Nguyên nhân gia tăng tình trạng ngư dân bị bắt ở nước ngoài

VĐHN-Thứ ba, ngày 05/04/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong chương trình Vấn đề hôm nay, Đại tá Trần Văn Nam đã lý giải một số nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến ngư dân Việt Nam thường xuyên bị bắt ở nước ngoài.

Việc đi biển của ngư dân hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Không chỉ vì những rủi ro giữa trùng khơi, sóng to gió lớn mà còn rủi ro từ những va chạm về quyền lợi trên biển. Báo chí thống kê trong 9 ngày vừa qua, có gần 100 ngư dân của ta bị bắt giữ tại Thái Lan. Tình trạng tàu cá của Việt Nam bị bắt giữ tại nước ngoài hoặc bị tàu nước ngoài đâm va trên biển có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Đại tá Trần Văn Nam – Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật, cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng ngư dân Việt Nam bị bắt ở nước ngoài, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do vùng biển nước ta rộng, tiếp giáp nhiều nước, cho nên ngư dân ta khó phân định được đâu là ranh giới, lãnh thổ nước mình. Hoặc vi phạm do máy móc, trang thiết bị tàu thuyền đánh cá của ta vô tình trôi dạt sang phía vùng biển nước khác. Còn về nguyên nhân chủ quan là do ý thức của ngư dân. Có một số ngư dân do trình độ thấp hoặc không tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật nên vô ý vi phạm. Cũng có một số ngư dân lại cố tình vi phạm, xâm lấn sang lãnh thổ, địa phận vùng biển nước khác để đánh bắt”.

“Luật pháp Malaysia và Indonesia có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc. Trong đó, ngư dân vi phạm có thể bị tịch thu tàu, thuyền trưởng và thành viên có thể bị bỏ tù. Thậm chí tàu bị tịch thu có thể bị phá hủy hoặc đánh chìm. Còn riêng đối với Thái Lan, năm 2015, thông qua luật thủy sản sửa đổi đã thành lập một trung tâm kiểm soát chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Như vậy, Thái Lan đã tăng cường các cơ quan thực thi pháp luật để bảo vệ chủ quyền trên biển cho quốc gia” - ông Trần Văn Nam nói thêm.

Việt Nam hiện nay có hơn 100.000 tàu thuyền các loại, trong đó có 30.000 tàu đánh bắt xa bờ. Ngư dân là lực lượng sản xuất hùng hậu, đem lại nguồn lợi kinh tế và đồng thời cũng là cột mốc di chuyển thể hiện chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Nhưng khi mọi quốc gia có biển đều hướng ra biển thì ngư dân của chúng ta không chỉ thạo nghề đi biển mà còn phải nắm vững pháp luật và biết cách ứng xử ở các vùng biển quốc tế, tránh các trường hợp đáng tiếc xẩy ra.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước