Làm gì để kiểm soát lòng tham của con người?

VTV Online-Thứ bảy, ngày 18/01/2014 23:23 GMT+7

Đó là chủ đề được trao đổi trong cuộc tọa đàm mới đây của Chuyện đương thời khi nhìn lại những hệ lụy từ vụ “hôi” bia ở Đồng Nai.

Tham gia chương trình lần này là sự có mặt của 3 vị khách mời: TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, PGS.TS Phùng Trung Tập – Trưởng bộ môn Luật Dân sự, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội và bà Ninh Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch.

‘ PGS.TS Phùng Trung Tập trao đổi tại trường quay "Chuyện đương thời"

Trước một thực tế làm dậy sóng truyền thông Việt Nam trong thời gian vừa qua – vụ “hôi” bia ở Đồng Nai – PGS.TS Phùng Trung Tập nhận định: “Về mặt chủ quan, những người nhặt bia đó là cố ý. Họ lạm dụng hoàn cảnh khó khăn của tài xế để cố ý chiếm đoạt những thùng bia chẳng may bị rơi xuống đường”.

Còn với TS. Bùi Trân Phượng, bà cho rằng đây chính là một trong vô số điều đáng báo động về tình trạng ăn cắp, chiếm đoạt, làm điều sai trái, bất lương của con người đã trở nên quá đỗi bình thường trong xã hội.

‘ Bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng vụ "hôi" bia ở Đồng Nai xuất phát từ ý thức đối xử thiếu văn hóa

Nhìn từ góc độ văn hóa, bà Ninh Thị Thu Hương nói: “Theo tôi, điều này xuất phát từ ý thức đối xử thiếu văn hóa và điểm mấu chốt chính là lòng tham con người. Bản năng của mỗi một con người lúc đó gần như một tâm lý đám đông, khi người này làm thì người kia cũng làm và đánh mất lòng tự trọng, thái độ đối xử giữa người với người đã không còn tính văn hóa. Khi xem phóng sự và những phản ánh của báo chí trong thời gian qua, chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề đáng báo động”.

Bắt nguồn từ thực trạng đáng buồn này, chương trình Chuyện đương thời đã thực hiện cuộc khảo sát với 105 người theo chủ đề “Kiểm soát lòng tham” và thu được những “con số biết nói”. Theo đó đã có tới 80% thú nhận họ đã từng lấy trộm một thứ gì đó, 42% nói rằng nguyên nhân họ lấy trộm là bởi vì họ làm vậy mà không ai biết, 53% số người được hỏi luôn có ham muốn mãnh liệt với những thứ đồ miễn phí, 61% sẽ nảy sinh ham muốn chiếm đoạt nếu giá trị món đồ dưới 1 triệu đồng, 72% cho rằng con người dễ dàng nảy sinh lòng tham nhất với tiền bạc, 24% cho rằng lòng tham của con người là không thể kiểm soát nổi và 78% cho rằng cách duy nhất để con người có thể từ bỏ lòng tham là thông qua giáo dục.

Trao đổi với nhà báo Tạ Bích Loan về kết quả cuộc khảo sát, bà Ninh Thị Thu Hương nhận định: “Việc có 24% số người được hỏi cho rằng lòng tham của con người là không thể kiểm soát nổi cũng có nghĩa 76% số người còn lại cho rằng lòng tham là có thể kiểm soát. Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải làm gì để có thể kiểm soát được lòng tham trong cá nhân mỗi con người. Theo tôi, những người tự kiểm soát được lòng tự trọng thì chắc chắn sẽ kiểm soát được lòng tham”.

‘ TS Bùi Trân Phượng kỳ vọng vào việc quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền Việt Nam của những người làm luật

Cùng phân tích, bàn luận về chủ đề này, ông Phùng Trung Tập và bà Bùi Trân Phượng cũng cho rằng lòng tham của con người là có thể kiểm soát. Đặc biệt, bà Bùi Trân Phượng còn khẳng định rằng lòng tham của con người không những có thể kiểm soát được mà còn phải kiểm soát nếu không con người sẽ mất tính người.

Trước câu hỏi “Cần làm gì để kiểm soát lòng tham của con người?”, PGS.TS Phùng Trung Tập nhận định: “Lòng tham của con người có thể kiểm soát được bằng các cơ chế về pháp luật hay giáo dục văn hóa, ý thức cho mỗi cá nhân”. TS Bùi Trân Phượng lại kỳ vọng vào việc quyết tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền Việt Nam của những người làm luật để mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật bởi bà cho rằng đấy là yếu tố đầu tiên giúp xã hội ổn định và có thể kiểm soát được lòng tham của con người.

Quý độc giả quan tâm có thể theo dõi chi tiết nội dung cuộc tọa đàm qua video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước