TCKT Đặc biệt 2019

Tạp chí kinh tế đặc biệt 2019 với tên gọi “Cuộc chiến nền tảng” sẽ phản ánh cuộc cạnh tranh sống còn, mang tính hủy diệt giữa các doanh nghiệp nền tảng.

Chương trình thường niên của Trung tâm Tin tức VTV24 - Tạp chí kinh tế đặc biệt sẽ trở lại trong dịp Tết Canh Tý 2020. Trong 60 phút, Tạp chí kinh tế đặc biệt 2019 với tên gọi CUỘC CHIẾN NỀN TẢNG tập trung vào điều đang được cả thế giới sử dụng, theo dõi và đồng thời lo sợ. Đó là Công nghệ và Dữ liệu lớn, hay mô hình kinh doanh dựa vào công nghệ và dữ liệu lớn có tên gọi mô hình Nền tảng đang thay đổi cuộc sống của mọi người, mọi doanh nghiệp và cả nền kinh tế thế giới.

Được thể hiện dưới hình thức là một bộ phim tài liệu, chương trình theo chân Minh Long - một nhà báo kinh tế và Kim - trợ lý ảo của Minh Long. Long cũng chú ý đến một sự xuất hiện và xâm chiếm của các doanh nghiệp công nghệ hay còn gọi là doanh nghiệp nền tảng từ nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam. Long phát hiện ra đằng sau sự bành trướng của các nền tảng là các cuộc cạnh tranh sống còn, nơi nền tảng sinh sau đẻ muộn trở thành đế chế độc quyền triệt tiêu các doanh nghiệp truyền thống trước đó. Ở đó cũng có các cuộc đua đốt tiền giữa các nền tảng để trở thành kẻ sống sót cuối cùng và thống lĩnh thị trường.

Điều Long trăn trở là trong cuộc chiến nền tảng đó, các doanh nghiệp Việt ở đâu? Với sự hậu thuẫn của công nghệ, các doanh nghiệp Việt có cơ vươn lên tận dụng thị trường nội địa và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam hay không? Xuyên suốt chương trình là hành trình của Long đi tìm câu trả lời.

Với cách kể chuyện sinh động, kịch tính, lôi cuốn, các câu chuyện kinh tế trong chương trình được tái hiện dễ hiểu, gần gũi với phần đông khán giả. Dưới góc nhìn của các nhà báo, kinh tế không phải các khái niệm phức tạp, mà nó là cách mỗi người cảm nhận về các thay đổi xung quanh và chủ động đưa ra các quyết định cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Kết hợp các cảnh quay chân thực để kể các câu chuyện thật thú vị là trường quay 3D sử dụng hiệu ứng đồ hoạ và LED để giải thích dễ hiểu nhất sự vận động của thế giới công nghệ và dữ liệu - Thế giới Đám mây.

Trong suốt 2 tháng qua, đội ngũ sản xuất của Trung tâm Tin tức VTV24 đang tất bật hoàn thiện sản phẩm tâm huyết của mình để có thể gửi đến khán giả truyền hình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Dù đang trong guồng quay công việc, nhà báo Vũ Minh Hường – Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 cùng ê-kíp sản xuất chương trình cũng đã dành cho phóng viên VTV News chút thời gian để có thể “bật mí” tới khán giả những điều thú vị trong Tạp chí kinh tế đặc biệt 2019:

BỨC TRANH ĐỂ CHO CÁC DOANH NGHIỆP TÌM THẤY MÌNH

Năm nay, Tạp chí kinh tế đặc biệt 2019 có tên là Cuộc chiến nền tảng. Cái tên này có ý nghĩa như thế nào?

Nhà báo Vũ Minh Hường – Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24: Nghe từ nền tảng có vẻ hơi chuyên môn nhưng thực ra nó chính là Facebook, Google, Alibaba, Amazon, Netflix... Mọi người cũng đang dần quen với những nền tảng ngoại mà đã thâm nhập vào cuộc sống của mỗi người và nền kinh tế của mình một cách rất tự nhiên trong một vài năm vừa rồi. Gần đây thì cũng xuất hiện các nền tảng nội, ví dụ như là dịch vụ gọi xe Be hay FPT Play, VTV Go cũng là một nền tảng.

Nền tảng là một mô hình kinh doanh theo hướng là mạng lưới kết nối giữa một bên là người bán và một bên là người mua. Nhưng nếu hồi xưa chỉ có một chiều người bán đến người mua thôi thì bây giờ các mối quan hệ đan xen đan xen với nhau thành một mạng lưới. Khi có một mạng lưới người dùng như vậy, họ sẽ lấy được một lượng data rất lớn từ việc có data và có AI (trí tuệ nhân tạo). Nền tảng đấy sẽ rất thấu hiểu người dùng và nó có thể có một lượng người dùng rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Đó là lý do tại sao các nền tảng có thể tăng trưởng rất nhanh. Ví dụ như Uber không cần sở hữu một chiếc xe nào nhưng vẫn được gọi là công ty taxi lớn nhất thế giới.

Nền tảng cũng là một dạng khác của kinh tế chia sẻ. Nó huy động được các tài nguyên, các nguồn lực bên ngoài để đưa ra một mô hình mạng, tạo cơ hội kinh doanh cho rất nhiều người, đồng thời cũng tạo cơ hội hưởng thụ các tiện ích rất nhanh. Ví dụ như thay vì mình phải lấy điện thoại và gọi đến tổng đài thì bây giờ mình có thể chỉ cần vài cú bấm thôi là có taxi chạy đến với mình và có thể biết được tất cả lịch trình đi lại vì nó có một hệ thống mạng lưới tương đối thông minh.

Tại sao gọi là cuộc chiến giữa các nền tảng? Các công ty nền tảng này có mô hình rất lớn. Khi xuất hiện hiện, nó xảy ra cạnh tranh rất mạnh với các công ty truyền thống mà có thể gọi là sáng tạo hủy diệt. Tức là khi cái mới tạo ra cách làm thông minh mới, cách làm cũ không còn hiệu quả nữa. Người chơi mới, doanh nghiệp mới trên thị trường cung cấp một dịch vụ tiện lợi hơn với giá rẻ hơn, khuyến mại nhiều hơn thì tất nhiên người dùng sẽ về phía bên nền tảng đấy. Cho nên đây thực sự là cuộc chiến mà người ra sau sẽ nuốt chửng người ở phía trước nếu như người đi trước không thay đổi.

Bản thân những nền tảng này cũng chiến đấu với nhau. Ví dụ bây giờ trong thương mại tử, Tiki, Lazada, Sendo và Shopee cạnh tranh miếng một miếng hai với nhau. Chúng tôi muốn vẽ một bức tranh về sự cạnh tranh rất khắc nghiệt trên thị trường các công ty nền tảng. Công nghệ đã mang lại lợi thế gần như tương đối là tuyệt đối cho những công ty sở hữu trong tay công nghệ so với những công ty truyền thống mà không kịp chuyển đổi số, không có công nghệ trong tay. Đây là cuộc chiến sống còn và có thể mang tính hủy diệt.

KHÁC BIỆT GÌ SO VỚI MỌI NĂM?

  • Chương trình năm nay là tập tiếp theo của hai tập trước. Hai tập trước cũng nói về nền kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số khi công nghệ thâm nhập ngày càng mạnh và nền kinh tế. Hai năm trước, câu chuyện "Chuyển động 4.0" cũng khắc họa bức tranh về kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực gọi xe công nghệ lúc còn rất sơ khai. Đến năm ngoái, tập "Tôi là không 0100?" nói khía cạnh rất sâu về việc một con người có thể chịu ảnh hưởng bởi thế giới công nghệ này như thế nào.

    Nhà báo Vũ Minh Hường , Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24

Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình là đối tượng của tập tiếp theo này chính là doanh nghiệp. Trong một thế giới mà chuyển đổi số rất mạnh thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? Chúng ta chuyển đổi số như thế đã kịp chưa? Chúng tôi muốn vẽ một bức tranh để cho các doanh nghiệp có thể nhìn ra tổng thể và họ sẽ quyết định bước đi cho mình. Một là họ vẫn trung thành với cách làm cũ thì bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị hủy diệt bởi một mô hình kinh doanh mới và có rất nhiều ưu điểm nhờ lợi thế công nghệ mang lại. Nhưng nếu họ cũng theo nhịp chuyển đổi số thì họ mới có cơ hội để tồn tại và thậm chí là có thể phát triển lên để cạnh tranh với những mô hình kinh doanh kiểu mới. Đây cũng là cơ hội cho những công ty non trẻ. Hồi xưa, để trở thành một công ty lớn nhất thị trường thì mất 100 năm nhưng bây giờ một công ty có thể chỉ mất 10 năm để vươn lên vị trí số 1 nếu nắm được công nghệ tiên tiến nhất, cập nhật nhất.

Những người dân bình thường cũng hoàn toàn có thể thấy mình ở trong đó. Họ có thể là một chị giúp việc lên mạng để kiếm được công việc tốt hơn, có thể là một freelancer tìm kiếm công việc làm với mức lương cao hay một anh chạy xe công nghệ, một người bán hàng... Tất cả những con người mà đang được tạo cơ hội kinh doanh trong nền tảng thì đều lấp ló đâu đó trong các câu chuyện của chương trình. Mọi người sẽ thấy có một lớp người mới kiểu self employed. Họ làm chủ về thời gian, về thu nhập, làm chủ với tất cả các cơ hội của họ. Họ không phải kiểu làm công ăn lương nữa. Công nghệ đã cho họ cơ hội đấy. Dù là doanh nghiệp hay người dân bình thường cũng có thể sẽ tìm thấy những câu chuyện thú vị trong chương trình.

  • Năm nay có điểm rất khác là chúng tôi chọn những bạn rất trẻ, lần đầu tiên tham gia sản xuất Tạp chí kinh tế đặc biệt. Hàng năm, chất liệu được giao cho các phóng viên cứng thì chỉ cần giao đề tài và định hướng ngay từ đầu là các bạn đã làm được rồi. Nhưng năm nay, các bạn trẻ lần đầu tiên được tham gia nên cũng còn khá bỡ ngỡ nhưng tất cả đều rất say mê.

    Nhà báo Trần Hà , Đài Truyền hình Việt Nam

Những năm trước, là một tổ chức sản xuất, tôi có thể tự tin là mình nhàn một chút nhưng năm nay vất vả hơn. Có những chất liệu dù chỉ 1 phút thôi mà thậm chí tôi nhớ phải sửa mất khoảng 10 lần, sửa từng frame hình. Tôi cũng khá ấn tượng với các chất liệu từ Trung Quốc. Dù câu chuyện không quá mới về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc nhưng phóng viên đã khai thác những hình ảnh rất tốt như những cây ATM trống không, bóng của các ngân hàng trên mặt nước, người nông dân bán hàng chân chất nhưng biết cách sử dụng các nền tảng thương mại điện tử…

Với vai trò là tổ chức sản xuất, tôi rất mừng khi nhìn thấy sự trưởng thành của lớp phóng viên trẻ. Đây là cơ hội rất tốt cho những bạn trẻ được tham gia chương trình có tầm quan trọng gần như là bậc nhất của Trung tâm tin tức VTV24.

NỀN TẢNG ĐANG BAO QUANH CUỘC SỐNG, CHI PHỐI CON NGƯỜI

    Minh Long là nhân vật chính của chương trình năm nay với vai là một nhà báo kinh tế. Vậy nhân vật này có gì giống và khác so với phong viên Minh Long ngoài đời?

  • Gọi Long là nhân vật chính cũng đúng nhưng Long chính xác hơn phải là một nhân vật xuyên suốt, kết nối và đưa ra một góc nhìn của một phóng viên nhưng đại diện cho rất nhiều tầng lớp. Qua góc nhìn của mình, Long cung cấp cho khán giả cũng như các nhân vật xuyên suốt của hành trình những thông tin về cuộc sống, về nền kinh tế số, các mô hình nền tảng đang tác động trực tiếp đến bản thân Long và những mô hình kinh doanh truyền thống.

    Phóng viên Minh Long, Đài Truyền hình Việt Nam

Nhân vật này cũng có sự tương đồng rất lớn với một phóng viên bình thường. Chúng ta phải có suy nghĩ sâu sắc hơn một chút về những thay đổi vận động trong cuộc sống. Ở đây, chúng tôi đi sâu vào câu chuyện của các nền tảng. Nền tảng đang bao quanh cuộc sống, chi phối và khiến con người cảm thấy phụ thuộc. Vậy nên, tôi nhận thấy rằng, tại sao các nền tảng lại chi phối tôi như vậy và nhìn ra các doanh nghiệp truyền thống bị các doanh nghiệp nền tảng bành trướng, chiếm ưu thế rất mạnh.

Nói tóm lại, nhân vật trong chương trình giống Long tới 90% còn 10% còn lại là những chi tiết nhỏ và sự kết hợp với các phóng viên khác để tạo nên một chút thú vị, hấp dẫn hơn trong chương trình.

Xuyên suốt chương trình, tôi không chỉ thấy được sự trưởng thành của nhân vật mà bản thân mình là một phóng viên cũng cảm nhận được sự trưởng thành về tư duy. Chương trình không còn phân tách giữa nhân vật và phóng viên Minh Long thực tế. Minh Long vừa làm chương trình, vừa tác nghiệp và thay đổi tư duy về một mô hình kinh doanh mới và sức mạnh của nó như thế nào, tác động ra sao và mỗi doanh nghiệp, quốc gia cần có thái độ ứng xử như thế nào?

Cuối cùng, qua những gì được nghe, được trải nghiệm, tôi nhận thấy “điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi”. Mỗi doanh nghiệp, mỗi con người và mỗi quốc gia cần phải có vận động riêng của mình để thích ứng với cả những cái mới, đặc biệt về công nghệ.

    Nhận vật Kim đóng vai trò là một trợ lý ảo của Long. Vậy nhân vật này đại diện cho điều gì trong câu chuyện?

  • Kim là trợ lý ảo của Long như Siri của Apple hay Alexa của Amazon. Kim luôn hỗ trợ, theo dõi Long và gợi ý cho Long dựa trên những thông tin mà Long cung cấp và tương tác qua các ứng dụng. Kể cả Long không gọi Kim thì Kim vẫn thu thập thông tin qua giọng nói.

    Phóng viên Kim Huệ, Đài Truyền hình Việt Nam

Kim đại diện cho một thế giới song song, một thế giới đang vận hành mà chúng ta không nhìn thấy. Giống như một đám mây đang đi theo bạn vậy, bạn có thể không nhìn thấy nhưng chắc chắn nhưng ai làm mảng công nghệ sẽ biết được chân dung số của bạn như thế nào, tính cách như thế nào?

Kim cũng là một dạng nền tảng, thu thập thông tin của mỗi người dùng và sau đó công nghệ Deep Learning sẽ xử lý với độ dày về dữ liệu. Công nghệ giờ có thể hiểu bạn hơn cả bố mẹ bạn hay người yêu bạn.

"VẮT ÓC" GAME HOÁ TỪ NHỮNG DỮ LIỆU THÔ, KHÔ KHAN

    Một trong những phần đặc biệt nhất của chương trình năm nay là gameshow Đại chiến đốt tiền - The Burn 2020. Ê-kíp sản xuất đã lên ý tưởng về gameshow này từ đâu?

  • Ý tưởng thực hiện chương trình là BTV Trường Chinh - tổ chức sản xuất của phần này – xuất phát từ chương trình The Voice. Logo của The Voice là cánh tay cầm micro thì ở đây là cánh tay cầm một nắm tiền đang bốc cháy. Đối với các startup, thuật ngữ “đốt tiền” giống như keyword của năm. Nếu muốn tăng trưởng trong một thời gian ngắn thì họ chỉ có thể “mua” người dùng. Luật chơi của nền tảng là nếu muốn tham gia thì phải có nhiều tiền. The Burn chính là cuộc chiến ai kêu gọi được tiền nhiều hơn và ai đốt được tiền một cách khôn ngoan hơn để đổi lấy tăng trưởng trong một thời gian ngắn nhất.

    Nhà báo Vũ Minh Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24

Đây phải gọi là đại chiến bởi vì đối tượng tham gia rất đa dạng với 4 doanh nghiệp thương mại trực tuyến và có một liên minh các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống. 5 đối tượng này sẽ thi với nhau với nhiều vòng thi. Vòng thi đầu tiên là giới thiệu xem ai đốt tiền nhiều hơn, được thể hiện bằng một bài hát vui nhộn. Vòng thi thứ hai là thi xem các nhà bán nào khéo léo hơn. Mỗi nhà bán đều trang bị các kỹ năng riêng một người bình thường. Đây là một câu chuyện rất thật nhưng mà cũng rất thú vị khi mà người xem sẽ thấy sự năng động, sự thông minh của những nhà bán đó. Vòng thi thứ 3 là cuộc đua thời gian: Ai giao hàng nhanh hơn thì người đấy sẽ chiến thắng.

Đại chiến này rất lạ nhưng lại là đời thực. Vì đây là chương trình Tết nên cũng đội ngũ sản xuất đã lựa chọn cách thực hiện cũng phải vui vẻ.

    Các vấn đề về kinh tế luôn tạo cảm giác “khô cứng” cho khán giả truyền hình. Bên cạnh The Burn, Ê-kíp đã sáng tạo thêm những chi tiết thú vị nào cho chương trình?

  • Chương trình 2 phần gamification (game hóa) được thiết kế ở đầu và cuối chương trình. Mỗi khi người xem cảm thấy căng thẳng thì họ sẽ được thư giãn một chút. Bên cạnh The Burn, chúng tôi có thêm phần mê cung do BTV Kim Huệ làm đạo diễn.

    Nhà báo Vũ Minh Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24
  • Mê cung đại diện cho cuộc chiến giữa nền tảng và các Chính phủ. Các nền tảng hiện có sức mạnh và không được Chính phủ kiểm soát như thế nào? Các Chính phủ đang gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát như thế nào?

    Phóng viên Kim Huệ, Đài Truyền hình Việt Nam
  • Ở phần mê cung, chúng tôi đã sử dụng tất cả đạo cụ để tạo hình Pacman dựa trên nền tảng của các công ty công nghệ lớn. Con Pacman này cũng đi ăn giống như trong trò chơi nổi tiếng nhưng là ăn các nền tảng nhỏ hơn để phát triển, chiếm lĩnh thị phần người tiêu dùng. Chương trình đã chuyển hóa trò chơi này thành người thật, việc thật theo phong cách vui vẻ.

    Có thể thấy rằng, Tạp chí Kinh tế Đặc biệt 2019 là một chương trình quy mô và tiêu tốn rất thời gian, công sức và tâm huyết đội ngũ sản xuất. Trong quá trình thực hiện chương trình, ê-kíp đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

  • Trong quá trình thực hiện chương trình luôn nảy sinh nhiều khó khăn khác nhau. Nhưng khó khăn xuyên suốt là làm thế nào để một vấn đề rất kỹ thuật trở nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận, nhất là về chương trình Tết chứ không phải là một chương trình khoa giáo hay bản tin tài chính kinh doanh.

    Nhà báo Vũ Minh Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24
  • Chúng tôi phải đảm bảo kể câu chuyện về sự phát triển, vận động nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới trong năm qua gói gọn trong một chương trình phát sóng vào dịp Tết. Chúng tôi muốn người xem cảm thấy sự khốc liệt cuộc cạnh tranh nhưng vẫn mang âm hưởng tích cực để bắt đầu một năm mới.

    Tôi muốn người xem có khí thế khi xem chương trình. Người ta có thể tận dụng nền tảng để tận hưởng cuộc sống như thế nào? Doanh nghiệp sẽ tham gia nền kinh tế công nghệ ở khía cạnh nào? Người xem cần hiểu điều đó để bắt đầu một năm mới cho mình. Đây cũng là thông điệp cho doanh nghiệp trong năm 2020 – năm chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu một năm mới với tâm thế sẵn sàng, muốn làm và tin là mình sẽ làm được nếu như mở rộng tầm nhìn ra.

    Một khó khăn nữa là việc làm thế nào để khắc họa ra 2 thế giới: Thế giới thực và thế giới ảo? Nhân vật Kim không thể ngồi bên cạnh Long mà phải ở một cái gương cạnh Long hay thậm chí xuất hiện trên một tòa nhà. Phần đồ họa rất quan trọng, phải có một chút ma mị, một chút ảo để người xem cảm nhận có một thế giới khác. Đồ họa vẫn luôn là thế mạnh của VTV24 từ trước đến nay, đặc biệt là các chương trình số.

Anh/chị có muốn nhắn gửi điều gì tới khán giả?

  • Hãy xem chương trình và bạn sẽ có suy nghĩ mới và hành động mới trong năm mới. Bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời đại công nghệ hãy có tâm thế dấn thân, dám đương đầu.

    Nhà báo Vũ Minh Hường , Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24
  • Chương trình năm nay có thể nói là tổng hợp của 3 năm vừa qua và sẽ cho người xem những kiến thức sâu hơn, đậm chất kinh tế hơn. Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ thấy được công nghệ đã đi vào từng doanh nghiệp như nào cũng như bức tranh kinh tế số trong những năm qua.

    Nhà báo Trần Hà , Đài Truyền hình Việt Nam
  • Tôi mong muốn người xem chương trình có một nốt lặng để nhìn lại bản thân và tiến lên phía trước.

    Phóng viên Minh Long, Đài Truyền hình Việt Nam
  • Đây là tập thứ 3 trong series của Tạp chí kinh tế đặc biệt. Mỗi tập chúng tôi đều mong muốn có một góc nhìn khác mới mẻ hơn. Mọi người đừng nghĩ phần 3 không có gì để xem đâu. Phần 3 vẫn có nhiều điều mới lạ và là tâm huyết của cả team. Hy vọng mọi người sẽ cảm thấy thích thú và enjoy!

    Phóng viên Kim Huệ , Đài Truyền hình Việt Nam

Cảm ơn ê-kíp sản xuất về cuộc trao đổi này!

Rou Hun Fan is an independent author

Hy vọng chương trình Tạp chí kinh tế đặc biệt 2019 sẽ được khán giả nồng nhiệt đón nhận!

Chương trình Tạp chí kinh tế đặc biệt: Cuộc chiến nền tảng sẽ được phát sóng vào 20h05 ngày 26/1 (mùng 2 Tết) trên kênh VTV1. Mời quý khán giả chú ý đón xem!.