PV Đức Hoàng và những câu chuyện 4 năm trên đất Mỹ

Hải Giang-Thứ sáu, ngày 08/02/2013 07:50 GMT+7

Nhóm PV của THVN tác nghiệp tại Hoa Kỳ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Gần 4 năm trên đất Mỹ với nhiều buồn vui, phóng viên Đức Hoàng, Trưởng đại diện của cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Mỹ đã có những câu chuyện đặc biệt về Tết âm lịch, tác nghiệp và kỷ niệm khi làm báo ở đây.

Năm 2012, khán giả trong nước thường xuyên được xem các phóng sự được thực hiện trên đất Mỹ, do các phóng viên thường trú của Đài Truyền hình thực hiện. PV của ban Thời sự có khá nhiều thuận lợi khi tác nghiệp trong nước vì VTV là Đài Truyền hình quốc gia nhưng khi tác nghiệp ở Mỹ, chắc chắn là có khác biệt?

Vấn đề mà bạn đặt ra là vấn đề mà chúng tôi đã lường trước. Bạn thử tưởng tượng ở nước Mỹ có tới hàng ngàn hãng thông tấn báo chí, Đài TH trong và ngoài nước Mỹ hoạt động. Những hãng thông tấn, Đài TH nào lớn nhất thế giới đều có đại diện tại Mỹ. Họ có một đội quân hùng hậu, kinh nghiệm, điều kiện làm việc lý tưởng. Nếu so với Đại diện Đài THVN tại Hoa Kỳ thì họ như Đài THVN tại VN còn chúng tôi chỉ như... những đài cấp huyện. Chúng tôi có 3 người gồm 2 biên tập và 1 quay phim, trong khi đó chỉ so sánh với Trung Quốc, nguyên Tân Hoa Xã của họ tại DC đã có tới hơn 100 người.

Về nguyên tắc, báo chí hoạt động bình đẳng. Mỗi phóng viên nước ngoài được cấp thẻ báo chí của Bộ ngoại giao Mỹ có quyền lợi ngang nhau nhưng vấn đề là có nhiều sự kiện chỉ giới hạn phóng viên bởi không thể đủ chỗ tác nghiệp cho hàng ngàn phóng viên. Với những sự kiện ấy, người tổ chức sẽ phải ưu tiên những hãng lớn vì họ biết những hãng này có ảnh hưởng sâu, rộng.

Thế nhưng nhu cầu thông tin thì vẫn cần và sự xuất hiện của chúng tôi trong mỗi sự kiện đó cũng cần không kém vì như vậy thì chúng tôi mới có mặt ở nước Mỹ này. Bằng nhiều cách, anh em đã tận dụng tối đa hình ảnh mua bản quyền và đã xuất hiện tại những nơi diễn ra sự kiện. Tuy không thực sự xuất hiện bên trong nhưng sự xuất hiện của phóng viên THVN tại mỗi địa điểm diễn ra sự kiện như vậy cũng đã tốt hơn nhiều chúng ta ngồi ở VN để nói về sự kiện đang diễn ra tận bên kia bán cầu.

Trong năm có hai sự kiện ở Mỹ được khán giả Việt Nam rất quan tâm là bão Sandy và bầu cử tổng thống. Anh có thể cho độc giả biết thêm về những câu chuyện tác nghiệp với hai sự kiện này?

Đây là 2 sự kiện để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng trong năm 2012 này. Một sự kiện đã được dự báo trước đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và một sự kiện không được dự báo trước đó là cơn bão Sandy. Cả 2 sự kiện này đều thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Mỹ mà còn của người dân trên toàn thế giới.

‘ PV Đức Hoàng tác nghiệp tại cơn bão Sandy (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Về bầu cử, chúng tôi có thể nói là đã chuẩn bị khá chu đáo cho việc đưa tin sự kiện này. Để có được những thông tin nhanh và sống động, chúng tôi đã lên kế hoạch từ đầu năm xem thời điểm nào là thời điểm quan trọng. Cần xuất hiện ở bang nào vào thời điểm đó. Ngày bầu cử, câu chuyện thú vị là chúng tôi chỉ có một quay phim, nghĩa là chỉ có thể đến được một nơi chờ kết quả. Mà Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa thì tổ chức theo dõi kết quả bầu cả ở 2 nơi khác nhau. Nếu đến chỗ Cộng hòa mà Dân chủ thắng thì làm sao ghi được hình ăn mừng và ngược lại. Cuối cùng chúng tôi quyết định đến địa điểm của Dân chủ vì cũng phán đóan Dân chủ sẽ thắng. Lúc đầu, ông Romnney dẫn trước, chúng tôi cũng hơi lo, nhưng sau rồi thì... mừng quá vì mình đã đóan đúng. Đó cũng là sự may mắn khi tác nghiệp và chúng tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác chứng kiến người Mỹ ăn mừng tổng thống mà họ ủng hộ.

Ngày 15.8.2009, sau nhiều chuẩn bị, Cơ quan thường trú Đài THVN tại Hoa Kỳ chính thức ra mắt với báo chí và chính quyền Mỹ. Cơ quan thường trú Đài THVN tại Hoa Kỳ có nhiệm vụ bao quát toàn bộ tin tức trên lãnh thổ Hoa Kỳ bao gồm cả những hoạt động đa phương tại các cơ quan, tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại Hoa Kỳ như Liên Hợp quốc, World Bank hay IMF, các tin tức về hoạt động song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, các tin tức nội bộ Mỹ thu hút sự quan tâm của tòan thế giới cũng như khán giả Việt Nam, những thông tin xã hội, văn hóa của người Mỹ...

Về bão Sandy thì thực ra ngày trong nước tôi đã tham gia đưa tin bão nhiều lần rồi và cũng có chút kinh nghiệm. Chỉ có điều nước Mỹ khác ở chỗ là thời điểm bão, cảnh sát luôn đi tuần và không cho người dân ra đường, kể cả phóng viên. Sau bão việc tác nghiệp lại cực kỳ khó vì những nơi thiệt hại nặng, cảnh sát cấm không cho ai vào. Tôi đã phải lái xe gần 500km lên New York (NY) nhưng đến 2/3 đường phải quay về vì được thông báo là không thể nào vào được thành phố NY. Đây cũng chính là cái mà tôi tiếc đến giờ là không có mặt tại NY để ghi lại được những hình ảnh về sự thiệt hại do cơn bão gây ra.

Thêm một khó khăn nữa là sự chênh lệch múi giờ. Nếu như ban ngày chúng tôi làm phóng sự thì sẽ gửi cho bản tin Chào buổi sáng của VTV vào lúc 6h sáng. Thế nhưng lại tiếp tục cập nhật cho bản tin 19h nghĩa là 7h sáng bên Mỹ. Như vậy chúng tôi lại phải làm việc cả đêm để quay và dựng hình gửi về trong nước. Vất vả nhưng anh em chúng tôi vui vì mình đã truyền tải được những thông tin cần thiết cho khán giả THVN.

Trong khoảng thời gian từ khi sang Mỹ, câu chuyện nào, nhân vật nào khiến anh nhớ và ấn tượng? Anh có kỷ niệm nào khi thực hiện phóng sự về câu chuyện hay nhân vật đó?

Có lẽ những nhân vật mà chúng tôi ấn tượng nhất khi phỏng vấn đó là những câu chuyện về các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và những nhân vật Việt kiều mà chúng tôi tiếp xúc. Các cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến nhiều người bị hội chứng chiến tranh, họ bị mặc cảm và họ đang dần xóa bỏ mặc cảm bằng nhưng việc làm nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh như một sự chuộc lỗi. Có nhân vật đã sống cô lập suốt 40 năm trên một đỉnh núi. Ông và vợ tự tay xẻ gỗ dựng nhà. Suốt nhiều năm qua họ không dùng điện của chính phủ, không internet, không điện thoại. Họ chỉ liên lạc với bên ngoài khi họ cần và lúc đó họ sẽ chạy máy phát điện bằng năng lượng mặt trời.

Sau 40 năm, nhân vật này trao trả cuốn nhật ký của một liệt sỹ Việt Nam mà ông nhặt được trong 1 trận đánh. Cuốn nhật ký đó đã được bộ trưởng quốc phòng Panneta trao lại cho Bộ trưởng quốc phòng nước ta Phùng Quang Thanh vào tháng 6/2012. Hiện nó đã được trao lại cho gia đình liệt sỹ đó. Sau khi cho người cựu chiến binh đó xem những hình ảnh cuốn nhật ký được về với gia đình, ông đã xúc động và khóc nhiều. Ông nói rằng giờ đây ông có thể ngủ ngon. Trước đây, trong giấc ngủ của ông, ông luôn mơ thấy ác mộng và chỉ có vợ ông biết điều này.

Nhiều nhân vật Việt kiều mà chúng tôi tiếp xúc cũng đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng mạnh. Họ cũng là những người trở thành niềm tự hào cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ như cô gái khiếm thị Christines Hà - người giành giải vua đầu bếp trên TH Mỹ. Chúng tôi gặp Hà tại nhà và khó tưởng tượng một cô gái người Việt nhỏ bé lại có thể chiến thắng trong một cuộc thi lớn như vậy. Hà đã mang tin thần và văn hóa Việt vào các món ăn của mình. Sự nỗ lực không mệt mỏi và sự tinh tế trong mỗi lời ăn tiếng nói, qua mỗi gia vị Hà chế biến món ăn đã thuyết phục được ban giám khảo vốn là những người rất khó tính.

‘ PV Đức Hoàng tác nghiệp tại Washington DC (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tết âm lịch đang tới và đây chắc chắn không phải là Tết đầu tiên của anh tại Mỹ. Cảm giác của anh và các đồng nghiệp ra sao? Anh và các đồng nghiệp có câu chuyện nào đặc biệt về những ngày Tết ở nước ngoài?

Đây đã là tết thứ 4 chúng tôi ăn tết tại Mỹ. Mà nói đúng hơn đối với tôi là Tết thứ 6 vì trước năm 2009, tôi đã có 2 lần sang Mỹ để làm những phóng sự về tết Việt kiều. Cả năm làm việc trôi đi nhanh lắm nhưng cũng như mọi người Việt Nam thôi, Tết chúng tôi cũng muốn đòan tụ với gia đình, bạn bè. Nhưng bên này mọi thứ diễn ra khá bình thường. Nếu Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì còn có thể nói là có không khí Tết vui vui, chứ vào ngày thường, mọi người vẫn đi làm, trẻ con vẫn đi học. Những lúc đó xem truyền hình Việt Nam thấy không khí Tết ở nhà thì mình nao lòng. Thời gian ấy trôi đi chậm lắm. Muốn làm một phóng sự thực sự không khí Tết cũng không dễ vì nó cũng chỉ diễn ra ở nơi đông người Việt sinh sống như ở California chẳng hạn. Chứ ở các vùng khác, không khí trầm lắng hơn nhiều.

Những lúc như thế chúng tôi cũng cùng vợ soạn bữa cơm tất niên. Đi mua gà cúng thì không có vì ở đây gà toàn bị... chặt đầu. Phải gửi mua ở xa lắm, tận New York hay Philadelphia cách hàng trăm cây số mới có một con gà để thắp hương. Các con còn nhỏ, chúng trả hiểu Tết là gì, chỉ thấy bố mẹ sửa soạn thì nghĩ hôm nay nhà có khách. Có lẽ chúng chỉ có khái niệm, à ngày này mình được lì xì vì chúng tôi vẫn lì xì cho các con theo phong tục Việt Nam chúng ta.

Nhân dịp năm mới, tôi cũng như anh em trong văn phòng cơ quan thường trú Đài THVN luôn cầu chúc cho tất cả mọi người được vui vẻ và gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trả lời các câu hỏi. Nhân dịp năm mới chúc anh và các đồng nghiệp hạnh phúc, nhiều niềm vui, công tác tốt.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước