Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam: Phạt nặng, phạt nghiêm khắc mới có hiệu quả

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 10/02/2017 06:19 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng, việc xử phạt nghiêm hành vi vi phạm trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại là cần thiết để giải quyết hiện tượng này.

Mặc dù đã bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam nhưng những con tôm hùm gốc Bắc Mỹ lại đang xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp thời gian gần đây. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản chỉ là nuôi tôm lấy thịt nhưng chính sinh vật ngoại lai này lại đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Sau những bài học từ ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…, sự việc mới nhất này đang đặt ra vấn đề trong khâu quản lý các sinh vật ngoại lai vào nước ta.

Theo chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, trách nhiệm trong quản lý sinh vật ngoại lai không chỉ là của cơ quan Nhà nước mà còn nằm ở chính người dân.

"Trách nhiệm ở đây phải là toàn dân, từ người dân đến cán bộ quản lý. Đầu tiên là với dân, người dân phải ý thức, hiểu được cặn kẽ, thay vì chỉ nhìn thấy mặt tích cực mà quên mặt tiêu cực của loài sinh vật đó. Không chỉ vậy, trách nhiệm còn ở cơ quan kiểm dịch khi đưa các sinh vật này vào. Ở đây có lỗ hổng trong việc quản lý sinh vật ngoại lai khi loài tôm hùm Bắc Mỹ xuất hiện tại nước ta mà không có cơ quan quản lý. Đó là một bài học lớn, phải lấy đây là bài học cho những loài vật khác, cây trồng khác", ông Nguyễn Lân Hùng đánh giá.

Không thể phủ nhận các sinh vật ngoại lai cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học, một số giống được nhập khẩu như ngô, táo, thanh long, cừu… đã mang đến lợi ích kinh tế cho nước ta. Tuy nhiên, với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu buông lỏng công tác quản lý sinh vật ngoại lai thì những tác hại sẽ là khôn lường.

Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng cho rằng có sự chồng chéo về vai trò trong quản lý sinh vật ngoại lai hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu các sinh vật ngoại lai, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường lại quản lý các sinh vật này trong nước. Giải pháp cho sự chồng chéo này nằm ở phía Nhà nước.

"Nhà nước phân bộ phận nào thì bộ phận ấy lo. Giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự họp bàn, thống nhất để đưa ra giải pháp. Có kinh nghiệm, có tài liệu nước ngoài và thực tiễn trong nước, chúng ta phải bàn bạc kỹ với nhau để đưa ra. Có lẽ Nhà nước nên có cơ chế nào đó, hoặc cần một bộ phận trên hai bộ này ra quyết định, chẳng hạn như Phó Thủ tướng", ông Nguyễn Lân Hùng nói tiếp.

"Bên cạnh đó, hình phạt xử lý trong lĩnh vực này vẫn còn chưa nghiêm. Ở các nước khác, hình phạt rất nghiêm khắc, nhưng chúng ta không có. Nhiều khi hình phạt góp ý không có tác dụng mà phải phạt nặng mới có hiệu quả".

Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại có tác dụng quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy công tác quản lý này cũng rất phức tạp do không thể nhìn thấy ngay tác hại và quan trọng hơn là khó để tiêu diệt hoàn toàn sinh vật ngoại lai một khi đã xâm nhập. Thậm chí, công tác này cũng vô cùng tốn kém. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm soát đầu vào sinh vật ngoại lai chặt chẽ. Đó không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà là của toàn dân.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước