Xăng dầu đã bị tăng giá quá cao

Trần Hiền -Thứ ba, ngày 23/03/2010 10:35 GMT+7

Mặc dù các thông số tính giá thành được Petrolimex công bố không minh bạch, nhưng căn cứ trên số liệu đã được công bố và so sánh giá bán thực tế trên thị trường đang áp dụng cho thấy, doanh nghiệp đã tăng giá quá cao.

Diễn biến giá xăng trong nước trong năm tháng.

Trong trong bảng kết cấu giá, doanh nghiệp đã áp một mức lãi cố định là 300 cho mỗi lít xăng dầu. Với việc áp lợi nhuận ở mức tối đa, theo giải thích của Bộ Tài chính, mức này đã đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: “Khi áp 300 đồng 1 lít thì theo tính toán, doanh nghiệp có thể vừa đủ để trích lập quỹ theo quy định và có điều kiện để tích lũy tái đầu tư xây dựng mạng lưới của mình”.

Và cũng giải thích, mức đóng 300 đồng cho mỗi lít xăng, dầu mà hiện nay doanh nghiệp đang thu để lập quỹ Bình ổn giá là nhằm bình ổn thị trường. Nhưng có một thực tế là, khi giá xăng, dầu thế giới biến động tăng, thì doanh nghiệp công bố tăng giá; nhưng khi thị trường xăng dầu thế giới giảm, thì người tiêu dùng trong nước không những ít được giảm, mà còn phải đóng thêm quỹ Bình ổn giá.

Trong khoản chi phí định mức, riêng mặt hàng dầu mazut được áp 400 đồng 1 lít, tất cả các mặt hàng còn lại được Petrolimex áp ở mức 600 đồng.

Doanh nghiệp giải thích: Đây là khoản chi phí của toàn bộ quá trình lưu thông một lít xăng dầu, từ đầu nguồn (tức là từ cảng nhập khẩu hoặc Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đến tận cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Đây là mức phí cao nhất doanh nghiệp đã áp cho người tiêu dùng. Đúng ra, giá bán 1 lít xăng dầu giữa các vùng trong nước là phải như nhau, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp đã chia vùng để bán. Và hiện nay, mức chênh lệch này giữa các vùng là từ 300 đến 350 đồng cho mỗi lít.

Khi được hỏi Petrolomex áp mức giá bán phân vùng như hiện nay đã đúng hay chưa, người phát ngôn của Bộ Tài chính ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá đã xin được khất nợ.

Theo Nghị định 84, giá CIF là giá xăng dầu thế giới + phí bảo hiểm + cước vận tải về đến Việt Nam. Nhưng Petrolimex đã không bóc tách ra, mà để gộp 2 chi phí ở mức trên 300 đồng cho 1 lít. Nhiều chuyên gia tính toán, nếu có tính gộp đi chăng nữa, thì chi phí cho 2 khoản này cũng chỉ ở mức 200 đồng.

Kinh doanh trong một môi trường có nhiều lợi thế, thế nhưng Petrolimex - doanh nghiệp chiếm tới trên 60% thị phần xăng dầu của cả nước lại luôn nói rằng, mình bị thua lỗ trong kinh doanh. Chính điều này đã làm cho người ta hoài nghi và đặt câu hỏi về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh: “Trước hết người ta đặt vấn đề nghi vấn, người ta hỏi vậy thì có lỗ thật hay không? nếu như vậy DN kinh doanh đứng hàng đầu của đất nước, có nhiều lợi thế, được đầu tư từ trước rồi, mà vẫn còn kêu lỗ. Vậy hiệu quả kinh doanh của DN là như thế nào. Điều đó cũng là lợi ích và uy tín của Petrolimex”.

Thị trường xăng dầu trong nước đã được phát triển theo cơ chế thị trường. Và việc tăng hay giảm giá mặt hàng này hiện nay đã do doanh nghiệp tự quyết định. Nhưng có một thực tế là, cơ chế quản lý giá cho mặt hàng xăng dầu lại được giữ nguyên của những năm trước, cộng với việc, có một doanh nghiệp chiếm vị thế thống lĩnh trên thị trường, vì thế đã tạo cho người tiêu dùng trong nước phải mua đắt hơn đến 2000 đồng cho mỗi lít xăng so với các nước có cùng cơ chế.

Điều này, nhiều chuyên gia khẳng định, nó không đơn thuần chỉ tác động đến người tiêu dùng, bởi mặt hàng xăng dầu lại đang là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu của các doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước