"Vụ nổ" OTC: Ai bị thiệt hại?

Lê Hương-Ngọc Trinh -Chủ nhật, ngày 16/10/2011 11:30 GMT+7

Tuần qua, vụ lừa đảo và vỡ nợ liên quan tới đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như là tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là với thị trường OTC. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các NH hay công ty chứng khoán, các tổ chức được cho là có liên quan đến vụ việc này đều phủ nhận bị thiệt hại trong vụ việc này.

Vụ vỡ nợ của bà Như được cho là do thua lỗ nặng nề trên thị trường chứng khoán hai năm qua. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Đối tượng Như từng là thành viên Hội đồng quản trị công ty chứng khoán Phương Đông vừa bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo được cho là có quy mô lớn nhất trên thị trường kể từ trước đến nay. Số tiền bị lừa được thống kê lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong những phản ứng ngay sau đó, các công ty chứng khoán và một số tổ chức được cho là có liên quan lại đều phủ nhận thông tin bị thiệt hại trong vụ này. Trong khi các cơ quan chức năng còn đang điều tra làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo, thì câu hỏi "Ai bị thiệt hại?" trong vụ này cũng cần được đặt ra.
Thủ đoạn bà Huyền Như dùng để huy động vốn trên thị trường chứng khoán tự do OTC hay với các tổ chức ngân hàng, công ty chứng khoán được nhiều thành viên trên thị trường cho rằng không hề mới ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng vẫn có nhiều người dân, tổ chức như ngân hàng, công ty chứng khoán bị tổn thất trong vụ việc này.
Bà Anh Thư, Công ty chứng khoán An Bình nhận định: “Đây là một thủ đoạn kinh điển, nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Nhiều thông tin cho rằng, bà Như đã dùng những số tiền trên đổ vào bất động sản và chứng khoán, khi cả 2 thị trường đi xuống như hiện nay thì gây nên vỡ nợ. Trong vụ việc này tất nhiên sẽ có nhiều người dân, ngân hàng và công ty chứng khoán bị tổn thất”.
Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các ngân hàng như ViettinBank, hay các công ty chứng khoán ORS, Chứng khoán Kim Eng, các tổ chức được cho là có liên quan đến vụ việc này đều có văn bản khẳng định mình không bị thất thiệt khoản tiền nào trong vụ việc này. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy thì ai là người chịu thiệt hại? Chẳng lẽ chỉ có các môi giới OTC và nếu vậy thì số tiền trong vụ lừa đảo này có thể lớn đến những con số nghìn tỷ như vậy hay không? Và có hay không chuyện nhiều tổ chức mất mát mà vẫn phải “Ngậm bồ hòn làm ngọt”?
Ông Nguyễn Phùng Hậu, Nhà đầu tư phát biểu: “Bây giờ, các tổ chức như ngân hàng, công ty chứng khoán kêu ầm lên thì liệu có lấy lại được số tiền đã mất không? Mà đây lại là các tổ chức làm dịch vụ, thời điểm này đối với họ rất nhạy cảm vì niềm tin của nhà đầu tư là rất quan trọng. Nếu kêu lên mà lấy lại được tiền, chắc họ sẽ kêu ngay, mà còn kêu mất nhiều hơn số thực. Nhưng kêu lên mà không lấy lại được, thì chỉ mất thêm lòng tin của nhà đầu tư”.
Ông Lê Đắc An, Công ty chứng khoán Tân Việt thì cho rằng: “Ai cũng có lúc sai, miễn sai rồi biết sửa, chưa chắc ém nhẹm thông tin đi đã là tốt. Tất nhiên theo tôi, các tổ chức này cũng đã cân nhắc thiệt hơn khi công bố thông tin về vấn đề này. Nhưng thị trường vẫn mong chờ các đối tác tham gia thị trường một sự minh bạch”.
Không thể phủ nhận đây chính là thời điểm hết sức nhạy cảm trên thị trường tài chính. Nhiều vụ việc được cho là lừa đảo đến con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ liên tiếp được các phương tiên thông tin đại chúng đưa tin mỗi ngày. Chính vì vậy, với các tổ chức tài chính, chữ “Tín” giờ đây đang được hết sức xem trọng. Tuy nhiên, trong câu chuyện vỡ nợ của bà Huyền Như, những người ngây thơ nhất cũng đang đặt ra câu hỏi: Vậy thì ai là người chịu tổn thất trong vụ việc này?
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã tiếp cận được một số môi giới trên thị trường OTC, và bất ngờ được biết rằng, những hoạt động huy động vốn lãi suất cao từ lâu nay vẫn được nhiều cá nhân thực hiện, và rất phổ biến trên thị trường. Những hoạt động vay mượn quá rủi ro, và chỉ cần 1 mắt xích trong hoạt động kiểu này mất khả năng thanh toán, thì đổ vỡ tín dụng sẽ xảy ra theo dây chuyền.
Theo các nhà đầu tư tài chính, kể từ hồi thị trường chứng khoán OTC còn giao dịch cổ phiếu sôi động, phương thức huy động vốn theo kiểu vay của người này để trả lãi cho người khác đã tồn tại và khá phổ biến. Tài sản thế chấp thường là chứng khoán, ô tô hoặc giấy tờ nhà đất, đôi khi lại chỉ bằng… niềm tin.
Theo các nhà đầu tư, những vụ lừa đảo hay vỡ tín dụng đang gây xôn xao dư luận được nhiều người biết đến chỉ vì quy mô rất lớn, dính dáng đến nhiều tổ chức, chứ những vụ quy mô nhỏ thì đã từng xảy ra rất nhiều.
Cách làm tưởng chừng như rất đơn giản trong khi khả năng huy động vốn lại rất lớn. Chỉ cần 1 mắt xích trục trặc sẽ gây ra sự đổ vỡ dây chuyền. Có thể ví hoạt động vay mượn kiểu này như một sợi chỉ dài nhưng hết sức mong manh, nó có thể đứt bất cứ chỗ nào và bất kỳ lúc nào. Ấy vậy mà không ít người chỉ vì lòng tham, mà đánh cược cả khối tài sản của mình vào sợi chỉ này. Họ sẵn sàng vì vài phần trăm lãi suất mà chấp nhận nguy cơ mất trắng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước