Nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm: Phim tài liệu cần sự thật và hơi thở thời cuộc

PV-Thứ hai, ngày 15/12/2014 06:00 GMT+7

Là một trong những GK của thể loại Phim Tài liệu, nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Phim Tài liệu - Khoa học, Ban Khoa giáo, Đài THVN đã có những chia sẻ trước LHTHTQ.

Đảm nhận vị trí giám khảo trong LHTHTQ với thể loại phim tài liệu, theo anh, tiêu chí nào quan trọng nhất và làm nên thành công của tác phẩm ở thể loại này?

- Nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm: Với ý kiến cá nhân tôi, phim tài liệu - đặc biệt là phim tài liệu truyền hình, một thể loại của báo hình thì hai tiêu chí quan trọng nhất là sự thật và hơi thở thời cuộc trong đó. Người làm phim có thể kể lại câu chuyện hay đưa ra những tìm tòi, phát hiện mới, thậm chí là đưa được ý kiến cá nhân mình trên cương vị một nhà báo - công dân thì vẫn nên đặt hai tiêu chí đó lên hàng ưu tiên.

Hiện tại, anh nhận thấy phim tài liệu của Việt Nam đang thiếu điều gì nhất?

- Nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm: Theo tôi thì các phim tài liệu nếu nói về riêng góc độ truyền hình thì có nhiều tác phẩm thiếu cả hai yếu tố là sự thật và hơi thở thời cuộc.

Cũng cần nói rõ rằng thiếu sự thật không hẳn là các tác phẩm đó không đưa sự thật hay đưa những câu chuyện không đúng sự thật, theo cách nhìn của tôi thì có những tác phẩm mà sự thật trong đó bị gò nắn, áp đặt bởi nhận thức chủ quan của người làm, bởi những khuôn thước mà người làm đã biết, đã đóng khung; những sự thật đó không được dụng công để đẩy câu chuyện đến được tận cùng của bản chất vấn đề, mà mới chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó, một giai đoạn nào đó trong cả hiện thực cuộc sống.

Hãy cùng tưởng tượng thế này, một "cú bấm máy" khi không bao quát được, không ghi nhận được đầy đủ cả chuỗi sự kiện diễn ra mà nó bị ngắt trước khi điểm cuối cùng đẩy đến thì khán giả chỉ được xem một phần của sự thật mà thôi, tất nhiên sẽ có những biện hộ cho rằng chỉ cần đưa đến một lát cắt cho khán giả, tuy nhiên thì ngay cả lát cắt đó cũng nên bao hàm đầy đủ một nội dung nhìn từ một mặt cắt đặc thù, chứ không phải là những đoạn cắt rời rạc.

Yếu tố thứ hai là hơi thở thời cuộc thì sự thiếu hụt là một hiện tượng khá phổ biến, nguyên nhân của hiện trạng này nằm ở hai góc độ: quy hoạch định hướng sáng tác và khả năng “đánh hơi”, lựa chọn đề tài của người sáng tạo trực tiếp. Sự thiếu hụt đó cho thấy từ góc độ người sáng tác đã thiếu đi một cuộc sống lăn lộn với đời, những va đập thường ngày không đủ cho họ có những phát hiện, những phát hiện mới hoặc những cách nhìn mới, đánh giá mới cho một nội dung không còn mới.

Hiện trạng này thể hiện được rất rõ là những năm gần đây, các phim của địa phương (cả trong khuôn khổ LHTHTQ lẫn các phim phát trên sóng) đã có được những đề tài tốt bởi họ “ăn ngủ” với đề tài, trực tiếp tiếp cận với đề tài đặc sắc của địa phương mình nên “nằm lòng” những câu chuyện đó. Với Đài lớn, sự tiếp cận với các đề tài thú vị thiếu hụt còn dẫn đến từ sự “non tay” và cả “trịnh thượng”, điều này nói ra dễ gây phản ứng tự ái nhưng thực tế là như vậy.

“Non tay” bởi không biết nhìn một sự việc theo hướng mới, hãy cùng nhìn nhận cụ thể thế này: mỗi dịp Lễ tết hay kỷ niệm lớn, người ta thường vin vào nghĩa vụ làm chính trị mà thực hiện những tác phẩm kiểu “cúng cụ” theo một cách mà ai cũng đã biết, họ ít chịu đào sâu vào những khía cạnh mới, những đánh giá, thậm chí là một phát hiện rất mới, hay một cái nhìn rộng hơn về cả không gian lẫn thời gian. Còn “trịnh thượng” là kiểu như căn cứ vào những gợi ý, những quan hệ sẵn có để cứ đến đúng thời điểm nào đó là sẵn có những chuyên gia trong hệ thống CTV cung cấp đầy đủ, thậm chí đến cả kịch bản... Những điều này là kẻ thù số một cho những ý tưởng, những tìm tòi sục hẳn vào đời sống. Do vậy, hơi thở của thời cuộc đừng hòng len vào đâu đó trong chỗ đứng sang chảnh này.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm nhận giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm nhận giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18

Theo anh, việc tìm kiếm đề tài và thực hiện một bộ phim tài liệu hiện đang gặp phải những khó khăn và vướng mắc gì?

- Nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm: Khó khăn và vướng mắc luôn là một phần trong việc thực hiện các chương trình truyền hình chứ không riêng gì phim tài liệu, tuy vậy tôi có thể trả lời từ ý kiến cá nhân tôi về khó khăn dẫn đến hiện trạng mà tôi vừa nêu trên. Khó khăn thứ nhất là từ con người, con người ở đây là con người định hướng lẫn con người trực tiếp sáng tác. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc làm phim tài liệu là tính xu thế luôn vận động, cái cần là mình phải đặt mình vào trong xu thế đó, phải nên nhận thức rằng một phần công việc của mình phải thuộc về cái luồng vận động ấy, không có lý do gì để anh đứng ngoài xu thế và môi trường chung đó cả. Do đó, nếu thiếu đi nhận thức về xu thế thì không chỉ cách lựa chọn đề tài, mà cả những con đường mà anh dẫn đề tài đó đi cũng có những bất cập.

Nên nhớ rằng, phim tài liệu hiện tại là một sản phẩm mà trên thế giới đã có một thị trường vững chắc, một đời sống, một “kênh” riêng độc lập đến với khán giả. Không cần nói đến hệ thống mạng xã hội - nơi mà mỗi cá nhân đều có thể xuất bản sản phẩm của mình, thì chỉ cần một cú click chuột bất kể ai đều có thể được cảm nhận ngay cả bộ phim tài liệu được giải Oscar. Do vậy, khó khăn chủ quan từ con người là trở ngại lớn nhất, cơ bản nhất. Cũng ở phía này, con người hoạch định cũng có vai trò cực lớn, nó bao trùm lên cả diễn tiến nhận thức của người trực tiếp sáng tác.

Khó khăn tiếp theo là khó khăn từ môi trường cảm nhận, môi trường không chỉ cho người làm phim một nhận thức, một điều kiện “đánh hơi” còn là yếu tố quyết định người làm phim sẽ chạy câu chuyện mà họ định kể như thế nào, và nó sẽ chạm vào cảm nhận người xem đến mức độ nào.

Khó khăn nữa là về thiết bị và kinh phí, tuy đây là hai vấn đề quyết định đến sự thành công và mức độ thành công của sản phẩm, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì khó khăn về con người vẫn quy chiếu phần lớn hoạt động làm phim.

LHTHTQ năm nay đã có sự thay đổi thời lượng cho phim tài liệu. Anh đánh giá thế nào về điểm mới này?

- Nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm: Liên hoan lần này có sự thay đổi ở một số quy định về thời lượng, về sản phẩm tham gia - trong đó có phim tài liệu. Ở góc độ hẹp này, tôi thấy đây là việc đáng hoan nghênh bởi nó đáp ứng đúng được vận động của thời cuộc. Nếu quá khiên cưỡng, ta sẽ loại bỏ sớm những tác phẩm hay, phù hợp với xu thế của VTV nói riêng và hệ thống truyền hình nói chung, đó là những phim tài liệu dài trên sóng.

Trước giờ ta vẫn quen thời lượng 25 - 30 phút/phim, tuy nhiên với những đài quốc tế thì các phim 60 phút, thậm chí 90 phút là việc bình thường. Cá nhân tôi hy vọng, dần dần, các liên hoan truyền hình sẽ ngày càng đi vào thực chất hơn nữa cho hoạt động tác nghiệp của báo hình.

Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV3!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước