VTV Đặc biệt: Những đứa con của cuộc chiến - Lột tả nỗi đau, mang đến hy vọng

ĐLNA-Thứ ba, ngày 23/06/2015 06:00 GMT+7

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (thứ 2, từ phải sang) và ê-kíp phim Những đứa con của cuộc chiến. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nói về "Những đứa con của cuộc chiến", ĐD Tạ Quỳnh Tư cho biết bộ phim sẽ cho người xem được thấy một phần của quá khứ, của lịch sử thông qua số phận của những người con lai.

Những đứa con của cuộc chiến nằm trong chương trình VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam, được thực hiện bởi ê-kíp phim của Ban Truyền hình đối ngoại: đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, quay phim Quang Toàn và 2 biên tập viên Ngọc Bích, Thu Hà.

Với nội dung xoay quanh câu chuyện, số phận của những người con lai mang hai dòng máu Việt – Mỹ sau 40 năm cuộc chiến đã đi qua và những thông tin có thể lần đầu được hé lộ, bộ phim hứa hẹn – với thời lượng 50 phút – sẽ mang đến cho khán giả xem truyền hình rất nhiều xúc cảm.

Trong cuộc trò chuyện với VTV News trước thời điểm bộ phim được phát sóng, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – 1 trong 4 thành viên của ê-kíp Những đứa con của cuộc chiến – nói đây là bộ phim để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm, suy nghĩ và cũng là một bộ phim đầy áp lực khi thực hiện.

Cái áp lực mà anh nói tới ở đây cụ thể là gì?

- Áp lực đầu tiên là, đây là một đề tài lớn, không những lớn mà còn rất nhạy cảm. Và chỉ với thời lượng 50 phút phim chúng tôi phải làm thế nào cho người xem thấy được một phần của quá khứ, của lịch sử, của nỗi đau từ cuộc chiến 40 năm trước mà người chịu hậu quả bây giờ chính là những người con lai – những người hiện tại đang sống tại Việt Nam và Mỹ.

Áp lực thứ hai là đây không phải một đề tài mới nữa và cuối cùng, thứ 3, đó là áp lực khi bộ phim nằm trong mũ chương trình VTV Đặc biệt.

Không phải một đề tài mới, vậy sự khác biệt của Những đứa con của cuộc chiến với những phim cùng đề tài trước đó là gì?

- Đây là đề tài mà ngay từ đầu chúng tôi đã xác định nó là một đề tài cũ, vì vậy, công việc của chúng tôi là cố gắng làm sao để biến cái cũ thành cái mới và có cái gì mới trong cái cũ ấy. Với suy nghĩ ấy, chúng tôi đã xây dựng một bộ phim mang tính đa diện và một cái nhìn rộng hơn về những người con lai.

Khi bạn xem phim bạn sẽ thấy chúng tôi chia làm hai tuyến nhân vật rất rõ ràng - những người con lai ở Việt Nam và những người con lai đã sang Mỹ. Những người ở Việt Nam họ có suy nghĩ gì, mong muốn gì, cuộc sống của họ ra sao và những người con lai đã sang Mỹ thì cuộc sống của họ có trở ngại gì, khó khăn gì?

Trong quá trình làm phim chúng tôi phát hiện ra rằng dù những người con lai ở Việt Nam hay ở Mỹ thì họ đều có một điểm chung là nỗi khổ, nỗi đau, là sự thèm khát có một gia đình hạnh phúc, được gặp bố, gặp mẹ… Nhưng trong quá trình tìm kiếm bố mẹ ấy thì lại có những bi kịch xảy ra, đẩy nỗi đau của họ lên cao hơn. Có những người con lai sang được quê cha, tìm được cha nhưng người cha lại không muốn nhận con, bởi họ không muốn cuộc sống hiện tại bị xáo trộn. Có những người may mắn hơn, được cha nhận thì thời gian dành cho họ lại quá ngắn ngủi, vì tuổi của người cha đã cao và họ lại chia tay nhau…

Có câu chuyện nào thật sự khiến anh ấn tượng?

- Tôi ấn tượng về câu chuyện một chị con lai. Chị được sang Mỹ cũng khá lâu rồi nhưng không tìm thấy bố mẹ. Sau đó, chị lập gia đình với một anh cũng là con lai giống chị. Họ sinh được 3 người con nhưng vì không hiểu biết về pháp luật, không biết tiếng bản địa nên đã dẫn tới những bi kịch trong cuộc đời chị. Vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng chị phải đi làm và để 3 người con ở nhà. Tuy nhiên, việc bỏ 3 người con ở nhà đã bị chính quyền nghĩ là bọn trẻ bị bỏ mặc, không có người chăm sóc. Vì thế, 3 người con này đã bị chính phủ bắt đi. Đơn giản là luật ở Mỹ họ rất tôn trọng trẻ em.

Chúng tôi đã kết lại một câu rằng cuộc đời chị đi làm con cũng không được vì không tìm thấy mẹ và bố và khi được làm mẹ thì cũng không xong vì đã mất luôn cả những người con của mình. Tôi thấy đấy là một nỗi đau khủng khiếp.

Nói một chút về quá trình làm phim, bộ phim Những đứa con của cuộc chiến được quay tại Việt Nam và Mỹ, vậy ê-kíp có gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện?

- Khi tác nghiệp ở Việt Nam chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn. Hầu hết cuộc sống của những người con lai đều được chúng tôi ghi lại một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, khi sang Mỹ, việc này lại rất khó khăn. Chúng tôi hầu như không ghi hình được hình ảnh sinh hoạt thật của nhân vật. Lý do? Vì với những nhân vật thành đạt, chỗ anh ta làm rất khó khăn trong việc liên hệ ghi hình. Họ đưa ra rất nhiều lý do để từ chối mình như vấn đề liên quan đến bản quyền, thương hiệu, bảo mật…

Còn với những nhân vật sống dưới đáy của xã hội Mỹ thì cuộc sống thực của họ cũng không ghi lại được nhiều. Những việc như ăn ở của họ mình hầu như không quay được vì người ta cũng cấm không cho quay. Vì thế, những gì chúng tôi ghi nhận được phần lớn là những cảm xúc, tâm tư, tình cảm của nhân vật.

Sự hạn chế này có ảnh hưởng gì đến bộ phim cũng như những ý tưởng mình đưa ra trước đó không?

- Nó ảnh hưởng tương đối đến quá trình phát triển kịch bản mà chúng tôi đã bàn và lên ý tưởng lúc ở Việt Nam. Những trở ngại này khiến chúng tôi phải xoay lại kịch bản theo những góc độ khác. Chúng tôi đi vào chiều sâu cảm xúc của nhân vật hơn – về những câu chuyện mà bấy lâu họ giữ kín, không có cơ hội được giãi bày. Khi gặp chúng tôi họ như có cơ hội để bày tỏ những điều đó. Họ đã coi chúng tôi giống như những người bạn và sau khi được chia sẻ, những nỗi đau, những uẩn ức trong lòng họ cũng được vơi đi phần nào.

Các anh chị đã mất bao nhiêu thời gian cho những cảnh quay tại Mỹ?

- Chúng tôi đã có hơn 1 tháng làm việc tại Mỹ và đó thật sự là một khoảng thời gian, một chuyến đi nhiều kỷ niệm với tất cả mọi người trong đoàn. Lần đầu tiên chúng tôi phải chịu cái rét mùa đông với mức nhiệt -22 độ C. Tuy nhiên, điều đáng nhớ nhất là việc di chuyển. Thời gian chúng tôi ghi hình không nhiều bằng thời gian dành cho việc di chuyển. Nó gấp rất rất nhiều lần.

Tôi đã được xem qua kịch bản phim và thấy các nhân vật rất đa dạng, vậy quá trình liên hệ với các nhân vật có khó khăn với ê-kíp của anh không?

- Lợi thế của chúng tôi khi làm phim trong mũ chương trình VTV Đặc biệt này là làm việc nhóm. Chúng tôi đã huy động sức mạnh tập thể và tất cả các nhóm thực hiện cũng như các cuộc tranh luận đều hướng đến một cái chung nhất là bộ phim, là một kịch bản thống nhất.

Một thuận lợi nữa là chúng tôi có lợi thế là chị Ngọc Bích và chị Thu Hà đều thông thạo ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp nên không gặp trở ngại trong quá trình liên hệ làm phim ở các nơi.

Chúng tôi cũng có may mắn là trong quá trình tác nghiệp tại Mỹ đã gặp được nhiều nhân vật – những người trước đây đã từng trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển đạo luật con lai, đưa con lai từ Việt Nam về Mỹ. Họ rất nhiệt tình và thậm chí còn cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý rất ít người biết, trong đó có cả những tư liệu chưa từng được công bố lần nào.

Những câu chuyện về chiến tranh luôn luôn buồn và mang đến cảm giác trĩu nặng cho người xem, vậy Những đứa con của cuộc chiến có mang đến một điểm sáng nào đó trong câu chuyện của mình?

- Đúng như bạn nói, những câu chuyện về chiến tranh nói chung và về cuộc sống của những người con lai mang hai dòng máu của một cuộc chiến thì không thể là những câu chuyện vui. Khi xem bộ phim này bạn cũng sẽ thấy điều đó – những câu chuyện buồn của những người con lai, họ đã và đang phải gánh chịu những đau đớn và bất hạnh của cuộc đời. Mà cái đau đớn lớn nhất là họ mất cha, mất mẹ và tuổi thơ gắn với những ám ảnh khủng khiếp – bị đánh đập, bị trêu chọc, sống lang thang, bụi đời, không được đi học, không nơi nương tựa… Ngay cả với những người đã rời khỏi Việt Nam – những người được cho là đã rời khỏi nỗi đau tuổi thơ, trở về quê cha, những tưởng thay đổi được cuộc sống – thì cũng có những khó khăn riêng. Thậm chí, sự đau đớn của họ còn nặng hơn nhiều so với khi họ ở Việt Nam…

Tuy nhiên, trong rất nhiều những câu chuyện buồn ấy thì có một câu chuyện mà theo tôi, đấy có thể coi là một điểm sáng trong phim Những đứa con của cuộc chiến. Đó là câu chuyện của ca sĩ Phương Thảo – một người con lai sống thành đạt ở Việt Nam và đã được người cha bên Mỹ của chị đón nhận.

Với 50 phút của bộ phim, với những câu chuyện mang nhiều nỗi buồn, chúng tôi muốn chuyển tải đến thông điệp, đó là không nên có chiến tranh và đừng để các cuộc chiến diễn ra. Bởi chiến tranh luôn gieo rắc những điều khủng khiếp và những điều khủng khiếp ấy ảnh hưởng, ám ảnh không chỉ một thế hệ mà còn nhiều thế hệ, không chỉ cho một phía mà cả hai phía.

Một thông điệp nữa đó là hãy bỏ qua và khép lại mọi thứ.

Điều đọng lại cho anh sau khi thực hiện Những đứa con của cuộc chiến là gì? Một người mà như tôi được biết, sinh ra 5 năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc?

- Tôi cảm thấy mình may mắn sinh ra trong thời bình và sau khi hoàn thành bộ phim – đã được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhân vật – tôi cảm thấy sâu sắc hơn may mắn mình đang có. Tôi mong muốn qua Những đứa con của cuộc chiến, có thể chuyển tải được phần nào tâm tư, cuộc sống thực của những người con lai, để người xem thấu hiểu hơn những nỗi đau khổ mà những người con mang trong mình hai dòng máu đã và vẫn đang phải gánh chịu. Từ đó, trân trọng hơn những gì mình đang có.

Một câu hỏi cuối, Những đứa con của cuộc chiến nằm trong mũ chương trình VTV Đặc biệt, vì thế, vô hình chung, bộ phim sẽ nhận được nhiều kỳ vọng, háo hức hơn từ người xem. Người xem sẽ luôn xem tác phẩm với sự mong đợi về “một cái gì đó đặc biệt” và rằng “bộ phim này đặc biệt ở chỗ nào”? Nếu câu hỏi này được đưa ra cho ê-kíp, anh sẽ trả lời họ như thế nào?

- Đây chính là một trong những áp lực tôi đã chia sẻ trong phần đầu cuộc trò chuyện của chúng ta. Việc bộ phim nằm trong mũ chương trình VTV Đặc biệt thật sự là một áp lực lớn cho cả ê-kíp. Chúng tôi áp lực vì lãnh đạo Đài THVN đã giao cho chúng tôi một khoản tiền không nhỏ để chúng tôi được theo đuổi đề tài mà chúng tôi mong muốn. Vậy mà đi về không mang được một sản phẩm để gửi tới lãnh đạo và khán giả thì thật là… Điều này đã khiến chúng tôi bị áp lực ngay từ đầu khi làm kịch bản.

Quá trình đi làm còn áp lực hơn khi những khó khăn phát sinh – nhân vật từ chối, không đồng ý cho quay… Và khi trở về làm hậu kỳ cho phim lại là một áp lực khác nữa. Vì đây là quá trình chắt lọc và cắt bỏ. Đi quay về mà phải cắt bỏ những gì mình đã khó khăn mới thực hiện được là một việc không dễ dàng chút nào. Chắc bạn biết điều này?

Những đứa con của cuộc chiến có hay hay không, có khác biệt hay không, có đáp ứng được khán giả hay không… về mặt chủ quan chúng tôi không dám chắc chắn. Bởi đây là một đề tài không mới và nhạy cảm, nó nhạy cảm ngay cả thời điểm được phát sóng. Nên việc hay hay không chúng tôi chờ khán giả xem và đánh giá. Chúng tôi chỉ dám mạnh dạn nói một câu là chúng tôi rất mong muốn, hy vọng, đã và đang cố gắng làm một sản phẩm tốt nhất – trong khả năng hết sức của chúng tôi và trong điều kiện chúng tôi có.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Bộ phim tài liệu Những đứa con của cuộc chiến sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt vào 20h10 thứ 7 (27/6) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước