Cánh hạc sẽ mang lời cầu mong ấy đến với gia đình như một điều linh diệu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước