WWF - Việt Nam hợp tác phát triển cá tra bền vững

Đỗ Thủy-Thứ bảy, ngày 18/12/2010 09:05 GMT+7

WWF sẽ rút tên cá tra của Việt Nam ngay lập tức và sẽ phối hợp với phía Việt Nam để phát triển loài thủy sản này trong thời gian tới.

Đây là nội dung chính của thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Vasep, Hội nghề cá Việt Nam và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF.
Như vậy, sau hơn 2 ngày làm việc, chiều nay, thỏa thuận này đã được ký kết, chấm dứt những tranh cãi xung quanh việc con cá tra của Việt Nam bị đưa vào danh mục đỏ trong cuốn cẩm nang tiêu dùng thủy sản tại 6 nước châu Âu.
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Vasep, Hội nghề cá Việt Nam với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF được diễn ra trong chính phòng họp kín ngày hôm qua, dưới sự chứng kiến của Tổng cục Thủy sản.
Theo đó, WWF và Việt Nam sẽ cùng hợp tác lâu dài vì mục tiêu đưa cá tra Việt Nam trở thành loài thủy sản được chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu.
Điều khoản đầu tiên của biên bản này là ngay lập tức, WWF sẽ rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ trong cuốn cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại 6 nước châu Âu và xuất bản một cẩm nang mới, khuyến cáo người tiêu dùng toàn cầu tiếp tục mua cá tra Việt Nam.
Cũng theo biên bản hợp tác này, trong giai đoạn 5 năm tới (2011-2015), phấn đấu 100% cá tra Việt Nam được chứng nhận bởi các chứng chỉ quốc tế. Trong đó, một nửa là chứng nhận ASC - bộ tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng của WWF.
Từ nay trở đi, những doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt được chứng nhận ASC sẽ được WWF đưa vào danh mục màu xanh - tức là nên sử dụng.
Ông Mark Powell, Điều phối viên thủy sản toàn cầu của WWF Quốc tế cho biết: “Chúng tôi ký bản cam kết này với mục đích hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đưa cá tra của Việt Nam trở thành một loài thủy sản phát triển bền vững, vì môi trường, có chất lượng cao và tốt cho sức khỏe. Cam kết này cũng nhằm nâng cao giá trị của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế và đem lại lợi ích cho cả những người nuôi cá Việt Nam”.
Điều này có nghĩa là phía các Hiệp hội Việt Nam và WWF sẽ có trách nhiệm làm cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiểu hơn về bộ chứng nhận ASC và vận động họ tiến tới áp dụng nó. Quan trọng hơn nữa là làm thế nào để người tiêu dùng toàn cầu mua cá tra có chứng nhận ASC chứ không phải bất kỳ loại cá tra nào khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản: “Trách nhiệm của họ là phát triển thị trường toàn cầu đối với sản phẩm đã được chứng nhận và với cái giá cao hơn. Đây là trách nhiệm rất lớn của WWF. Họ phải có quan hệ với các công ty nhập khẩu và phân phối để đủ đáp ứng yêu cầu của Việt Nam”.
Cũng theo đại diện của Vasep, hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 650.000 tấn cá tra. Trong khoảng 5 năm tới, lượng xuất là khoảng 800 nghìn tấn. Biên bản hợp tác hai bên quy định trách nhiệm của WWF là giúp một nửa trong số này, tức là 400 nghìn tấn đạt chuẩn ASC sẽ được bán với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, WWF cũng có trách nhiệm tìm các nguồn tài trợ để hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình đánh giá chứng nhận các vùng nuôi và có trách nhiệm giúp người tiêu dùng cũng như các tổ chức đánh giá khác trên toàn cầu có nhiều thông tin hơn về sản phẩm cá tra Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Tôi mong muốn thị trường không đặt ra thêm những rào cản cho chúng ta và chúng ta có thể bán được con cá mà chúng ta yêu quý ra khắp nơi trên thế giới. Điều thứ hai là quy trình bền vững, làm sao để không sản xuất nhiều hơn với chất lượng kém hơn thị trường đòi hỏi, mà đáp ứng ngày càng cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường… Việc thỏa thuận này đảm bảo được hai việc đó”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước