Phim tài liệu Việt: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm mang tầm quốc tế?

Yến Trần-Thứ ba, ngày 26/06/2018 17:30 GMT+7

VTV.vn - Đạo diễn Đào Thanh Hưng - khách mời đặc biệt của "Hành trình truyền cảm hứng" đã có những chia sẻ kinh nghiệm về làm phim tài liệu Việt trong môi trường quốc tế.

Hơn 10 năm qua, anh đã có nhiều cơ hội làm phim với các kênh truyền hình như Discovery, NHK, NatGeo… Với anh, làm phim tài liệu hợp tác quốc tế có gì khác biệt so với trong nước?

Ở những nước phát triển, việc tìm kiếm đề tài phim tài liệu khó hơn nhiều so với ở Việt Nam. Bởi khi cuộc sống đã ổn định và không nhiều biến đổi thì phim tài liệu cũng ít cơ hội để khai thác hơn. Còn ở Việt Nam, sự biến đổi diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở khắp mọi nơi, từ kiến trúc, văn hoá, kinh tế đến đời sống của con người... Đề tài đa dạng nhưng tiếc là chúng ta chưa biến chúng thành những tác phẩm mang tầm quốc tế được. Tôi đã gặp nhiều bạn bè làm phim tài liệu. Họ chia sẻ rằng, luôn khao khát được đến Việt Nam làm phim vì họ nhìn thấy ở đó rất nhiều giá trị có thể biến thành những đề tài hấp dẫn khán giả.

Phim tài liệu Việt: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm mang tầm quốc tế? - Ảnh 1.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng (áo kẻ) làm phim ở vùng cao

Tôi đã đi Singapore, đi Cambodia, Mozambique, Tanzania và Nhật Bản để quay và chiếu phim của mình. Ở mỗi một nơi đến, chúng tôi đều dành thời gian ngồi với các nhà làm phim tài liệu địa phương để kết nối. Họ cho chúng ta hiểu rõ hơn về địa phương, hỗ trợ chúng ta trong vấn đề quay phim nước ngoài. Như Singapore, họ rất ít những nhà làm phim truyện và ít quay phim giỏi. Thế nhưng các nhà làm phim từ các quốc gia khác lại đến đó nhiều. Họ tạo dựng được một mạng lưới và từ đó lan toả sang các nước lân cận mỗi khi có dự án chạy. Tôi cho rằng, thế giới đã phẳng hơn và thế giới của những nhà làm phim tài liệu cũng như vậy.

Phim tài liệu Việt: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm mang tầm quốc tế? - Ảnh 2.

Làm phim trong môi trường quốc tế đòi hỏi tính chuyên nghiệp

Theo anh, điều gì đã hạn chế các nhà làm phim tài liệu Việt Nam khi mà rõ ràng họ đang có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất phim tài liệu? 

Như tôi đã nói ở trên, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ và cách thể hiện mang tầm quốc tế. Chúng ta có chất liệu, nhưng nấu món ăn như thế nào để bạn bè quốc tế thưởng thức được mà vẫn đậm hương vị Việt Nam là điều không phải nhà làm phim nào cũng có thể biết cách và làm được.

Bạn hỏi tôi có trăn trở không? Thực lòng, tôi luôn mong mỏi một ngày nào đó phim tài liệu ở Việt Nam được khán giả đón nhận nhiều hơn. Làm sao phải có được nhiều bộ phim hay để khán giả thấy được sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của tài liệu trong xã hội Việt Nam như đúng giá trị của nó. Sự quan tâm và phát triển của tài liệu cần phải có sự ủng hộ của thế hệ trẻ tài năng yêu tài liệu. Tôi mong mỏi thế hệ làm phim tài liệu trẻ Việt Nam hãy kết nối với chúng tôi, cùng chúng tôi học hỏi và tìm cơ hội cùng làm việc với bạn bè quốc tế. 

Các sản xuất và đạo diễn quốc tế mà anh đã có cơ hội hợp tác - họ có ý kiến gì như thế nào về phim tài liệt Việt?

Khi trao đổi với các bạn bè quốc tế, họ đều công nhận là chúng ta có đề tài phong phú, những câu chuyện thú vị nhưng... cách làm của chúng ta chưa ổn. Sự can thiệp của nhà làm phim vào nhân vật, câu chuyện chưa tinh tế, bị "lộ" khiến cho người xem cảm thấy sự dàn dựng. Trong khi đó với họ, có thể có, có thể không việc dàn dựng nhưng cách họ làm rất thật khiến khán giả tin vào câu chuyện họ đang kể. Điều đó rất quan trọng với phim tài liệu.

Phim tài liệu Việt: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm mang tầm quốc tế? - Ảnh 3.

Một tác phẩm phim tài liệu đã được đạo diễn Đào Thanh Hưng thực hiện ở Châu Phi

Thứ hai là tính chuyên nghiệp. Các nhà làm phim quốc tế luôn cần tác phong làm việc chuyên nghiệp: Sự đúng giờ, đúng chuẩn, cách triển khai đề tài, cách quay phim, sự nhiệt tình, say mê trong công việc. Chúng ta có rất nhiều nhà quay phim giỏi – tôi đánh giá là giỏi ở tầm quốc tế, thế nhưng chúng ta không có nhiều bộ phim quốc tế. Bởi lẽ, cách làm việc chuyên nghiệp ở trong từng bộ phận luôn là điều cần thiết và là điều quan trọng khiến cho bộ phim thành công.

Là một trong những đạo diễn có khá nhiều phim được chiếu và đoạt giải quốc tế, anh có nhận xét gì về vấn đề hợp tác làm phim quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay?

Khi đi ra quốc tế, tôi nhận thấy phim tài liệu của Việt Nam đang tự bó hẹp mình trong "ao làng". Trong khi đó, các bạn láng giềng như Cambodia, Thái Lan, Singapore và các bạn châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản đã "tung hoành" từ lâu lắm rồi. Nói thế này cho dễ hiểu. Phim tài liệu  và phim truyện của chúng ta giống như một cậu bé đang cô đơn giữa đám bạn bè mà ở đó, các bạn đã tụ tập thành nhóm đông và cùng nhau chơi những trò chơi tập thể rất vui vẻ. Cậu bé chúng ta vẫn đứng nhìn, không tham gia và khi buồn thì… tự chơi với bản thân mình. Ngôn ngữ và các tiêu chuẩn quốc tế chính là rào cản lớn nhất khiến cậu bé ấy khó có thể hoà nhập được với bạn bè.

Phim tài liệu Việt: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm mang tầm quốc tế? - Ảnh 4.

Ở phim tài liệu có thể có hoặc không có việc dàn dựng nhưng phải khiến khán giả tin vào câu chuyện

Vậy, theo anh, làm thế nào để giúp các nhà làm phim Việt vượt qua rào cản đó?

Để có thể bắt kịp với bạn bè quốc tế, tôi cho rằng ngoài việc kiên trì học hỏi và tăng cường kết nối, chúng ta cũng phải tranh thủ cơ hội  tham gia thảo luận, hội thảo, các liên hoan phim đặc biệt là liên hoan phim quốc tế - nơi có thể gặp gỡ với nhiều bạn bè đồng nghiệp. Đừng để những dự án khác làm ảnh hưởng đến những cơ hội này vì cơ hội tuy nhiều nhưng cũng không dễ nắm bắt. Phải loại bỏ hẳn tư tưởng mình hơn người khác để không cần tham gia hoặc lắng nghe. Những thứ tưởng chừng như nhỏ và sơ đẳng nhưng đôi khi cũng vô cùng quan trọng nên việc lắng nghe và học hỏi là vô cùng cần thiết.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

"Sau khi học báo chí và đạo diễn tại Việt Nam, đạo diễn Đào Thanh Hưng tiếp tục theo học điện ảnh tại Đại học USC – Bang Califorlia của Mỹ. Một số dự án phim tài liệu của anh thực hiện tại Châu Phi, Campuchia và Việt Nam đã được Viện phim tài liệu Châu Á đánh giá cao. Đặc biệt, phim tài liệu "Người mẹ trẻ trên đỉnh Vài Thai" của anh đã được Hãng NHK mua và trình chiếu trên kênh NHK toàn cầu. Mới đây, anh còn được BTC LHP Tài liệu quốc tế Goldentree 2018 mời làm giám khảo cho cuộc thi sẽ tổ chức vào tháng 9 tới ở Đức"

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước