“Xếp hạng ngân hàng là điều bình thường tại các nước”

Minh Hường-Thứ ba, ngày 28/02/2012 16:00 GMT+7

Năm nay là năm đầu tiên các NHTM Việt Nam được NHNN xếp hạng. Tại các nước trên thế giới là bình thường, nhưng ở Việt Nam, việc xếp hạng để phân bổ tín dụng được cho là duy nhất.

Ông Keith Pogson, Tổng giám đốc điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng của Earnst & Young khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Tintuc

Để có thêm thông tin về các thông lệ quốc tế liên quan đến xếp hạng ngân hàng, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Keith Pogson, Tổng giám đốc điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng của Earnst & Young khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Pogson là người có hơn 16 năm kinh nghiệm chuyên sâu về ngân hàng thương mại và các dịch vụ tài chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên, NHNN Việt Nam vừa xếp hạng các ngân hàng thương mại nhằm phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo kinh nghiệm của ông, các biện pháp như vậy có thường được sử dụng trên thế giới hay không?
Ông Keith Pogson, Tổng GĐ điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng của Earnst & Young khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Thực tế việc xếp hạng các ngân hàng là điều rất bình thường tại các nước. Thông thường, NHTƯ xem xét các tỷ lệ đủ vốn, trình độ quản lý, mức thanh khoản của tài sản để xếp hạng các ngân hàng. Cũng có những xếp hạng 1, 2, 3 hay 4. Thường các ngân hàng nhóm 3, cơ quan quản lý sẽ có các dạng quy định để buộc họ phải cải thiện năng lực kiểm soát nội bộ hay tăng nguồn vốn phòng ngừa rủi ro.
Việc xếp hạng đó có nhằm để phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại không thưa ông?
Ông Keith Pogson: Có nhiều cách sử dụng thông tin xếp hạng khác nhau. Ở Việt Nam, tôi nghĩ có lẽ NHNN có các mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là xây dựng niềm tin vào hệ thống ngân hàng qua việc khuyến khích người dân gửi tiền vào các ngân hàng khỏe hơn. Và hy vọng dòng tiền sẽ chảy vào những ngân hàng mà người ta cho là an toàn nhất, đây là việc làm đúng đắn. Thứ hai là kiểm soát lạm phát. Để kiểm soát lạm phát cần kiểm soát lượng cung tiền, từ đó kiểm soát lượng vốn cho vay ra. Tôi thấy khá thú vị với cách tiếp cận này của NHNN để giải quyết việc kiểm soát cung tiền và kiểm soát nơi người dân gửi tiền.
Nhóm thứ tư, có khoảng 10 ngân hàng thương mại yếu sẽ không được phép tăng trưởng tín dụng năm nay. Theo ông, cách này có khiến các ngân hàng không chạy theo tăng trưởng tín dụng để tập trung vào mục tiêu tự tái cơ cấu hay không?
Ông Keith Pogson: Tôi cho đây là một trong các công cụ mà NHNN có thể sử dụng để khuyến khích các NHTM tái cơ cấu. Trước đây, NHNN đã thử một số biện pháp như yêu cầu các ngân hàng tăng vốn, nhưng đến giờ chưa thấy rõ hiệu quả của cách này khi mà nó lại khuyến khích tăng trưởng tín dụng sau khi tăng vốn. Trong khi đó, tôi cho là biện pháp phân bổ tăng trưởng tín dụng này tập trung giải quyết trực tiếp các vấn đề của Việt Nam hiện nay: Lạm phát và niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng đây là một biện pháp tốt, cũng sẽ phải có ngân hàng là mục tiêu của tái cơ cấu. Tôi hy vọng cách này sẽ khuyến khích họ phải tái cơ cấu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước