Những điều kỳ lạ trong lịch sử giải Oscar

Nguyên Phạm (Theo Tuổi Trẻ)-Chủ nhật, ngày 24/02/2013 17:00 GMT+7

Marlon Brando gây xôn xao khi từ chối tượng Oscar cho vai diễn Bố già - Ảnh: wallpaperswide

 Oscar được đánh giá là chương trình tuân theo kịch bản một cách chặt chẽ. Tuy nhiên vẫn có những điều kỳ lạ xung quanh sự kiện thường niên này khiến nó luôn mới mẻ dù đã 85 tuổi.

Từ chối giải Oscar

Được xem như giải thưởng danh giá nhất mà các nghệ sĩ hoạt động trong môn nghệ thuật thứ bảy đều ao ước, lễ trao giải Oscar thỉnh thoảng gây sốc khi xuất hiện những cá nhân từ chối tượng vàng.

Vì những bất đồng giữa Viện Hàn lâm và Hiệp hội Các nhà biên kịch Mỹ, năm 1936 Dudley Nichols trở thành người đầu tiên “dám” chối bỏ giải Oscar cho kịch bản bộ phim The Informer (Người chỉ điểm) do ông chấp bút.

Năm 1972, nam diễn viên Marlon Brando - bố già Vito Corleone trong bộ phim kinh điển The Godfather (Bố già) - cũng gây xôn xao khi bỏ qua giải Oscar dành cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Nhưng theo Reuters, có lẽ vụ khước từ đình đám nhất trong lịch sử Oscar thuộc về giải nam diễn viên kiêm đạo diễn George C. Scott. Năm 1970, Scott từ chối giải nam diễn viên xuất sắc nhất cho sự thể hiện của mình trong phim Patton, đồng thời “tố” rằng Oscar là giải thưởng “man rợ” và mang tính “tham nhũng bẩm sinh”.

Tuy nhiên năm 1972, Scott lại bất ngờ chấp nhận đề cử giải đạo diễn xuất sắc cho phim Rage (Cơn thịnh nộ). Và 10 năm sau đó, nghệ sĩ này lại bất ngờ mua chiếc vé cuối cùng để được tham dự lễ trao giải Oscar - sự kiện mà ông từng gọi là “cuộc diễu hành 2 tiếng của những bị thịt”.

Đường dài đến với Oscar

Hattie McDaniel là nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên thắng giải Oscar nhờ vai diễn vú nuôi xuất sắc của bà trong phim Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) năm 1939. Khi tất cả đoàn làm phim Gone with the wind ngồi ở một chiếc bàn lớn cùng nhau tại khán phòng trao giải, McDaniel và một người bạn của bà chỉ được ngồi bàn dành cho hai người ở phía sau vách phòng này.

Và McDaniel đã phải đi một đoạn đường khá dài để lên nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Oscar không người dẫn lối

Trong lịch sử lễ trao giải Oscar, có những người dẫn chương trình rất thu hút, có những người dẫn chương trình tệ và rất tệ. Tuy nhiên không có một buổi lễ nào dở hơn lễ trao giải Oscar năm 1989 khi sự kiện không có một người dẫn chương trình chính thức nào.

Tượng vàng giá rẻ

Từ năm 1950, Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã đưa ra một quy định mang tên “giao kèo với người thắng cuộc”. Theo đó, nếu một ngày bạn muốn bán đi tượng vàng Oscar của mình, Viện Hàn lâm được quyền trở thành khách hàng đầu tiên (nếu muốn) mua lại tượng vàng này với giá ưu đãi 1 USD.

Điều này không có nghĩa rằng tượng Oscar chưa bao giờ xuất hiện tại các phiên bán đấu giá. Trên thực tế, nhà làm phim nổi tiếng Steven Spielberg từng bỏ ra 1,1 triệu USD để mua lại hai tượng vàng trước thời kỳ “giao kèo với người thắng cuộc” xuất hiện. Đó là tượng vàng của nam tài tử Clark Gable (từng vào vai Rhett Butler trong phim Cuốn theo chiều gió) và nữ diễn viên Bette Davis. Spielberg sau đó đã đem những tượng vàng này tặng lại cho Viện Hàn lâm.

Oscar nói “không” với váy ngắn

Trong cuốn sách kinh điển How to dress for success (Ăn vận thế nào để thành công) của mình, nhà thiết kế từng đoạt giải Oscar Edith Head viết: “Thậm chí cả những đôi chân dài đẹp nhất - ví dụ như chân của Marlene Dietrich - cũng sẽ đẹp hơn nếu phần đầu gối được che phủ”.

Để bảo vệ quan điểm trên, khi được mời làm cố vấn đặc biệt cho giải Oscar năm 1967, Head đã đề xuất lệnh cấm các ngôi sao nữ diện váy ngắn khi xuất hiện trên thảm đỏ.

Những thăng trầm của tượng vàng Oscar

Tượng Oscar ngày nay (cao trên 34cm, nặng 3,85kg) được làm từ kim loại đen và mạ vàng cùng hợp chất britannium bên ngoài. Tuy nhiên, bức tượng này không phải lúc nào cũng giữ nguyên chất liệu như vậy.

Trước Thế chiến thứ II, tượng được làm bằng đá. Trong những năm tháng chiến tranh, thạch cao là nguyên liệu chính làm nên tượng. Và đến những năm 1950, các diễn viên nhí thắng giải Oscar chỉ được tặng một bức tượng thu nhỏ. Điều này không phải vì các em quá nhỏ để có thể cầm nổi một bức tượng mà do ban tổ chức nghĩ rằng việc trao tượng nhỏ cho các em (và tượng lớn hơn cho các ngôi sao trưởng thành) là một điều công bằng.

Năm 1938 còn điểm một dấu mốc lạ lùng khác trong lịch sử 85 năm của giải Oscar khi lần đầu tiên và duy nhất tượng Oscar danh dự bằng gỗ được trao tặng cho Edgar Bergen - diễn viên lồng tiếng nổi tiếng tại Mỹ.

Oscar dành cho Oscar

Tính đến thời điểm hiện tại, Walt Disney đang giữ kỷ lục cá nhân giành nhiều giải Oscar nhất với 26 giải. Ngược lại, Kevin O'Connell được mệnh danh là ứng viên kém may mắn nhất khi đã 20 lần được đề cử nhưng chưa bao giờ có cơ hội chạm tay vào tượng vàng.

Trong khi đó, suốt chiều dài lịch sử 85 năm Oscar, chỉ có duy nhất một người tên Oscar thắng giải cao quý này, đó là nhà soạn nhạc Oscar Hammerstein II. Ông được vinh danh tại lễ trao giải năm 1941 và 1945.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 sẽ diễn ra vào tối chủ nhật 24-2 (sáng thứ hai giờ VN, 25-2) tại nhà hát Dolby ở Los Angeles (Mỹ).

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước