Vươn khơi, bám biển khẳng định chủ quyền

Đài PTTH Quảng Ngãi-Thứ ba, ngày 02/04/2013 06:43 GMT+7

Ngư dân vươn khơi, bám biển để khẳng định chủ quyền biển, đảo. (Ảnh: tuoitre)

 Vươn ra khơi xa của ngư dân không đơn thuần chỉ là đánh bắt hải sản mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương là ý niệm của các ngư dân Quảng Ngãi.

Sau một phiên biển đầy hiểm nguy trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Bùi Văn Phải, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi tiếp tục sửa chữa lại phương tiện của mình để chuẩn bị ra lại Hoàng Sa hành nghề. Sau khi những lá cờ Tổ quốc đã được anh em bạn biển trên tàu ngư dân Bùi Văn Phải cắm lên nóc tàu, thuyền viên nào cũng háo hức ra lại Hoàng Sa, ra lại ngư trường truyền thống của cha ông để hành nghề.

“Anh em trên tàu cá chúng tôi một lòng quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Nơi nào là lãnh hải Tổ quốc, chúng tôi đều có mặt, trong đó quần đảo Hoàng Sa là nơi ngư dân chúng tôi rất gắn bó. Lần trước, chúng tôi gặp nạn ở Hoàng Sa nhưng không có nghĩa là mọi người không đi Hoàng Sa nữa. Anh em trên tàu đang khẩn trương sửa chữa lại tàu để sớm đi Hoàng Sa hành nghề”, anh Phải chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu cá lớn nhất nhì cả nước, với gần 6.000 chiếc, trong đó có hơn 1.800 tàu chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Quảng Ngãi có đến hơn 400 tàu thuyền bị nạn. Tuy nhiên, dù gặp bao hoạn nạn, hiểm nguy, nhưng ngư dân vẫn từng ngày, từng giờ kiên cường nối tiếp nhau ra khơi vừa đánh bắt cá tôm, vừa làm những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngư dân coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đi biển.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi có suy nghĩ rằng, trên biển sẽ không thể nào chôn cất cột mốc được. Tuy nhiên, những con tàu của ngư dân Lý Sơn, của nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải và đặc biệt những lá cờ Tổ quốc trên con tàu sẽ là "cột mốc sống" để khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.

Để cho những “cột mốc sống” ấy luôn bám biển vững chắc, cắm mốc chủ quyền trên biển, cộng đồng, hằng ngày từ trong đất liền mọi người vẫn luôn hướng về ngư dân. Nếu không may, có tàu thuyền nào của ngư dân gặp nạn trên biển, ngay lập tức sẽ nhận được sự đồng thuận, chia sẻ, tiếp sức từ trong đất liền, để các tàu cá lại tiếp tục có thể ra khơi.

Khi ngư dân là cột mốc chủ quyền đó là những cột mốc vững chắc nhất được cắm mốc ngoài đại dương mà không một cái gì, không một thế lực nào có thể xóa đi được những cột mốc ấy trên lãnh hải Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước