Nhà báo Quốc Khánh: “Phim tài liệu là sự tích lũy không ngừng”

DTR-Thứ tư, ngày 21/08/2013 07:36 GMT+7

 Việt Nam – Nhật Bản những chặng đường hợp tác là bộ phim tài liệu gây được sự quan tâm của khán giả truyền hình. VTV News gặp nhà báo Quốc Khánh để nghe anh chia sẻ về quá trình làm phim.

Bộ phim tài liệu kỷ niệm 40 năm chặng đường hợp tác Việt- Nhật đã đi vào tập cuối cùng và được đánh giá cao trong quan hệ ngoại giao hai nước. Anh có thể bật mí một chút với khán giả về quá trình làm phim được không?

Nhà báo Quốc Khánh: Như bất cứ một tác phẩm truyền hình hay báo chí nào, mỗi một phim tài liệu dù dài tập hay ngắn tập đều là sự khám phá, tìm tòi của chính các tác giả. Trong suốt quá trình mang đầy tính trải nghiệm đó, tôi nghĩ phần nhiều có yếu tố cơ duyên và sự may mắn. Bộ phim tài liệu Việt Nam – Nhật Bản những chặng đường hợp tác là một trong những tác phẩm như vậy.

Cái may lớn nhất khi làm phim là sự đồng cảm, thiện chí, sẵn lòng chia sẻ của những người Nhật Bản với Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu, họ đã tạo điều kiện thuận lợi khi chúng tôi dò dẫm tìm cách tiếp cận. Với vai trò là những người kể chuyện, tôi nghĩ đó là những điều quý giá không phải lúc nào cũng có được. Thực tế, đối với chúng tôi, họ là những người Nhật Bản tuyệt vời. Họ làm chúng tôi xúc động. Họ nói về Việt Nam bằng tâm trạng, xúc cảm và ở những vùng ký ức gắn bó với Việt Nam khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Suốt cả chặng đường khám phá có phần gấp gáp, không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải tìm cách diễn đạt tối ưu nhất cho hai chữ “cảm ơn” mà chúng tôi muốn muốn bày tỏ chân thành nhất. Thêm một lần nữa, khi quay lại với nhiệm vụ của mình, chúng tôi cảm thấy cần phải chuyển tải một cách tốt nhất những gì chúng tôi đã cảm nhận đến với khán giả. Sau rất nhiều trăn trở và chọn lựa, cuối cùng chúng tôi quyết định chọn phương án kể chuyện dung dị, đơn giản. Tự bản thân mỗi người bạn Nhật đã là những minh chứng quý giá cho tình hữu nghị của hai đất nước Việt Nam – Nhật Bản.

‘ Trong quá trình làm phim, anh cùng đoàn đã có những kỉ niệm, thuận lợi và khó khăn gì không?

Nhà báo Quốc Khánh: Tôi nghĩ đây là một bộ phim để lại nhiều kỷ niệm cho bất cứ ai trong đoàn làm phim. Bởi đa phần ekip thực hiện bộ phim này còn khá trẻ, sự hiểu biết về chính quê hương, dân tộc mình còn là sự tích lũy trường kỳ. Vậy mà lại được chứng kiến những người Nhật Bản đau đáu, yêu Việt Nam tha thiết, rồi lại được họ dẫn di, tìm lại, minh chứng cho những điều họ tâm huyết với Việt Nam là những sự trải nghiệm tuyệt vời. Những giọt nước mắt của người Nhật Bản, những buổi làm việc từ sớm đến tận đêm khuya trên đất Nhật và những cụ già gần trăm tuổi tự đi tàu hàng trăm cây số đến tìm gặp chúng tôi… Tất cả sẽ là những kỷ niệm sâu sắc nhất.

Thuận lợi nhiều thế nhưng khó khăn cũng vô vàn. Tác nghiệp trên địa bàn Nhật Bản không phải là điều đơn giản, với những nề nếp, quy tắc, thói quen rất Nhật mà nếu không biết hoặc xử lý chệch ra một chút thôi thì sẽ hỏng việc ngay lập tức. Và cái khó to lớn nhất vẫn là sức ép về thời gian cũng như khối lượng công việc.

Chúng tôi phải làm 7 tập phim trong vòng 4 tháng, lại phải ghi hình cả ở Nhật Bản và Việt Nam. Tổ chức sản xuất thế nào để hoàn thành nhiệm vụ là một sự thách thức vô cùng lớn ngay từ những dòng kịch bản đầu tiên đến tận ngày cuối cùng phim lên sóng. Chúng tôi đã luôn phải làm việc trong một áp lực, căng thẳng, lo lắng. Chúng tôi đã thật sự may mắn mới hoàn thành nhiệm vụ này ở mức độ không làm chúng tôi quá thất vọng.

Phim tài liệu là một thể loại khó, đặc biệt phim có liên quan đề tài về ngoại giao. Chắc hẳn anh đã phải nghiên cứu về ngoại giao Việt - Nhật và chịu áp lực rất nhiều khi được giao nhiệm vụ?

Nhà báo Quốc Khánh: Phim tài liệu khó nhất ở việc làm sao cho hấp dẫn khán giả. Đó là điều tôi đau đầu và trăn trở nhiều nhất. Tôi sợ là người xem không hiểu được mình muốn chia sẻ điều gì, những trường đoạn mình tâm huyết, dồn tâm sức nhất lại không chạm tới được khán giả. Làm bất cứ phim nào tôi cũng tâm niệm và mất rất nhiều thời gian để tư duy về vấn đề này.

Tôi không dám nói là mình đã thành công trên chặng đường chinh phục khán giả nhưng từng bước, tôi hàng ngày cố gắng nỗ lực để thay đổi, làm mới chính mình với hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé nào đó với việc thu hút, giá trị của phim tài liệu truyền hình. Trên tinh thần đó, Việt Nam – Nhật Bản những chặng đường hợp tác là một bộ phim tôi dành rất nhiều tâm huyết, dù đề tài khó nhưng cuối cùng tôi cũng tìm ra cách kể chuyện riêng của mình. Mỗi một tập phim lên sóng, tôi lại hồi hộp, tìm hiểu phản ứng của người xem để rút ra bài học.

Để làm nên thành công cho 7 tập phim, anh và các bạn đồng nghiệp đã khai thác những khía cạnh gì trong các nhân vật đã được gặp?

Nhà báo Quốc Khánh: Người ta có thể dễ dàng nhầm lẫn phim tài liệu với những phim tư liệu, nghĩa là chỉ đơn thuần lưu lại, kể lại những gì đã và đang diễn ra. Theo tôi, cái nhọc lòng của những người làm phim tài liệu là tìm ra được tính tư tưởng và xây dựng của bộ phim với đời sống, dù chỉ ở một góc độ hay khía canh nhất định nào.

Với 7 tập phim tài liệu này, chúng tôi đã dùng một phương thức kể chuyện dung dị, đơn giản, bằng những câu chuyện, tâm sự và sự trải nghiệm thật nhất qua lời kể của những bạn Nhật. Từ đó, khán giả vẫn thấy cả một diễn biến logic, bối cảnh lịch sử chung với những tương tác giao hữu sinh động và kịch tính, để thấy được những thăng trầm của mối quan hệ Việt Nam – Nhật bản nhìn từ một góc rộng cũng như bao quát nhất .

Theo anh, những người làm phim tài liệu và phóng sự phải hội tụ những phẩm chất gì để sống lâu trong nghề?

Nhà báo Quốc Khánh: Làm việc gì cũng cần sự đam mê và cảm giác hứng thú với việc mình đang làm. Ở một công việc luôn phải đi tìm sự đồng cảm của mọi người như làm phim tài liệu thì điều đó càng cần thiết. Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ phim tài liệu là một sự tích lũy không ngừng nghỉ. Anh có thể làm phim này tốt khi anh tích lũy vừa đủ, nhưng ở phim khác anh chưa chắc đã tốt nếu anh lười nhác hoặc thiếu thốn điều kiện để tự làm dày thêm chất liệu của mình. Nói chung nhiệt lượng và tình yêu của người sáng tác sẽ quyết định rất nhiều chất lượng bộ phim.

‘ Nhà báo, đạo diễn Quốc Khánh (ngồi giữa) đang tác nghiệp

Làm phim tài liệu, nhiều người cho rằng sẽ rất khô khan. Anh thấy quan niệm này như thế nào?

Nhà báo Quốc Khánh: Phim tài liệu là cuộc sống, là những diễn biến đời thường được phản ánh qua lăng kính một người kể chuyện. Không thể nói hiện thực là khô khan, mà khô hay không là qua cách kể. Như trên đã nói, đây cũng chính là điều tôi đang nỗ lực nhất qua từng tác phẩm của mình.

Hiện tại, phim đang phát sóng những tập cuối cùng, anh nhận thấy phản hồi của khán giả ra sao?

Nhà báo Quốc Khánh: Tôi đã thích và quan tâm đến phim tài liệu cách đây 10 năm, tác phẩm đầu tiên của tôi là cách đây 8 năm nhưng đặt dưới sự chỉ đạo của Trung tâm phim tài liệu và phóng sự thì khoảng 3 năm. Tuy nhiên, Việt Nam – Nhật Bản những chặng đường hợp tác là bộ phim dài tập đầu tiên của tôi. Bản thân tôi đang chờ đợi sự phản hồi từ phía khán giả bởi vì phim còn đang phát sóng nên tôi cũng chưa thể khẳng định được mức độ thành công của phim.

Ngoài câu chuyện về bộ phim tài liệu Việt Nam – Nhật Bản những chặng đường hợp tác đang gây được sự chú ý, nhà báo Quốc Khánh có thể chia sẻ đôi chút về bản thân cũng như con đường đến với báo chí của anh diễn ra như thế nào được chứ?

Nhà báo Quốc Khánh: Tôi tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế đối ngoại, cao học ngành Kinh tế chính trị rồi mới về làm việc ở Đài. Tuy nhiên tôi nghĩ nghề báo là nghề của sự tích lũy, liên tục và thường xuyên. Nếu không thu nạp thì làm sao nhà báo có sản phẩm. Bởi vậy, tôi đến với nghề báo bằng một chút duyên, nhưng tôi đã làm nghề bằng sự học hỏi liên tục của chính tôi trong mọi khía cạnh của đời sống.

Mỗi chặng đường ta đến đem cho ta nhiều bài học, mỗi người bạn đem cho nhiều lời góp ý chân thành. Đối với anh, điều đó thể hiện như thế nào đặc biệt trong các tác phẩm?

Nhà báo Quốc Khánh: Tôi nghĩ người làm báo nào cũng có sự nhạy cảm riêng của mình. Trong muôn vàn những thông tin cuộc sống và sự phản ánh đa chiều tác động từ nhiều phía, người làm báo luôn cần có bản lĩnh và biết chắt lọc. Lời khuyên luôn luôn tốt nhưng hấp thụ bằng cách nào, mức độ ra sao, rồi lại biến sự hấp thụ ấy thành cái của mình là cả một quá trình không ai giống ai.

Tôi không thể khẳng định sự kết tinh của chính mình đã ở mức độ nào, tuy nhiên đối với tôi, mỗi tác phẩm đều là sự lặp lại quá trình bắt đầu từ không có gì, đến có một câu chuyện gì đó để chia sẻ với khán giả. Tôi luôn hồi hộp với từng tác phẩm cũng bởi vì điều đó.

Được biết, anh là người Hải Phòng. Năm nay, Hải Phòng lại là nơi đăng cai năm du lịch quốc gia Hải Phòng 2013. Anh có ý định hướng đăng kí đề tài phim tài liệu liên quan đến Hải Phòng và con người nơi đây hay không?

Nhà báo Quốc Khánh: Tôi chưa có một tác phẩm nào về Hải Phòng. Tôi cũng muốn làm một điều gì đó liên quan đến quê hương mình. Song tôi luôn tâm niệm, làm gì cũng cần có cái duyên và điều gì tự nhiên cũng tốt hơn là sắp đặt. Là những người sáng tác, tôi mong cái duyên đó sớm đến với mình, như một cách khẳng định những suy nghĩ, mong muốn đóng góp của tôi với mảnh đất quê hương.

Cám ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước