Những giọt mồ hôi kết tinh thành Vàng

PV-Thứ hai, ngày 06/01/2014 20:04 GMT+7

LHTHTQ lần thứ 33

Với những tác giả đã giành giải Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33, cảm xúc chung là niềm vinh dự và tự hào. Cũng nhờ những danh hiệu cao qu‎ý này, những người làm truyền hình trong cả nước lại có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 khép lại với 35 giải Vàng, 62 giải Bạc và 139 Bằng khen được trao cho các tác phẩm xuất sắc ở 9 thể loại. Ban tổ chức đã trao giải Vàng đặc biệt cho hai tác phẩm xuất sắc, vượt trội so với những tác phẩm còn lại. Giải đặc biệt thứ nhất được trao cho tác giả Thu Uyên, Trung tâm THVN tại Thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm Táng tận lương tâm chôn xương động vật giả hài cốt liệt sĩ từng gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua.. Giải đặc biệt thứ hai thuộc về Bảo tồn loài voọc mông trắng của nhóm tác giả Hồng Tuyến, Phương Chi của Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN.

Chia sẻ về tác phẩm giành giải Vàng đặc biệt tại Liên hoan, phóng viên Hồng Tuyến và các đồng nghiệp cho biết, nhóm muốn thực hiện một chương trình về thế giới động vật dành cho thiếu nhi. Thực tế, đã tìm kiếm nhiều đề tài khác nhau nhưng không dễ để tìm thấy đề tài hay. Ê-kíp đã được anh Hồng Quảng - Ban Khoa giáo, Đài THVN giới thiệu tới gia đình của ông Tilo Nadler - người sáng lập ra Trạm nghiên cứu linh trưởng ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Tuy nhiên, bộ phim tập trung vào cậu bé Khiêm - con trai ông Tilo và xoay quanh tình yêu động vật của cậu bé dành cho một chú voọc. Phải thực hiện nhiều lần mới có được những cảnh quay độc đáo, một điều may mắn với những người thực hiện chương trình là lựa chọn được thời điểm tác nghiệp đúng lúc Trung tâm bảo tồn có đợt thả loài voọc về với môi trường thiên nhiên. Qua chương trình, phóng viên Hồng Tuyến và các cộng sự muốn dạy trẻ em biết cách cứu hộ động vật. Cứu hộ ở đây không chỉ là mang động vật về nhà chăm sóc mà quan trọng hơn, các em phải hiểu việc thả các loài động vật về môi trường tự nhiên sau khi cứu chúng mới kết thúc quá trình cứu hộ.

Tác phẩm Bảo tồn loài voọc mông trắng cũng từng giành giải thưởng tại ABU Prizes, một giải thưởng danh giá của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương trao tặng trong khuôn khổ ABU GA 50 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 10 năm 2013. Đây là sự thừa nhận của các nhà báo uy tín trong nước và quốc tế cho một tác phẩm do nhóm tác giả Việt Nam thực hiện. Qua đó, nhóm tác giả đã minh chứng rằng, các tác phẩm được thực hiện bằng tâm huyết và nỗ lực đều có thể vươn đến tầm cao để truyền tải thông điệp rõ ràng nhưng hấp dẫn tới khán giả.

Nếu được đầu tư tâm huyết, công phu, giá trị tác phẩm sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Điều này hoàn toàn đúng với tác phẩm Hương lúa thuộc thể loại Ca – Múa – Nhạc của nhóm tác giả Vũ Thành Vinh, Vân Anh, Văn Hòa, Tuấn Hùng của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Ở một thể loại tưởng như dễ thực hiện nhưng nhóm tác giả quyết tâm đi theo hướng hoàn toàn khác biệt. “Khi thực hiện tác phẩm này, tôi và ê-kíp rất tâm đắc về chủ đề hương lúa bởi chúng ta nói nhiều đến cây lúa nhưng hầu như chưa có ai thực hiện một chương trình ca nhạc nào về chủ đề này. Chúng tôi đã lồng hình ảnh của đất nước và sự khổ cực của người nông dân vào cây lúa”, tác giả Vân Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt còn nằm ở thời gian mà ê-kíp đã đầu tư để thực hiện tác phẩm công phu này: “Chúng tôi đã lên ý tưởng từ tháng 4/2013. Tiếp đó là công đoạn lựa chọn ca khúc, hòa âm, phối khí cho ca khúc, lựa chọn ca sĩ, thu âm và ghi hình. Khoảng tháng 6/2013, chúng tôi bắt tay vào ghi hình và hoàn thành tác phẩm này trước kì LHTHTQ lần thứ 33 khoảng ba tuần”. Ngoài yếu tố thời gian, ê-kíp đã đi dọc miền đất nước ghi lại khá đầy đủ hình ảnh cây lúa ở mỗi vùng. Chưa kể đến vấn đề thời tiết, cái khó còn ở chỗ đoàn phải quay đầy đủ những giai đoạn trưởng thành của cây lúa và phải phụ thuộc vào công việc của những người nông dân. Tính công phu ẩn chứa trong tác phẩm đã được Ban giám khảo nhìn nhận và đánh giá chính xác với giải Vàng thuyết phục.

Nhắc tới những khó khăn về điều kiện khách quan trong quá trình sản xuất tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay, phải kể đến Điều trị tai biến do lặn biển của nhóm tác giả Quốc Cường, Bảo Lộc, Vũ Giang, Trung Hiếu, Thanh Tân thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên. “Chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn về thời tiết khi đang thực hiện tác phẩm, bão tràn về miền Trung. Hơn nữa, những cảnh quay ở biển cũng gặp khó khăn, nhất là những cảnh quay dưới nước vì nước biển khá đục. Nhưng sau đó may mắn đã có những lúc tiết trời hửng nắng giúp chúng tôi có được những cảnh quay như ý”, phóng viên Quốc Cường kể lại.

Bất chấp khó khăn khách quan, nhóm tác giả của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên muốn mang lại những lợi ích thiết thực trong cuộc sống của ngư dân. Tỉ lệ những người bị tai biến do lặn biển có thể lên đến 40%, họ có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Vì thế, khi gặp phải những sự cố do lặn biển, nếu họ biết tìm đến những nơi sơ cứu trong khoảng 12 tiếng đầu, tỉ lệ hồi phục sẽ lên đến 80%. Tác phẩm khi được phát sóng sẽ giúp ích cho rất nhiều ngư dân ở các tỉnh dọc vùng duyên hải miền Trung. Đây là ‎ý nghĩa sâu xa từ tác phẩm giành giải Vàng thể loại chương trình Chuyên đề - Khoa giáo.

Hầu hết, các tác phẩm đạt giải Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 đều được các ban giám khảo đánh giá cao ở nội dung hấp dẫn, cách thức thể hiện mới lạ và đặc biệt là thông điệp truyền tải tới khán giả. Hai tác phẩm Bệnh vô cảm và Hằng “Mắm ruốc” giành 2 trong số 10 giải Vàng thuộc thể loại Phóng sự là minh chứng rõ nét.

Với tác phẩm Bệnh vô cảm, nhóm tác giả Hồng Thanh - Đoàn Kiên của Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đã rất chú trọng đến những nhân vật, câu chuyện và chất liệu hơn là góc quay hay kĩ thuật truyền hình. Mục đích ban đầu của nhóm tác giả thực hiện phóng sự điều tra là phản ánh tiêu cực vi phạm chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà ở chính sách cho các hộ nghèo tại một địa phương ở Thanh Hóa.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu tình hình thực tế, phóng viên Hồng Thanh đã quyết định chuyển hướng khai thác đề tài từ phóng sự điều tra sang phóng sự xã hội phản ánh cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây để gửi tới khán giả thông điệp rõ ràng hơn. “Cảm giác tôi nhớ nhất là “sốc”. Sốc vì cuộc sống nghèo khổ của người dân ven bờ sông nơi đây, sốc vì thực trạng tha hóa ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo tại địa phương hiện nay. Nhưng với vai trò một nhà báo, tôi thấy mừng vì tác phẩm này đã hoàn thành. Kỉ niệm tôi nhớ nhất là khi trở lại địa phương sau vài tháng hoàn thành tác phẩm, những người dân nghèo ở đây đã được một quỹ hỗ trợ xây dựng ba căn nhà và người nữ thanh niên xung phong cuối cùng đã nhận được trợ cấp 500.000đ/tháng cho tới khi bà khuất núi. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn với họ”, phóng viên Hồng Thanh chia sẻ.

Còn với tác phẩm Hằng “Mắm ruốc”, tác giả Thúy Mai - Trung tâm THVN tại Thành phố Huế muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ thông điệp rất rõ ràng: “Ba năm trước, tôi quen Hằng từ chuyến du học do Chính phủ Australia tài trợ. Từ bỏ cơ hội học Tiến sĩ ở nước ngoài, cô ấy trở về quê hương để làm một công việc rất bình thường – bán mắm ruốc. Không có kinh nghiệm trong việc kinh doanh, Hằng đã tự mày mò đường đi và có được những thành công nhất định. Cô ấy đã cho tôi thấy, không phải cứ có trong tay bằng cấp cao thì đòi hỏi phải có được một công việc tương xứng mà bằng năng lực, trái tim và khối óc, ta có thể thành công ở bất cứ công việc gì. Nhân vật Hằng chính là minh chứng cho một câu danh ngôn nổi tiếng của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc mình”.

525 tác phẩm tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33, mỗi tác phẩm là một câu chuyện mang theo bao tâm huyết của các tác giả. Dù đoạt giải hay không, các tác giả đều cảm thấy vinh dự và tự hào bởi mục đích cuối cùng của những người làm truyền hình trong cả nước là gửi gắm thông điệp ‎ý nghĩa tới khán giả cả nước thông qua các tác phẩm dày công thực hiện. Một kì Liên hoan thành công với những người làm truyền hình và trong năm tới, tất cả lại trở lại guồng quay hối hả để tiếp tục cháy với đam mê nghề và mang tới kì Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34 nhiều tác phẩm xuất sắc khác.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước