PV Mạnh Cường: Tác nghiệp tại Hoàng Sa - Những ngày tháng thiêng liêng

Chu Anh, Ảnh: PV Ban Thời sự VTV-Thứ bảy, ngày 21/06/2014 11:53 GMT+7

Trở về từ vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ Quốc sau gần một tháng tác nghiệp, đối với phóng viên Mạnh Cường, có quá nhiều câu chuyện, kỷ niệm và cảm xúc mà anh muốn chia sẻ trong chuyến đi công tác đặc biệt này. Được ra Hoàng Sa – theo PV Mạnh Cường đó chính là một may mắn bởi anh và cùng các đồng nghiệp đã phần nào đóng góp sức mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi ngày mớibắt đầu với tiếng còi hú báo động

Trở về từ điểm nóng Hoàng Sa sau gần một tháng, anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về chuyến đi công tác đặc biệt này?

Chúng tôi là nhóm phóng viên thứ 2 được cử đi công tác tại vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ Quốc, nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

12 năm làm báo, nhưng có thể nói đây là chuyến công tác đặc biệt với tôi và các đồng nghiệp ở Ban Thời Sự. Rất nhiều anh chị em đồng nghiệp ở Ban Thời Sự xung phong ra Hoàng Sa nhưng nhóm chúng tôi đã may mắn được lãnh đạo Ban tin tưởng giao nhiệm vụ bởi với những phóng viên trẻ như chúng tôi, được ra Hoàng Sa tác nghiệp, nơi đã có xương máu của cha ông ta từ nhiều đời nay thì đó thực sự là một điều thiêng liêng và là vinh dự lớn lao.

Gần một tháng tác nghiệp ở khu vực này, chúng tôi đã được trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Những hình ảnh, những câu chuyện về sự kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ Cảnh sát biển và kiểm ngư viên cũng như các ngư dân Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi.

Có mặt tại thực địa trong khoảng thời gian lâu như vậy, chắc hẳn anh có nhiều câu chuyện muốn chia sẻ với khán giả?

Rất nhiều câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với khán giả khi đã được trực tiếp cảm nhận, chứng kiến những ngày mà lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam triển khai nhiệm vụ ở Hoàng Sa.

Một trong những câu chuyện tôi muốn được chia sẻ và còn nhớ rất rõ, đó chính là tình huống xảy ra vào chiều ngày 1/6 trên con tàu Cảnh sát Biển 2016. Vào lúc 16h30, chúng tôi đã gần như hoàn tất phóng sự để gửi về Ban Thời Sự nhưng sau khoảng 30 phút, chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ để gửi những hình ảnh và các diễn biến mới nhất về đất liền.

Tàu cảnh sát Biển 2016 với đa phần là các chiến sĩ chỉ ở lứa tuổi 8x và 9x, trong đó thuyền trưởng tàu 2016 chỉ mới sinh năm 1983. Chiều hôm đó, sau khi nhận lệnh cơ động để cùng các tàu kiểm ngư tiến gần về phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để thực thi pháp luật thì ở khoảng cách 10 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981, tàu 2016 đã bị 2 tàu của Trung Quốc liên tục vây ép, hú còi. Sau khi ép sát tàu 2016 thì bất ngờ tàu Trung Quốc bẻ lái đâm trực diện vào mạn phải khiến tàu Cảnh sát biển 2016 bị thủng 4 lỗ. Rất may là trước đó, thuyền trưởng Tàu 2016 đã kịp thời bẻ lái trái, nếu không, rất có thể, tàu 2016 sẽ bị hư hỏng nặng hơn. Và rất nhiều lần khác trên các tàu KN- 630, KN 628, chúng tôi chứng kiến tận mắt hình ảnh tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng và tấn công tàu của chúng ta khiến tàu hư hỏng nặng, các cán bộ kiểm ngư bị thương.

Vậy nhưng, trước sự khiêu khích và cố tình đâm va của các tàu Trung Quốc nhưng các chiến sĩ và cán bộ trẻ của chúng ta vẫn hết sức bình tĩnh, xử lý tình huống để đảm bảo an toàn và kiên trì thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bằng phương pháp tuyên truyền, kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Khó khăn, vất vả và nguy hiểm – đó là những điều mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt khi ra Hoàng Sa công tác, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Đối với anh và các đồng nghiệp, điều gì khó khăn và là trở ngại lớn nhất của nhóm tại khu vực tác nghiệp đặc biệt này?

Khó khăn và nguy hiểm? Có lẽ điều ấy không xuất hiện trong suy nghĩ của những anh em phóng viên tác nghiệp ở Hoàng Sa những ngày vừa qua. Tôi cũng muốn chia sẻ khi bước chân lên tàu từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, nhiều người trong chúng tôi cũng có những tâm trạng bâng khuâng vì ở đất liền còn có mẹ và những người thân yêu của mình.

Vậy nhưng, khi ra đến vùng biển Hoàng Sa của Tổ Quốc, mọi người trong đoàn đều duy nhất chỉ nghĩ đến hai tiếng gọi Tổ Quốc. Điều ấy sao thiêng liêng đến vậy! Và với trách nhiệm của những người phóng viên, chúng tôi quyết tâm phải phản ánh kịp thời những diễn biến mới nhất về đất liền .

Gần một tháng ở Hoàng Sa, chúng tôi càng cảm nhận được tình yêu đất nước, ý chí kiên cường của những người con đất Việt. Các phóng viên, các kiểm ngư viên, các chiến sĩ cảnh sát biển, mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều chung một chí hướng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Được biết, anh đã trải qua những lần chuyển tàu bí mật trong đêm và cả những lần bị tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng trực tiếp. Anh có thể kể lại những tình huống nguy hiểm đó diễn ra như thế nào?

Nhóm chúng tôi là nhóm di chuyển tàu nhiều nhất trong số các anh em phóng viên tác nghiệp ở Hoàng Sa những ngày vừa qua. Gần một tháng ở Hoàng Sa, chúng tôi đã di chuyển sang 9 tàu khác nhau. Đa phần các lần di chuyển tàu thì đều phải vào ban đêm. Với nhóm phóng viên VTV thì việc di chuyển khá phức tạp vì liên quan đến nhiều thiết bị vệ tinh và máy quay.

Dù đã đứng ngay sát tàu Trung Quốc, chứng kiến tàu Trung Quốc phun vòi rồng hay đâm va nhưng cuộc chuyển tàu tối 30/ 5 có lẽ là câu chuyện tôi không bao giờ quên. Vào 18h30, khi đó ở tàu Cảnh sát biển 4032, chúng tôi được lệnh chuyển sang tàu 2016 để tác nghiệp. 30 phút sau, việc chuyển tàu bắt đầu được thực hiện. Khi tôi và anh Vũ Hoàng (Trường phòng Công nghệ thông tin của Trung tâm tin học đo lường) đã xuống xuồng, anh Đăng Thụ vừa bước xuống thang dây 2 bậc thì Chỉ huy Tàu 4032 thông báo có tình huống nguy hiểm. Một ánh đèn pha từ chiếc tàu kéo của Trung Quốc quét qua đã phát hiện chúng tôi ở dưới xuồng cao su. Anh Đăng Thụ kịp quay lại trên tàu 4032. Còn chiếc xuống cao su buộc phải nổ máy và chạy ép bên mạn phải của tàu 4032 để tàu Trung Quốc không phát hiện. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã phát hiện chiếc xuồng của chúng tôi và rượt đuổi khoảng 15 phút.

Cảm giác khi ngồi ở chiếc xuồng nhỏ giữa biển khơi mênh mông, trong đêm tối mịt mù cũng khiến chúng tôi khá lo sợ. Rất may mắn là sau đó xuồng chở chúng tôi đã áp sát được mạn tàu 4032 để cẩu cả xuồng lên.

‘ Nhóm phóng viên VTV tại Hoàng Sa: Quay phim Đức Thắng, PV Mạnh Cường, anh Vũ Hoàng phụ trách công nghệ thông tin và kỹ thuật viên Đăng Thụ (từ trái qua).

Rất nhiều hình ảnh tại thực địa được anh và các đồng nghiệp gửi về và cập nhật hàng ngày trong các bản tin thời sự. Anh có thể giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình tác nghiệp của các phóng viên để có một phóng sự hoàn chỉnh phát sóng?

Rất may mắn với nhóm chúng tôi là khi chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ thì đã được lãnh đạo Đài trang bị cho thiết bị vệ tinh. Dù chi phí để gửi hình ảnh về đất liền rất đắt đỏ nhưng nhờ đó, chúng tôi mới có thể gửi những diễn biến mới nhất từ Hoàng Sa về đất liền.

Nói về câu chuyện tác nghiệp, nhân đây tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến các anh Đức Thắng, Đăng Thụ, Vũ Hoàng - những người đã cùng tôi ở thực địa, quên đi giờ giấc, khó khăn để cố gắng ghi được những hình ảnh sống động nhất ở Hoàng Sa.

Nhiều hôm cả nhóm đã cùng thức đến 3, 4h sáng để làm phóng sự để kịp cho bản tin Chào buổi sáng, rồi có những lúc vừa đặt lưng một chút nhưng tàu đã báo động có tình huống, vậy là anh em quay phim lại chủ động lao lên boong tàu để tác nghiệp. Mỗi ngày mới lại bắt đầu như vậy, đều liên tục diễn ra các tình huống mới. Ai cũng chủ động công việc và quên đi mệt mỏi để cố gắng gửi được những hình ảnh đắt giá nhất cho các bản tin Thời Sự.

Nhờ thiết bị vệ tinh, chúng tôi có thể nắm bắt được kịp thời những chỉ đạo của lãnh đạo Đài và Ban Thời Sự để có những sự điều chỉnh nhằm thể hiện phóng sự tốt hơn. Đặc biệt, sự động viên thường xuyên của lãnh đạo và các anh chị em đồng nghiệp phòng Văn Hóa - Thể Thao đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi quyết tâm thực hiện được những phóng sự sinh động và chân thật nhất ở Hoàng Sa .

Điều anh nghĩ mình được nhiều nhất trong chuyến đi vừa rồi?

Những ngày ở Hoàng Sa đối với tôi vô cùng thiêng liêng! Tôi cảm nhận được giá trị của tình yêu đất nước, cảm nhận được sự kiên cường nhưng mưu trí và khôn khéo của các anh em chiến sĩ trẻ. Dù khó khăn thế nào nhưng họ vẫn luôn lạc quan yêu đời. Và bây giờ, tôi có một món quà kỷ niệm đặc biệt ở Hoàng Sa. Đó là lá cờ có những chữ ký của các tàu mà tôi đã tác nghiệp. Lá cờ đó được các anh em chiến sĩ ghi tặng cậu con trai của tôi. Và khi cháu lớn lên, tôi sẽ kể cho cháu nghe về sự kiên cường, về tình yêu đất nước của các chiến sĩ Cảnh sát biển và kiểm ngư viên Việt Nam bởi tình yêu đất nước của người Việt Nam luôn được hun đúc và truyền từ đời này qua đời khác.

Được sống trong hởi thở nóng hổi của sự kiện là một hạnh phúc

Là phóng viên thường xuyên xuất hiện ở các điểm nóng, từ các vụ cháy rừng, sạt lở cho đến lũ lụt… và mới đây nhất là tại Hoàng Sa. Anh có nghĩ đây đây là cái “duyên”?

Tôi không nghĩ đó là cái duyên. Bản thân tôi chỉ nghĩ rằng, mình là một phóng viên trẻ, hãy xông pha và làm những gì mình đam mê. Sự đam mê ở đây là mình được tác nghiệp trong những thời điểm quan trọng của xã hội.

Dù khó khăn nhưng ở những nơi chúng tôi đã tác nghiệp, chúng tôi được sống trong hởi thở nóng hổi của sự kiện, được đóng góp một phần nhỏ bé trong công việc chung của cộng đồng. Được làm những điều đó đã là một niềm hạnh phúc. Đặc biệt, tôi đã may mắn khi được sống, được làm việc trong môi trường của Ban Thời Sự của VTV - nơi mà những đam mê của các phóng viên trẻ như tôi luôn được lãnh đạo Ban và các anh chị đồng nghiệp khích lệ, ủng hộ.

Sau nhiều điểm nóng anh từng có mặt, liệu Hoàng Sa có phải là điểm nóng đặc biệt nhất đối với anh từ trước đến giờ?

Tất nhiên rồi, những ngày tác nghiệp ở Hoàng Sa chắc chắc sẽ là một kỷ niệm đặc biệt đối với tôi. Bởi được ra Hoàng Sa, nơi mà chúng ta vốn chỉ được nghe thì nay tôi đã may mắn được tác nghiệp, được sống ở đó, được cùng các đồng nghiệp đóng góp một phần nhỏ bé trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Là một phóng viên đã có kinh nghiệm dẫn hiện trường ở nhiều điểm nóng, theo anh yếu tố nào cần thiết và quan trọng nhất đòi hỏi ở mỗi phóng viên khi tác nghiệp trong hoàn cảnh tiềm ẩn nhiều sự rủi ro như vậy?

Để nói về kinh nghiệm thì quả thật rất khó bởi mỗi hoàn cảnh tác nghiệp, mỗi sự kiện có tính chất khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi yếu tố quan trọng là sự phối hợp, lên kế hoạch chi tiết của cả nhóm để khi tác nghiệp trong bão lũ hoặc các điểm nóng như ở Hoàng Sa đều có thể hạn chế rủi ro. Các tình huống chúng tôi tác nghiệp đều diễn ra rất nhanh. Vì vậy, hàng ngày nhóm chúng tôi thường xuyên phải trao đổi với nhau để phân công trách nhiệm của từng người. Người dẫn , người quay và cả người quan sát các tình huống diễn ra xung quanh để đảm bảo an toàn.

Vậy có bao giờ áp lực công việc khiến anh cảm thấy mệt mỏi, chùn bước?

Nói không mệt mỏi thì có lẽ cũng không đúng lắm. Nhưng tôi nghĩ rằng với cá nhân tôi và nhiều anh em phóng viên trẻ khác ở Ban Thời sự, cái mệt đó chỉ là những cơn gió thoảng qua trong cuộc sống. Niềm đam mê với sự kiện, ao ước được phản ánh những thông tin nóng hổi của cuộc sống lại khiến nhiều phóng viên sẵn sàng lên đường tác nghiệp. Sự ghi nhận của khán giả và sự khích lệ của lãnh đạo Ban luôn tạo động lực cho chúng tôi cố gắng hoàn thiện bản thân, phấn đấu để có những phóng sự chính xác và nhanh nhất.

Nhân dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh có điều gì muốn chia sẻ trong ngày tôn vinh người làm báo cũng như lời chúc dành cho các đồng nghiệp – những PV, BTV của VTV?

Nhân dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin được gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các anh chị ở VTV. Chúc các bạn đồng nghiệp luôn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê và sáng tạo để chúng ta luôn tự hào và vinh dự khi được là một phần của VTV.

Xin cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước