VTV Đặc biệt

BTV Hương Linh và hành trình làm PTL "Không thể lãng quên" nhiều cảm xúc

Cẩm Hà/Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp-Thứ tư, ngày 07/01/2015 15:35 GMT+7

Diện mạo mới của làng Lumpuuk sau 10 năm kể từ ngày hứng chịu thảm họa sóng thần lịch sử

VTV.vn - Là bộ phim mở màn khung giờ VTV Đặc biệt trên sóng VTV1, "Không thể lãng quên" đã để lại cho BTV Hương Linh nhiều cảm xúc trong quá trình thực hiện.

Trở về từ những vùng đất 10 năm trước bị xóa sổ vì sóng thần, gặp gỡ những con người đã thoát chết từ cơn địa chấn làm rung chuyển Ấn Độ Dương, BTV Hương Linh (Ban Thời sự) đã có những chia sẻ cùng PV về hành trình làm phim đầy xúc cảm của mình tại Thái Lan, Indonesia.

BTV Hương Linh và đạo diễn Chí Cường cùng nghệ sỹ Moritza chụp ảnh tại nơi chôn cất hơn 46.000 thi thể của vụ sóng thần ở thành phố Banda Aceh

Trận động đất, sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người, được coi là kinh hoàng nhất trong lịch sử. Chắc hẳn, chị đã rất trăn trở khi thực hiện đề tài này?

- Việc tổ chức sản xuất phim tài liệu phản ánh được những sự kiện, vấn đề nóng của thế giới và khu vực luôn được Lãnh đạo Đài THVN, Lãnh đạo Ban Thời sự quan tâm chỉ đạo. Từ thực tế đó, ngoài việc sản xuất các tin bài cho các bản tin thời sự, chúng tôi luôn ấp ủ những đề tài hay, có sức hấp dẫn, lôi cuốn và lay động khán giả truyền hình để triển khai xây dựng thành phim tài liệu. Phim tài liệu Không thể lãng quên kỷ niệm 10 năm sóng thần ở Ấn Độ Dương đã được hình thành, phôi thai như thế.

Bộ phim này được gấp rút triển khai từ cuối tháng 9/2014. Tôi và đạo diễn Hồ Chí Cường - Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Đài THVN tại CHDCND Lào được giao thực hiện đề tài. Mất hơn 1 tháng để chúng tôi làm các thủ tục xin cấp phép tác nghiệp tại Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa sóng thần 10 năm trước. Đó cũng là quãng thời gian chúng tôi tìm kiếm thông tin, kết nối các nhân vật để lên ý tưởng cho phim.

Chị có thể chia sẻ đôi chút về hành trình kết nối, tìm kiếm và gặp gỡ các nhân vật tại Indonesia và Thái Lan?

- Điều khó khăn là sự kiện xảy ra đã 10 năm. Thời gian đó, các tin bài về thảm họa sóng thần được chúng ta khai thác bởi các nguồn tin có bản quyền thuộc các hãng nước ngoài chứ chưa có phóng viên đi trực tiếp sản xuất như bây giờ. Vì vậy, việc tìm kiếm nhân vật không hề dễ dàng, nhất là khi tôi ở Việt Nam còn đạo diễn Hồ Chí Cường thì ở Lào, chưa tiếp cận hiện trường. 10 năm, đã có bao nhiêu điều xảy ra, những người trực tiếp đối mặt với thảm họa giờ ra sao? Họ có còn ở khu vực đó hay đã rời đi nơi khác để tìm kiếm các cơ hội mới, xây dựng lại cuộc sống?

Hơn 1 tháng tưởng là dài, nhưng để lên ý tưởng, lần ra đầu mối, tìm kiếm nhân vật thì lại quá gấp gáp. Tôi đã phải vận dụng hết các mối quan hệ cá nhân với các đồng nghiệp tại Indonesia để nhờ họ giúp đỡ. Đạo diễn Chí Cường cũng liên hệ với chính quyền địa phương, cộng đồng Việt Kiều tại tỉnh Phuket, Thái Lan nhờ họ phối hợp tìm kiếm.

Toàn cảnh làng Lumpuuk, tỉnh Aceh, Indonesia, sau trận sóng thần. Cả ngôi làng gần như bị xóa sổ, chỉ còn nhà thờ là đứng vững.

Làng Lumpuuk, tỉnh Aceh, Indonesia sau trận sóng thần lịch sử năm 2004

Làm phim tài liệu về những đề tài quốc tế đặt ra nhiều thử thách với người thực hiện, đặc biệt là kỹ năng tác nghiệp xuyên quốc gia… Khi thực hiện đề tài này, ê-kíp của chị chắc đã gặp nhiều khó khăn?

- Tác nghiệp ở một đất nước khác, ở một nền văn hóa khác có khá nhiều khó khăn. Tìm được nhân vật đã khó, khơi gợi cảm xúc của họ cũng là điều không dễ. Chúng tôi lại làm phim về thảm họa - ký ức quá đau buồn mà có thể họ đã muốn quên đi.

Chuyến công tác chỉ diễn ra trong 2 tuần, thời gian di chuyển đã mất tới 4 ngày, phải gặp gỡ rất nhiều nhân chứng ở Thái Lan và Indonesia. Thời gian thì gấp gáp, có khi một ngày phải khai thác 2, 3 nhân vật, làm sao để họ mở lòng, tìm được sự đồng cảm, rồi yêu cầu họ dừng các công việc thường ngày để hợp tác với ê-kíp làm phim? Chúng tôi luôn phải cố gắng khai thác tối đa vì không thể lường trước được tâm lý, hoàn cảnh của nhân vật kế tiếp như thế nào, thời tiết sẽ ra sao?

Tuy nhiên, đạo diễn Hồ Chí Cường là một người có nhiều kinh nghiệm sản xuất phim tài liệu. Anh đã chủ động tổ chức những bối cảnh tốt để nhân vật có thể tự bộc lộ được nhiều nhất. Với nhiệm vụ khai thác thông tin, tôi cố gắng làm tất cả trong khả năng của mình, tiếp cận nhân vật bằng sự chân thành, đồng cảm và sẻ chia…

BTV Hương Linh chụp ảnh cùng trẻ em làng Lumpuuk - những em bé được sinh ra sau trận sóng thần

BTV Hương Linh chụp ảnh cùng trẻ em làng Lumpuuk

Đến với những vùng đất cách đây 10 năm đã bị xoá sổ, gặp lại những con người đã sống sót một cách kì diệu, điều ấn tượng nhất của chị là gì?

- Ở góc độ con người, tôi thấy sự mất mát của họ thật là khủng khiếp. 10 năm đã qua, nhưng nghe kể lại, đôi khi tôi không kìm được nước mắt. Tôi đã đến những ngôi làng, từ 8.000 cư dân, giờ chỉ còn hơn 1.000 người sinh sống. Có những cư dân chẳng còn gì ngoài ngôi nhà họ được các tổ chức từ thiện xây dựng. Bố mẹ, anh chị em, con cái... không còn một ai.

Có những ông bố, bà mẹ nhìn thấy con bị cuốn đi, dù chỉ cách một đoạn ngắn thôi mà không với tới được. Kể lại câu chuyện đó với tôi, những người đàn ông mạnh mẽ, miệng mỉm cười nhưng ánh mắt rưng rưng. Hàng ngày sống với những mất mát đó, họ thật kiên cường.

Ở Banda Aceh, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, tôi gặp những cô, cậu bé trong một ngày mất cả bố mẹ, anh chị em, ông bà... Những trẻ mồ côi 10 năm qua phải sống dựa vào tình làng nghĩa xóm. Các em lớn lên, ngoan ngoãn, tự tin và bây giờ bước vào tuổi trưởng thành. Tiếp xúc với họ, tôi cũng thấy cảm giác lạc quan, vì tất cả những mất mát đó không làm họ gục ngã.

Bên cạnh những thân phận người thì sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ của các vùng đất từng bị san phẳng cũng làm tôi thấy ngạc nhiên. 10 năm trước, là người đã tham gia biên tập và đưa tin về thảm họa đó, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng về những vùng đất đầy xác chết, những ngôi nhà bị cuốn đi chỉ còn nền gạch. Bây giờ, những nơi tôi đến như Banda Aceh của Indonesia là một thành phố rất sôi động, đông đúc, cư dân trẻ và năng động; Phuket hay Khaolak (Thái Lan) vẫn là những địa điểm có đông khách du lịch, hầu như không còn dấu vết gì nếu bạn không đến những khu tưởng niệm...

Một điều thú vị là chúng tôi đã tìm kiếm được những khía cạnh rất ấn tượng của quá trình tái thiết ở Indonesia mà những năm qua, truyền thông thế giới không nhắc đến nhiều.

Bên ngoài nhà thờ chính ở Banda Aceh- hình ảnh chụp lại ít ngày sau trận sóng thần

Con tàu này đồng thời là nhà máy phát điện, nặng 26 ngàn tấn, bị sóng đánh vào bờ tới 5km. Ngày nay nơi đây là một trong những đài tưởng niệm nạn nhân của trận sóng thần.

Con tàu này đồng thời là nhà máy phát điện, nặng 26 ngàn tấn, bị sóng đánh vào bờ tới 5km. Ngày nay nơi đây là một trong những đài tưởng niệm nạn nhân của trận sóng thần.

Và những thông điệp mà bộ phim tài liệu "Không thể lãng quên" truyền tải đến khán giả?

Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng cũng rất mạnh mẽ khi đối mặt với khó khăn. Tình người, sự thương yêu, niềm lạc quan trong cuộc sống luôn là điều cần thiết. Không có nỗi đau nào là tận cùng mất mát, luôn có cơ hội cho chúng ta, cánh cửa này đóng lại thì có cánh cửa khác mở ra. Những điều đó đọc lên thì rất sáo rỗng, nhưng khi chứng kiến thực tế, các bạn sẽ thấy.

Chúng tôi đặt tên bộ phim là Không thể lãng quên như một cách tưởng nhớ những người đã mất trong thảm họa đó và gửi đi những thông điệp của mình.

Xin cảm ơn chị!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV1!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước