"Cơn bão" đa cấp: Cảnh báo nhiều nhưng người dân vẫn bị lừa

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/03/2016 06:46 GMT+7

VTV.vn - Dù Nhà nước và báo chí ra sức cảnh báo người dân nhưng "cơn bão" đa cấp vẫn đang hoành hành tại nhiều vùng quê và cả các đô thị tại Việt Nam.

Hiện tại có hơn 1 triệu người Việt Nam đang bán hàng đa cấp. Cho tới nay, hàng loạt đường dây đa cấp biến tướng đã bị phát giác. Số tiền thiệt hại của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015, hệ thống bán hàng đa cấp đình đám Liên kết Việt đã phát triển được một hệ thống đa cấp với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu được lên tới trên 1.900 tỉ đồng.

Dân biết Liên kết Việt, cơ quan chức năng lại bỏ sót con bạch tuộc? Dân biết Liên kết Việt, cơ quan chức năng lại "bỏ sót con bạch tuộc"?

VTV.vn- Khi đến tìm hiểu các địa phương có nhiều người dân tham gia công ty Liên kết Việt thì câu trả lời thường thấy từ các cấp chính quyền địa phương là không nghe và không biết.

Vấn nạn này không chỉ thể hiện ở các con số thống kê thiệt hại. Đường dây nóng của Ban Thời sự hàng ngày vẫn tiếp nhận rất nhiều ý kiến của người dân về các đường dây đa cấp.

Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 4/3, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã lý giải vì sao nhiều người dân lại dễ dàng bị lừa mang cả trăm triệu đồng cho vào hệ thống dù cũng đã cảnh giác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu hai nguyên nhân cơ bản: “Báo chí, nhất là Đài THVN đã đưa tin với mật độ phủ sóng cao nhưng không có nghĩa mọi người dân đều nắm được thông tin về vấn đề này. Thứ hai, lợi nhuận qua bán hàng đa cấp rất hấp dẫn nên nhiều người biết nhưng vì lòng tham nên không kiềm chế được và tham gia hệ thống”.

Theo luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người cũng không hiểu khái niệm đa cấp mà chỉ quan tâm đến món lợi nhuận lớn, không cần biết hình thức bán hàng mình tham gia có phải là đa cấp hay không.

Ông cũng đưa ra lời khuyên cho người dân để tránh rơi vào bẫy đa cấp: “Khi thấy lợi nhuận quá lớn, chúng ta phải xem xét bởi buôn bán không thể có lợi nhuận như vậy. Chúng ta cũng phải tiếp cận với chính sách trong Nghị định 42, trong đó dấu hiệu dễ thấy nhất là lợi nhuận không bình thường”.

Liên quan tới trách nhiệm của chính quyền địa phương, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nhiều nơi vẫn làm việc quan liêu và không thực hiện hoạt động hậu kiểm, kiểm tra trên hiện trường. Do đó, điều quan trọng là lực lượng chức năng phải chủ động tấn công tội phạm thay vì chờ đợi người dân đến tố cáo.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước