Nhìn lại những bước thăng trầm của TVB

An Khê-Thứ năm, ngày 13/03/2014 17:40 GMT+7

TVB là cái nôi của những bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng khắp châu Á.  Nhưng trong chặng đường ngót nghét nửa thế kỉ, nó cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những cơn sóng gió lịch sử.  

Huy hoàng đế chế Thiệu Dật Phu

Sự ra đi của “ông vua” giải trí châu Á Thiệu Dật Phu (Run Run Shaw) ngày 7/1/2014 là mất mát to lớn của ngành công nghiệp giải trí châu Á và thế giới. Thọ 107 tuổi, trong già nửa quãng đời của mình, Thiệu Dật Phu đã giành nhiều tâm huyết và cống hiến để kiến tạo nên một triều đại truyền hình Hồng Kông TVB nổi danh khắp năm châu. Thành công một thời của TVB, vì thế chưa bao giờ tách rời khỏi cái tên Thiệu Dật Phu.

‘ Thiệu Dật Phu khởi nghiệp từ một công ti chiếu phim lưu động nhỏ phục vụ bà con nông thôn tại vùng quê Nam Dương, Đại lục vào những năm 20 thế kỉ trước. Sau hai năm làm ăn phát đạt, anh em Thiệu Dật Phu quyết định hùn vốn mở công ti Thiệu Thị, đặt trụ sở tại Singapore.

Thập niên 50 thế kỉ 20, Thiệu Dật Phu đến Hồng Kông, đúng giai đoạn nền kinh tế của thành phố này đang phát triển nhanh chóng. Năm 1958, công ti trách nhiệm hữu hạn chế tác phim Thiệu Thị Hồng Kông– Shaw Brother chính thức thành lập.

Với kinh nghiệm dày dặn, nguồn vốn dồi dào, Thiệu Dật Phu đã cho xây dựng phim trường riêng trên diện tích gần 200 nghìn mét vuông, mua lại đất từ chính phủ Hong Kong, nhờ đó Thiệu Thị trở thành công ti điện ảnh lớn nhất châu Á.

‘ Năm 1966 – 1967, Thiệu Thị có dấu hiệu suy thoái do không thể cạnh tranh với hãng phim Golden Harvest, nơi đang sở hữu ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.

Đứng trước sự lựa chọn sống còn, Thiệu Dật Phu nảy ra sáng kiến thành lập công ti truyền hình trách nhiệm hữu hạn Hồng Kông – TVB vào năm 1967.

Thời gian đầu mới ra mắt, TVB có phần lép vế trước đối thủ dạn dày kinh nghiệm ATV, nhưng với tài năng kinh doanh nhạy bén của Thiệu Dật Phu, đài này nhanh chóng trở thành hãng phim truyền hình uy tín nhất Hong Kong.

Nói đến chiến lược lãnh đạo của Thiệu Dật Phu, trước hết phải kể đến khả năng trân trọng tài năng và con mắt phát hiện nhân tài đầy tinh anh của ông.

‘ Năm 1972, TVB dưới sự chỉ đạo của Thiệu Dật Phu, đã khai giảng khóa đào tạo diễn xuất đầu tiên, nơi ra lò nhiều tài năng cho truyền hình và điện ảnh Hoa ngữ sau này: Trương Mạn Ngọc, Triệu Nhã Chi, Châu Hải My, Thái Thiếu Phân, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát…


Ngoài ra, TVB còn được biết đến là nơi đi đầu, nắm quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông hàng năm. Năm 1983, Thiệu Dật Phu chuyển phần lớn các trang thiết bị sản xuất chương trình từ hàng Thiệu Thị về TVB, huy động tối đa lực lượng phát triển đài truyền hình này.

TVB bắt đầu đẩy mạnh quá trình sản xuất các chương trình truyền hình và đặc biệt là phim truyện. Vốn có thế mạnh ở dòng phim phim điện ảnh võ hiệp, trong thập niên 80, Thiệu Dật Phu tiếp tục phát triển thể loại phim này trên lĩnh vực truyền hình.

Các tác phẩm võ hiệp của TVB như: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Hiệp khách hành… đã khiến triệu triệu khán giả mê mẩn, trở thành những bộ phim võ thuật kinh điển của truyền hình châu Á.

‘ Bên cạnh đó, TVB còn sở hữu các giám chế tài năng cùng biên kịch lão luyện với vốn sống phong phú và am hiểu nhiều lĩnh vực, đó là lợi thế để TVB ghi dấu ở cả dòng phim tâm lí – xã hội. Đại thời đại, Nghĩa bất dung tình, Thử thách nghiệt ngã, Thâm cung nội chiến, Bằng chứng thép … là những ví dụ điển hình nhất.


Những năm đầu thế kỉ 21, dưới sự lãnh đạo của Thiệu Dật Phu, TVB vẫn không ngừng phát triển, trở thành đài truyền hình tiếng Hoa có tầm ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới, với hàng trăm triệu khán giả ở khắp mọi nơi.

‘ TVB không chỉ là đài truyền hình phát sóng miễn phí đầu tiên ở Hồng Kông, mà còn là hệ thống truyền hình tiếng Hoa có tầm ảnh hưởng tới người Hoa lớn nhất trên toàn thế giới, với hệ thống phát sóng vươn đến hàng loạt các quốc gia như” Mỹ, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và một số quốc gia châu Âu. Cơn bĩ cực thời hậu Thiệu Dật Phu

Năm 2011, sau 44 năm đứng ở vị trí người cầm trịch TVB, Thiệu Dật Phu chính thức nghỉ hưu ở tuổi 104. Ông bán cổ phần của mình cho Trần Quốc Cường, Chủ tịch tập đoàn ITC với giá 6,26 tỉ đô la Hong Kong. Đây cũng là khoảng thời gian cục diện của TVB thay đổi theo chiều hướng đi xuống.

‘ Thách thức trước hết và cũng là lớn nhất của đài truyền hình từng một thời “làm mưa làm gió” này là sự thiếu độc đáo, sáng tạo, có phần đi vào lối mòn của những bộ phim truyền hình trong vài năm trở lại đây.

Sự lười biếng trong suy nghĩ đã dẫn đến việc đạo ý tưởng, lạm dụng cốt truyện đã trở nên cũ kĩ từ nhiều năm, đến độ khán giả gọi đó là “công thức TVB” –cụm từ ám chỉ môtíp quen thuộc: tình yêu tay ba, tranh đoạt gia tài, thân thế bí ẩn, truy đuổi tội phạm…

Bên cạnh đó, sự đổ bộ của dòng phim thần tượng Đài Loan, sự lên ngôi của phim tâm lí Hàn Quốc, và sự tiến bộ của phim Đại lục đã nhanh chóng lấn át, đẩy phim TVB vào thế “kẻ yếu”.

‘ Khó khăn thứ hai mà đến bây giờ TVB vẫn chưa tìm ra lối thoát, đó chính là tình trạng “chảy máu nhân tài”. Là cái nôi đào tạo ra nhiều tiểu sinh, hoa đán nổi tiếng nhất xứ sở Cảng Thơm, nhưng TVB đành ngậm ngùi nhìn những đứa con của mình “một đi không trở lại”.

Tiền lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo, điều khoản hợp đồng dài hạn và nghiêm ngặt…. đã khiến nhiều nghệ sĩ tài năng không thể tiếp tục ở lại cống hiến cho TVB. Trong bảng danh sách tiền lương của diễn viên TVB được tiết lộ năm 2011, người ta không khỏi ngạc nhiên về đồng lương ít ỏi, kém 10 lần so với ở phim truyền hình Đại lục.

‘ Thật không khó để hiểu lí do TVB dần mất đi những cái tên trụ cột như Xa Thi Mạn, Lâm Bảo Di, Đặng Tụy Văn, Huỳnh Nhật Hoa, Quách Khả Doanh… Khi thiếu hụt trầm trọng những diễn viên giàu kinh nghiệm, TVB đã buộc phải nhanh chóng lăng xê những diễn viên mới non kém kinh nghiệm và những người đoạt giải tại cuộc thi sắc đẹp.

Vừa chưa đủ tầm, lại phải gánh thay khối lượng công việc khổng lồ của những người bỏ đi, kết quả là các nam nữ diễn viên hiện giờ của TVB thường bị bóc lột sức lao động. Năm ngoái, Trương Triệu Huy, nam diễn viên của Thần thương thư kích 2013 từng gay gắt tố cáo TVB ép anh phải làm việc 30 tiếng liên tục mà không được chợp mắt, thậm chí còn không trân trọng diễn viên khi ép họ phải đóng những cảnh quay nguy hiểm mà không có người đóng thế.

Không chỉ các diễn viên mà các biên kịch cũng rơi vào tình trạng tương tự, đồng loạt 12 biên kịch chắc tay cũng dứt áo ra đi. Các tay viết trẻ với vốn sống ít ỏi khiến nhiều kịch bản trở nên vô lí, thiếu chiều sâu và nhiều lỗi ngớ ngẩn.

‘ Ngoài ra, TVB ngày càng gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, với phim trường chật hẹp, phông nền giống nhau, đạo cụ tái chế cũ kĩ, bị dùng lại nhiều lần..


Kể từ khi Trần Quốc Cường thay thế Thiệu Dật Phu, ông đã thay đổi cách quản lí đương nhiệm của TVB, từ ngân sách đến chế độ cai trị, nới lỏng và cho phép diễn viên TVB sang Đại lục kiếm tiền.

Tuy nhiên, đứng trước tình trạng khó khăn chồng chất trước mắt, ban lãnh đạo TVB đã kịp nhận ra, cải tổ là cần thiết.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước