Biến tướng văn hóa đi lễ: Làm xấu hình ảnh quốc gia, gây hiểu biết sai lệch về lễ hội

Sự kiện và bình luận-Thứ bảy, ngày 04/02/2017 12:10 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, biến tướng văn hóa đi lễ góp phần làm mất đi hình ảnh đẹp của quốc gia và làm giảm giá trị của di sản.

Hình ảnh mọi người tấp nập tham dự những lễ hội đã trở nên quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, văn hóa đi lễ được đề cập đến nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, tình trạng xen lấn, xô đẩy, cướp lộc và tranh giành nhau vẫn thường xuyên diễn ra ngay tại những lễ hội được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể.

GS.TS Nguyễn Chí Bền – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam – bày tỏ: "Tôi thấy rất buồn vì tôi không nghĩ rằng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại lại xuất hiện một cách xấu xí như vậy. Là Giám đốc xây dựng hồ sơ đền Gióng Sóc Sơn năm 2009, tôi không thể tưởng tượng văn hóa đi lễ ngày càng biến tướng như thế".

Ông Nguyễn Đình Thành – chuyên gia về truyền thông – cũng chia sẻ: "Những tình trạng đó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều với tư cách là một cá nhân trong xã hội. Đặc biệt, khi có những lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, cả thế giới sẽ nhìn vào những hình ảnh đó. Nhất là trong thời đại số ngày nay, một số hình ảnh chỉ vài giây là được nhiều người quan tâm theo dõi, nhìn nhận. Qua đó, những hình ảnh đó làm xấu hình ảnh quốc gia, gây ra hiểu biết sai lệch về lễ hội. Vì thế, sự biến tướng ấy góp phần làm mất đi hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam cũng như giá trị của di sản".

Biến tướng văn hóa đi lễ: Làm xấu hình ảnh quốc gia, gây hiểu biết sai lệch về lễ hội - Ảnh 1.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành

GS.TS Nguyễn Chí Bền đồng tình với quan điểm này. Ông khẳng định việc hiểu biết về lễ hội, di sản là rất quan trọng, từ đó mỗi người mới có được nhận thức đúng đắn với văn hóa đi lễ. 

Ông cho biết: "Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thống kê Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội. Nhưng tôi nghĩ đó chưa phải con số hoàn toàn xác thực bởi thống kê bao gồm ba hiện tượng lễ hội khác nhau: lễ hội truyền thống, lễ hội đương đại, mít-tinh và sự kiện lịch sử. Trong đó, lễ hội đương đại đã bị chúng ta nhầm lẫn với cách dùng từ festival. Chúng ta thấy từ festival xuất hiện rất nhiều ở các thể loại từ festival Huế, festival điện ảnh, festival lúa gạo… Tôi cho rằng những hiện tượng như vậy không phải là lễ hội. Còn mít-tinh, sự kiện lịch sử thường được nhà tổ chức đưa vào đó các nét văn hóa, các màn trình diễn đôi khi cũng bị nhầm lẫn là lễ hội".

Biến tướng văn hóa đi lễ: Làm xấu hình ảnh quốc gia, gây hiểu biết sai lệch về lễ hội - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, lễ hội cần được hiểu đúng và được xem xét trong mối quan hệ với tín ngưỡng: "Lễ hội phải là lễ hội mang tính truyền thống, được tổ chức ở các làng quê, các di tích như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Gióng, hội Lim… Đặc điểm rất cơ bản của hiện tượng văn hóa này là bao giờ cũng có nhân vật thiêng để thờ phụng, thể hiện niềm tin của mọi người. Đặc biệt, ở các làng quê, niềm tin đối với nhân vật thiêng rất lớn. Vì thế, dù Tết Nguyên đán diễn ra chung trên cả nước nhưng lễ hội ở mỗi làng quê chính là thể hiện Tết riêng của từng nơi. Nét đẹp của lễ hội cần được xem xét trong mối quan hệ với tín ngưỡng".

Để lắng nghe cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Chí Bền và chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, mời quý vị theo dõi qua video Sự kiện và bình luận dưới đây:

Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước