Chợ - nét văn hóa đặc thù của người Việt

Thu Trang-Thứ hai, ngày 09/12/2013 22:06 GMT+7

 Không ai biết chính xác chợ đươc hình thành từ khi nào, có bao nhiêu cái chợ và bao nhiêu loại chợ búa khác nhau ở Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn rằng chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần mà còn biểu hiện văn hóa Việt Nam một cách đậm nét.

Việc đi chợ Việt Nam ngoài việc thoả mãn sở thích mua sắm còn là để tìm hiểu bản sắc văn hoá mỗi vùng miền. Mỗi vùng đất có một cái chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị.

Ở thành phố chợ đông đến tận khuya. Ở đồng bằng, chợ miền quê, chợ duyên hải có khi là một buổi mua bán ngắn ngủi vào bình minh hay chiều tối thường gọi là “chợ mai” hay “chợ chiều”. Rồi chợ “phiên” miền núi lâu lâu mới họp một lần. Người địa phương chờ được đi chợ như đi lễ hội. Ở đó, kiểu thương mại bằng cách trao đổi hàng hoá như từ thời cổ đại vẫn còn sót lại như biểu tượng cho vẻ đẹp “mua bán” nguyên sơ của ngày thơ ấu nhân loại.

‘ Chợ bán gạo Bắc Kỳ

‘ Chợ Bưởi Hà Nội

Tới chợ ngoài việc bán mua còn là nơi trình làng món hàng đặc sản quê hương. Chợ là nơi gặp gỡ tình làng nghĩa xóm. nơi hẹn hò, trao duyên…

Chợ Bắc Hà được chia ra các khu nhỏ mang tính chất đặc trưng như chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc… Mỗi khu đều phong phú, đa dạng và mang màu sắc dân tộc địa phương. Nhưng điều làm nên vẻ hấp dẫn của phiên chợ Bắc Hà là sau mỗi tuần làm việc, đồng bào dân tộc lại xuống núi, mặc những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu và xem đó như ngày hội, trai gái coi đó như một lần được gặp gỡ trao duyên. Người già vui vẻ đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới. Điểm đặc biệt là mọi người kết bạn qua tiếng khèn, sáo... chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ. Những sắc màu văn hóa của phiên chợ Bắc Hà đã tạo nên sự hấp dẫn cũng như sức sống trường tồn của nó.

‘ Chợ bán lợn ở Bắc Bộ

Chợ Kỳ Lừa( Lạng Sơn)

Ở nông thôn Việt Nam, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ của làng nào, xã nào thì gọi theo tên của làng ấy, nói nôm na đó là loại chợ quê.

Phiên chợ quê chắc chừng vài trăm người, không khí thân mật hiền lành bởi đa phần là người quen với nhau, hay bạn bè cùng rủ nhau ra vui chơi. Hình như người dân quê ai cũng thích đi chợ, không mua gì thì cứ đi ngắm, đi chơi. Đông người nhất chắc là ở quán nước chè đầu chợ, người ta gặp nhau, vừa uồng nước chè vừa hỏi thăm nhau chuyện nọ chuyện kia. Phiên chợ quê giản đơn ấy cứ như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng quê. Nhiều phiên chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

‘ Chợ Cá Sài Gòn

‘ Chợ Lớn Sài Gòn

Nếu như những phiên chợ miền núi phía Bắc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao thì miền Nam lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi, những phiên chợ mùa nước lên với việc trao đổi hàng hoá trên ghe thuyền. Chợ nổi thường xuất hiện tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải, di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường là các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá, không cạn quá mà cũng không sâu quá.

Chợ nổi miền Tây

Nét đặc sắc, độc đáo thể hiện tâm hồn dân tộc qua các phiên chợ là điểm thu hút khách du lịch khám phá, tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam. Đi chợ Việt, cũng là lúc con người ta chìm đắm trong một biểu cảm của một sắc thái Việt, một thứ văn hoá sống động đầy duy cảm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước