Xuất khẩu lao động: Thông tin mập mờ, người dân chịu thiệt

Quỳnh Anh-Thứ ba, ngày 15/01/2013 23:14 GMT+7

Ảnh: VTV

Tưởng được thoát nghèo khi hội đủ tiêu chuẩn xuất khẩu lao động ở nước ngoài, giờ đây, có những lao động ở Quảng Ngãi bị trả về nước với món nợ lớn vay ngân hàng trước ngày lên đường. Họ hoàn toàn không được bồi hoàn như quy định từ Thông tư liên tịch số 10 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Tài chính cũng chính vì từ những khái niệm hết sức mơ hồ trong thông tư này.

Sau khi hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết, anh Đinh Văn Bé, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi lên đường sang Malaysia với tấm giấy chứng nhận sức khỏe tốt. Không ngờ, chưa bắt tay vào công việc, anh đã bị trả về nước với lý do bị bệnh phổi. Đợt này, huyện Sơn Hà có 2 người khác cũng cùng cảnh ngộ như anh Bé, tất cả họ đều bị trả về sau khi sang Malaysia chỉ mới hơn 1 tháng với lý do sức khỏe không đạt, mặc dù trước đó tất cả họ đều đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và đều được cấp giấy chứng nhận sức khỏe tốt.

Anh Đinh Văn Bé cho biết: “Qua bên đó, em làm được hơn chục ngày, bên Malaysia người ta điều tra sức khỏe, nói em không đạt cho về lại Việt Nam. Bây giờ em có vay ngân hàng 25 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để trả. Đi làm thợ hồ ngày có mấy chục nghìn đồng, không đủ nuôi vợ con”.

Theo Thông tư liên tịch số 10, nếu người lao động bị trả về nước do kết luận khám và chứng nhận khám sức khỏe của bệnh viện không đúng, thì bệnh viện đó phải bồi hoàn cho người lao động khoản kinh phí bằng một lượt vé máy bay từ nước ngoài về. Còn trong trường hợp người lao động bị mắc các bệnh cấp tính, các bệnh có thời gian “cửa sổ” thì người lao động phải tự chịu trách nhiệm. Những thanh niên bị trả về đều được bệnh viện Quảng Ngãi cho rằng, họ đã bị bệnh có thời gian cửa sổ. Tất nhiên, họ đã không được bồi hoàn kinh phí.

Ông Lữ Đình Ngộ, Phó phòng LĐ-TBXH Sơn Hà, Quảng Ngãi: “Nếu sau khi xác định người lao động không phải bệnh cửa sổ thì đó là chủ quan của ngành y tế. Khái niệm bệnh cửa sổ thì chỉ có ngành y tế mới xác định bệnh nào là bệnh cửa sổ. Do đó để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động sau khi về nước cũng gặp trắc trở”.

Với khái niệm người lao động mắc bệnh có thời gian cửa sổ trong Thông tư số 10, phần thua thiệt hoàn toàn nghiêng về người lao động. Bởi ai dám chắc những nơi khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người lao động không dựa vào đây để lách quy định ràng buộc. Chính từ sự mập mờ này mà những người như anh Bé hay còn nhiều người khác phải gánh chịu những khoản nợ không biết bao giờ mới trả được.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước