Ý kiến đóng góp dự thảo mới về xét tuyển Đại học, Cao đẳng

Kim Hải-Thứ ba, ngày 29/04/2014 19:20 GMT+7

Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định về cách thức xét tuyển mới trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Trước đây, điểm sàn được quy định là mức tối thiểu mà thí sinh phải đạt được để có thể đỗ được đại học hoặc cao đẳng. Các trường chỉ được tuyển các thí sinh từ mức sàn trở lên và hàng năm, Bộ GD&ĐT xác định một mức sàn duy nhất cho tất cả các trường. Nhưng năm nay, cách thức xét tuyển sẽ thay đổi. Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định về cách thức xét tuyển mới trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Những thay đổi này đã thực sự mới hay chưa, có đem lại hiệu quả như mong muốn hay không, có giúp nâng cao chất lượng hay không?

Đây là những vấn đề được các chuyên gia giáo dục đặt ra khi tiếp cận với Dự thảo.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, một trong những điểm mới trong qui định xét tuyển là chia nhiều mức sàn để các trường lựa chọn thay vì 1 mức chung như trước đây.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, cách làm này giúp phân khúc nguồn tuyển; từng bước thực hiện phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Chúng tôi vẫn quy định điều kiện đảm bảo chất lượng”.

Tuy Bộ vẫn quy định ngưỡng điểm tối thiểu cho mỗi khối thi để đảm bảo chất lượng, nhưng PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Phụ trách đào tạo của Học viện Báo chí Tuyên truyền vẫn lo lắng về chất lượng đầu vào nếu làm theo cách này.

PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền nói: “Rất nhiều thí sinh sẽ đỗ đại học, chất lượng đầu vào kém và suy ra chất lượng đầu ra cũng kém”.

PGS.TS Lưu Văn An cũng cho rằng, để chất lượng tuyển sinh giữa các trường không quá khác biệt, Bộ GD&ĐT không nên để khoảng cách giữa các mức điểm sàn quá xa nhau, cùng lắm chỉ nên chênh nửa điểm.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, Thường trực Hiệp hội các trường ĐH Ngoài công lập thì cho rằng: cách làm này thực chất chưa mang lại thay đổi đột phá; một khi vẫn cho phép các trường được tự chọn mức sàn. Theo ông, để thực sự phân khúc được nguồn tuyển, thì các trường tốp đầu bắt buộc phải tuyển sinh theo mức sàn cao, các trường top trung và tốp thấp lần lượt lấy các mức điểm sàn thấp hơn.

TS. Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Trước mắt phân loại các trường theo trường trọng điểm QG, trường Trung ương rồi trường địa phương, trường mới thành lập, định mức sàn riêng cho từng loại trường. Như vậy thì thay đổi mới có ý nghĩa triệt để”.

TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, việc xác định mức sàn dựa trên điểm tổng điểm 3 môn thi cho từng khối thi cũng phải xem xét lại nếu Bộ thực sự muốn tạo điều kiện cho các trường, các ngành có thể tuyển sinh được những thí sinh có năng lực phù hợp.

TS Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết: “Làm vậy không khoa học vì môn thi của chúng ta không theo tiêu chuẩn, mỗi môn có độ khó khác nhau. Nên căn cứ trên phổ điểm từng môn thi. Việc này trong tầm tay của Bộ GD&ĐT”.

Quy định về công tác xét tuyển trong tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ chính thức được ban hành trong thời gian tới đây và được áp dụng ngay trong kì thi tuyển sinh năm nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước