Làm truyền hình thời đại 4.0

Trần Yến-Thứ hai, ngày 26/02/2018 17:59 GMT+7

VTV.vn - Với sự phát triển và mở rộng của nhiều hạ tầng số, việc dịch chuyển quy trình sản xuất đang đặt ra thách thức rất lớn đối với những người làm truyền hình tại Đài THVN.

Chia sẻ của Nhà sản xuất (NSX) Lê Thắng (Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục, Đài THVN) với câu chuyện về quy trình sản xuất số sẽ giúp khán giả hiểu hơn về truyền hình số với các sản phẩm số phái sinh.

Câu chuyện đa hạ tầng và bài toán chi phí sản xuất

Câu chuyện đa hạ tầng là câu chuyện không mới và đã được sử dụng rất nhiều để giúp chương trình lan tỏa, tương tác được nhiều hơn và giúp cho vòng đời sản phẩm được mở rộng thêm. Các hạ tầng như YouTube, Facebook hay Zalo đã bắt đầu được các chương trình sử dụng khá nhiều nhưng điểm chung là ở các hạ tầng này vẫn sử dụng chủ yếu các sản phẩm được cắt ra từ sản phẩm truyền hình truyền thống. Điều này dẫn đến sự lặp lại của các sản phẩm số và không đa dạng trong cách thể hiện sẽ khiến khán giả không đón nhận nó một cách nhiệt tình như một sản phẩm riêng biệt.

Một thực tế khác là chi phí sản xuất cho một sản phẩm truyền hình truyền thống để phát sóng luôn rất lớn. Nếu mở rộng thêm quy trình sản xuất này cho hạ tầng số sẽ không chỉ kích thích chất xám của đội ngũ sản xuất mà còn tận dụng được tối đa và cho ra đời thêm nhiều sản phẩm hơn từ cùng một quy trình cũ.

Làm truyền hình thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Thiết bị ghi hình gọn nhẹ

Lê Thắng chia sẻ: "Tôi chia tay mùa đầu tiên của talkshow 8 IELTS để lên đường du học mà vẫn canh cánh trong lòng trăn trở làm sao để thực hiện một talkshow học thuật vừa hấp dẫn vừa lan tỏa. Sau đó, khi nghiên cứu về sản xuất talkshow, tôi có may mắn tham gia cùng ekip sản xuất của Steve Harvey tại Chicago. Nhờ đó, tôi đã có được những hành trang quý giá để ứng dụng vào chương trình của mình sản xuất".

Khi bắt đầu hoạch định cho kế hoạch sản xuất, bên cạnh bài toán về chi phí và quy trình, một trong những trăn trở lớn nhất chính là sự phát triển đa hạ tầng để tiếp cận khán giả. Lê Thắng dự kiến một nhóm những kênh hạ tầng số có đông khán giả theo dõi và bắt đầu phân tích các hạ tầng này và thói quen người dùng của các hạ tầng này để có chiến lược phù hợp nhất cho các sản phẩm số của chương trình. Hiện nay, chi phí sản xuất truyền hình không bao gồm chi phí sản xuất số hoặc rất ít và hạn chế. Nhân lực sản xuất số cũng luôn là bài toán đau đầu cho nhà sản xuất. Làm sao để vừa đảm bảo sản xuất ra một chương trình truyền hình truyền thống vừa cho ra đời nhiều sản phẩm số phái sinh thu hút khán giả? Lời giải chính là tích hợp sản xuất và tạo ra quy trình sản xuất cơ động với các nhóm sản xuất vệ tinh ở khắp nơi.

Sự tích hợp trong sản xuất

Là một talkshow hợp thành bởi ba hợp phần riêng biệt được ghi hình tách biệt nhau nên mỗi đợt ghi hình đều được tận dụng tối đa để ghi hình thêm nhiều sản phẩm số khác từ các set trường quay, bối cảnh hay nhân vật có sẵn từ chương trình. Với một nhân vật khách mời thú vị, 15 phút ngắn ngủi của talk trên sóng truyền hình sẽ khiến khán giả "thèm thuồng" và tiếc nuối đồng thời muốn hiểu sâu hơn về nhân vật. Đó là lí do, trong một buổi ghi hình, ngoài phần ghi hình cho show phát trên truyền hình sẽ có các kịch bản nhỏ khác dành cho các sản phẩm dùng riêng cho các hạ tầng số.

Với IELTS FACE-OFF, khán giả bắt đầu quen với những Exclusive Talk hoặc Expanded Talk là những talk mở rộng hoặc những vấn đề khác chuyên sâu hơn chỉ có thể được theo dõi trên Fanpage, YouTube của chương trình. Ngoài ra, IELTS FACE-OFF cũng lần đầu giới thiệu một Preshow trước khi show chính thức được ra mắt trên truyền hình.

Làm truyền hình thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Sản xuất một tập Preshow từ Đại học Havard, Mỹ

Mô hình sản xuất Preshow là mô hình sản xuất một talkshow với mục đích dùng để giới thiệu, gây tò mò và hé lộ nội dung của show chính thức. Mỗi tập Preshow là mỗi câu chuyện khác nhau với các người dẫn chương trình khác nhau và cũng được thực hiện từ nhiều địa điểm khác nhau, từ trường quay mini của VTV7, điểm thi IELTS của Hội Đồng Anh và đến tận Havard của Mỹ.

Các tập Preshow này thực sự hấp dẫn khán giả và thu hút hàng trăm ngàn lượt likes, chia sẻ và bình luận. Khán giả cũng cùng hồi hộp đoán già đoán non xem người dẫn chương trình mùa mới của IELTS FACE-OFF sẽ là ai khi có rất nhiều thông tin được đưa ra. Chính việc tạo ra một show riêng biệt trên hạ tầng số đã giúp ekip sản xuất hiểu thêm về khán giả của mình, từ đó tìm cách thu hút và làm hài lòng khán giả hơn khi sản xuất sản phẩm truyền hình truyền thống.

Trước mỗi đợt ghi hình, Lê Thắng cùng với ekip đều có rất nhiều cuộc họp khác nhau để phác hoạ ra sơ đồ, khối lượng công việc cần đáp ứng dựa trên kế hoạch sản xuất số đưa ra. Trong nhiều trường hợp, các thành viên tranh cãi nhau rất nhiều về việc tạo ra áp lực quá lớp cho ekip khi phải tăng cường sản xuất thêm cả các sản phẩm phát sinh cho hạ tầng số. Nhưng sau mùa phát sóng, họ nhận ra rằng chương trình đã có một bước tiến thần kì với sự ủng hộ vô cùng lớn của khán giả dành cho những sản phẩm mới lạ trên các hạ tầng số.

Các nhóm sản xuất vệ tinh và hiệu ứng Musketeer

Musketeer (ngự lâm quân) là một cách ví von đầy hình tượng với những cộng tác viên của chương trình. Họ chính là những người góp phần mở rộng thêm kiến thức về tiếng Anh, về IELTS cho khán giả của chương trình IELTS FACE-OFF trên kênh VTV7, trong khi một tập được phát sóng chỉ 30 phút sẽ khó làm được.

Lê Thắng cho biết: "Ý tưởng về những Musketeer cho chương trình cũng đến từ một lớp học môn Digital producing mà tôi theo học. Giảng viên có đưa ra dữ kiện về sản xuất số là đôi khi bạn có thể tận dụng cả các nhân lực sẵn có từ khắp nơi và trao cho họ sức mạnh của các thiết bị số, thiết bị điện tử và sự cơ động của họ từ khắp mọi nơi. Và tôi quyết định tìm kiếm và tập hợp "7 ngự lâm quân" từ nhiều nơi bao gồm cả ở Việt Nam và ở nước ngoài và trao cho họ cơ hội trở thành nhà đồng sản xuất nội dung số. Họ là những giảng viên tiếng Anh và IELTS có uy tín, chuyên môn giảng dạy là việc không phải bàn và họ cũng bắt đầu trở nên dần rất tự tin trong vai trò sản xuất từ việc tự ghi hình, tự biên tập dựng, tự làm phụ đề và chuyển đến nhóm sản xuất nội dung số và biên tập lại trước khi toả đi khắp các kênh sóng online".

Làm truyền hình thời đại 4.0 - Ảnh 3.

Các musketeer tự sản xuất bằng điện thoại di động

Hiệu ứng Musketeer trở thành một trong những hiệu ứng quan trọng của IELTS FACE-OFF mùa này mặc dù đây không phải là một phần phát sóng trên truyền hình. Cùng với việc tạo ra các sản phẩm số như vậy, chương trình đã tạo nên một cộng đồng khán giả riêng, không chỉ xem truyền hình mà còn cùng học với chương trình. Musketeer là một trong những nhóm sản xuất vệ tinh để tự sản xuất với chi phí thấp và vẫn đảm bảo lên sóng hàng tuần 4 chương trình riêng biệt trên các kênh YoTube và Facebook vào mỗi tối hàng tuần.

Như vậy, ngoài việc sắp lịch phát sóng và quảng bá cho chương trình chính thức, ekip sản xuất đã có thêm một công việc và một khái niệm mới là quảng bá cho các nội dung số của chương trình.

Hi vọng, câu chuyện mà Lê Thắng chia sẻ sẽ giúp những người làm truyền hình hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất tích hợp truyền hình số với truyền hình truyền thống. Nếu mô hình này được phổ biến và áp dụng rộng, chắc chắn rãi sẽ kích hoạt tối đa sức sản xuất và sự sáng tạo của mỗi người làm truyền hình.

Lê Thắng hiện là chuyên viên phụ trách truyền thông và là NSX chính của IELTS FACE-OFF. Anh là một trong 15 ứng viên dành học bổng Fulbright năm 2015 của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Dù đang theo học Thạc sỹ chuyên ngành Sản xuất sáng tạo cho Phim/Truyền hình tại Đại học Columbia Chicago - Hoa Kỳ.

Gặp gỡ 7 'ngự lâm quân' của IELTS FACE-OFF Gặp gỡ 7 "ngự lâm quân" của IELTS FACE-OFF

VTV.vn - Mùa 2 của IELTS FACE-OFF đã chính thức khép lại vào ngày cuối của năm 2017. Một trong những dấu ấn đáng nhớ của mùa này chính là sự xuất hiện của các "ngự lâm quân".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước