NS Đức Trịnh: "Tuổi 20 hát - món ăn có gia vị mới lạ"

T.H-Thứ bảy, ngày 28/09/2013 11:01 GMT+7

Đánh giá chương trình Tuổi 20 hát mùa đầu tiên, nhạc sĩ Đức Trịnh - cố vấn âm nhạc của chương trình cho rằng đây sẽ là món ăn mới lạ và hấp dẫn giới trẻ Việt.

Là một chương trình làm mới các ca khúc cách mạng truyền thống, Tuổi 20 hát đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ khán giả yêu nhạc, có người thích, người không. Trong vai trò là một cố vấn âm nhạc, một nhà quản lý giáo dục trong lĩnh vực âm nhạc, VTV News đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng – nhạc sĩ Đức Trịnh để lắng nghe những đánh giá của ông về chương trình này.

Là cố vấn âm nhạc cho chương trình Tuổi 20 hát, ông đánh giá như thế nào về chương trình này, thưa ông?

Tuổi 20 hát là một chương trình rất hấp dẫn, vừa là một sân chơi giải trí giúp giới trẻ Việt Nam tiếp xúc với các ca khúc cách mạng truyền thống, đồng thời chương trình giúp phổ cập, quảng bá những ca khúc này tới khán giả yêu nhạc theo một phương thức mới. Trong mỗi vòng thi, qua hướng dẫn của 3 HLV và những nhà chuyên môn của các đội thi, những ca khúc truyền thống của chúng ta đã được thổi vào một hơi thở mới, đây là một nét hay trong âm nhạc bây giờ. Theo cá nhân tôi trong vai trò là một người đào tạo âm nhạc, tôi rất cổ vũ cho những chương trình như Tuổi 20 hát, bởi nó sẽ là cách chúng ta giữ gìn và phát triển các ca khúc chính thống.

‘ Chỉ còn vài ngày nữa, chúng ta sẽ tìm ra được ngôi vị quán quân "Tuổi 20 hát" 2013, ông có nhận xét gì về chất lượng các đội thi góp mặt ở đêm chung kết tới ?

Tất cả các em tham gia Tuổi 20 hát đều là sinh viên đến từ các trường đại học nên không thể đòi hỏi các em theo yêu cầu của những sinh viên nhạc viện chuyên nghiệp. Do đó, so với yêu cầu của một sân chơi âm nhạc như Tuổi 20 hát, các em đã phần nào đáp ứng được chất lượng đó. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là chương trình năm nay chưa xuất hiện những tài năng đặc biệt nổi trội.

Mục đích chính của "Tuổi 20 hát" là làm mới ca khúc cách mạng truyền thống, cho tới thời điểm này, liệu chương trình đã làm được điều đó?

Có thể khẳng định rằng Tuổi 20 hát đã tạo ra làn gió mới cho các ca khúc cách mạng, nhưng để có được một bước nhảy vượt thì chúng ta cần có thời gian và sự đầu tư về mặt con người hơn nữa. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tuổi 20 hát vẫn chưa thể sánh được về độ “hot” so với những gameshow âm nhạc khác nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về tương lai khả quan mà nó đem lại nếu như chúng ta có sự đầu tư hơn dành cho nó.

‘ Vậy trên thực tế, phản ứng của khán giả đối với chương trình này như thế nào?

Nhìn chung, chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ khá nhiều các bạn trẻ trong cả nước. Tuy nhiên với bất kì món ăn nào thì sẽ chỉ có một bộ phận thích nó mà thôi, Tuổi 20 hát cũng vậy. Khán giả có nhiều đối tượng khác nhau, chúng ta không thể yêu cầu tất các tầng lớp khản giả đều sẽ yêu thích cách làm mới các ca khúc cách mạng mà chúng ta đang thực hiện, đặc biệt là với lớp khán giả lớn tuổi.

Làm thế nào để "Tuổi 20 hát" có thể thu hút được nhiều khán giả hơn nữa?

Để chương trình hấp dẫn với nhiều đối tượng khán giả hơn, chúng ta cần có sự đầu tư, mở rộng sân chơi này hơn nữa, không chỉ dành cho các bạn sinh viên mà còn cho khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau. Theo đó thời gian tới, Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức một chương trình làm mới ca khúc cách mạng dành cho những khán giả trong độ tuổi trung niên. Riêng đối với Tuổi 20 hát, trong mùa giải tiếp theo, đội ngũ sản xuất chương trình sẽ có những sự thay đổi để chương trình để thu hút nhiều bạn trẻ hơn, trong đó có cả những bạn trong các trường đào tạo về âm nhạc.

Như vậy, có phải chúng ta sẽ mở rộng "Tuổi 20 hát" trong các trường nghệ thuật chính quy?

Theo tôi, điều này là hoàn toàn có thể, bởi các em sẽ tạo ra nét mới cho chương trình này. Tất nhiên, dù được đào tạo về âm nhạc nhưng các bạn sinh viên có chuyên môn thì cũng phải đảm bảo những tiêu chí khởi đầu của chương trình này.

Bên cạnh đó, là một nhà quản lý giáo dục trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi cũng rất khuyến khích các bạn sinh viên nhạc viện có thể hát nhạc cách mạng truyền thống theo nhiều thể loại khác nhau. Chúng ta đã có một Thái Thùy Linh với album Bộ đội, tôi hy vọng chúng ta sẽ có nhiều hơn thế.

“Tham gia tuổi 20 hát là bởi sẽ được thể hiện ca khúc cách mạng theo cách của riêng mình” – đây là suy nghĩ của nhiều bạn sinh viên tham "Tuổi 20 hát". Ông có cảm nhận như thế nào khi nghe điều này?

Đây là một điều tất lẽ! Bên cạnh việc lưu giữ những giá trị cổ điển, chúng ta cũng cần phải tôn trọng sở thích âm nhạc của họ. Mặc dù vậy, có một điều chúng ta nên nhớ: lớp trẻ chính là đối tượng phát triển ca khúc truyền thống của chúng ta trong tương lai. Vì thế, trong tình hình nhiều dòng nhạc hiện đại đang có tác động lớn tới giới trẻ Việt Nam hiện nay, việc tạo điều kiện cho họ tiếp xúc và phát triển âm nhạc truyền thống của chúng ta theo cách của họ là điều cần thiết. Như vậy, những ca khúc đó sẽ có sức sống với thời gian hơn.

Với một bộ phận không nhỏ giới trẻ ít quan tâm đến nhạc cách mạng như vậy, ông có cho rằng đó là do các ca khúc chính thống của nhạc Việt đang kém hấp dẫn?

Nếu nói đến những sáng tác từ thời cách mạng, chúng ta có một số lượng đồ sộ các ca khúc với chất lượng tốt. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, có nhạc sĩ trẻ viết về đề tài cách mạng dù số lượng không nhiều, có thể kế đến như ca khúc Lá cờ của tác giả Tạ Quang Thắng đã gây được chú ý của nhiều khán giả… Theo đó, để đáp ứng theo sự thay đổi của âm nhạc Việt, tương lai, Hội nhạc sĩ sẽ khuyến khích hơn nữa cho những sáng tác mới ra đời, đồng thời tổ chức các chương trình quảng bá dành cho ca khúc chính thống cổ điển.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cùng theo dõi những phần thi đầy hứng khởi đến từ 4 trường đại học trong Chung kết Tuổi 20 hát sẽ diễn ra vào 21h thứ 7 (28/9). Chương trình được THTT trên kênh VTV6, Đài THVN!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước