Phục trang phim Việt: Cái khó bó cái khôn

NT, Ảnh: PV-Thứ hai, ngày 22/04/2013 16:53 GMT+7

 Một trong số những chi tiết quan trọng, quyết định sự thành bại của bộ phim chính là phục trang. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, vấn đề phục trang vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Là phim cổ trang, Trò đời bắt buộc phải đầu tư rất kỹ về phục trang. Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu bộ trang phục, mỗi bộ một vẻ nhưng đều phải dựng lại được bối cảnh của xã hội Việt Nam những năm 30 - 45 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, Trò đời cũng là một trong số ít phim Việt được đầu tư kỹ về trang phục. Còn phần lớn các phim khác như từ phim cổ trang, phim đời thường đến phim về các ngành, chuyện phục trang vẫn đang ở trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”.

Phục trang phim Việt: Có sao dùng nấy!

Cảnh quay đẹp, bối cảnh phong phú, dàn diễn viên tài năng, nội dung hấp dẫn, 36 tập phim Hai phía chân trời đã khép lại nhưng vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Với rất nhiều khán giả, hình ảnh những nhân vật chính do Kiều Thanh, Quỳnh Hoa, Vi Cầm thủ vai... với những trang phục bắt mắt và dường như không lặp lại là một chi tiết đáng chú ý.

‘ Hình ảnh từ bộ phim Hai phía chân trời

Thế nhưng, ít ai biết được rằng, phần lớn là do diễn viên tự chủ động trang phục của chính mình. “Gần như phim nào, chúng tôi cũng phải tự lo trang phục của mình, bởi các bạn vẫn biết là, phim Việt mình chưa có nhà thiết kế riêng như ở các nước khác, càng không có kinh phí để may riêng cho từng diễn viên, nếu có thì cũng chỉ là thuê hoặc đi mượn nhưng rất ít. May mắn lắm có phim nào đó có 1- 2 hãng đăng kí tài trợ trang phục bằng cách cho mượn đồ để quảng cáo cho họ thôi”- Diễn viên Kiều Thanh cho biết.

Việc tìm nhà tài trợ hoặc dùng chính phục trang cá nhân của diễn viên để dùng cho vai diễn cũng có thể coi là tình trạng phổ biến trong quá trình sản xuất phim Việt hiện nay. Mặc dù biết đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi trang phục có thể hợp hoặc không phù hợp lắm với yêu cầu nhưng với kinh phí còn hạn hẹp, các nhà làm phim Việt vẫn phải sử dụng phương án này.

“Vì công nghệ giải trí ở Việt Nam chưa làm tốt, các bộ phim chưa thật sự được đầu tư. Ở nước ngoài họ có nhà thiết kế riêng để xây dựng hình ảnh diễn viên qua những trang phục còn ở Việt Nam ta, có sao dùng nấy. Vì thế, phục trang của các diễn viên còn lôm côm, với những phim hiện đại, còn có thể tận dụng được trang phục của chính các diễn viên tham gia, còn với phim ngành cũng là một vấn đề nan giải”- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia phục trang, Giảng viên Khoa thiết kế mỹ thuật, Đại học Sân khấu Điện ảnh cho biết.

Dù là giải pháp tình thế, nhưng dùng phục trang cá nhân của diễn viên cũng có thể coi là giải pháp ổn thoả nhất, phù hợp nhất, đặc biệt là với các phim đời thường. Tuy nhiên, với những bộ phim mang tính chất đặc thù ngành như An ninh, quân đội, ngành Y, phục trang lại là một vấn đề khác.

Lúc này, phương án tối ưu cho các đạo diễn là nhờ kho phục trang dự phòng ở các đơn vị. Nhưng nếu chẳng may, số phục trang chưa đủ hoặc không phù hợp, các đạo diễn sẽ buộc phải đi thuê. Có gì dùng nấy, hoặc mượn, thuê hay tìm kiếm nhà tài trợ thì miễn sao cứ có để dùng là được bởi hiếm khi các nhà sản xuất phim Việt có được nguồn kinh phí dồi dào để thuê riêng các nhà thiết kế phục trang cho phim của mình. Đó cũng là lý do, đôi khi trong phim truyền hình Việt, khán giả vẫn còn thấy đôi chỗ có sạn về vấn đề trang phục.

Tín hiệu đáng mừng mở ra hướng đi mới

‘Phim Trò đời đầu tư kỳ công về phục trang

Trở lại với trường quay của bộ phim Trò đời, hơn 200 trang phục được may hoàn toàn mới theo thiết kế riêng. Những nhân vật chính như bà Phó Đoan, cô Tuyết, Xuân tóc đỏ, ông Tuýp PN… thậm chí còn có riêng 10 đến 15 bộ trang phục kèm đầy đủ phụ kiện. Có thể nói, phục trang của Trò đời đã được đầu tư khá mạnh tay và đặc biệt lưu ý từng tiểu tiết. Phong phú về chất liệu, màu sắc và kiểu dáng... các bộ trang phục trong phim Trò đời đã tạo nên một thể thống nhất cho phong cách nghệ thuật của phim, đồng thời cũng tạo ra điểm nhấn cho từng nhân vật.

“Nếu như một bộ phim nói về giai đoạn 30-45 mà phục trang không đảm bảo, bộ phim coi như hỏng. Có thể nói, phục trang trong phim này quan trọng nhất để lột tả được những thay đổi, chuyến biến của thời kì này”- Đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ.

Với những nỗ lực hiếm hoi rất đáng ghi nhận đã cho thấy các nhà sản xuất phim Việt đang ngày một chú trọng hơn tới vấn đề phục trang. Bởi hơn hết, các đạo diễn, các nhà làm phim đều hiểu, phục trang là thành phần quan trọng tạo nên sức ảnh hưởng của một bộ phim.

Quý vị có thể xem chi tiết hơn về phục trang của phim ở chương trình VTV kết nối tại đây.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước