Dán nhãn phim điện ảnh: Rất cần, nhưng khó

Theo Thành Công/VOV-Thứ năm, ngày 23/02/2017 17:30 GMT+7

VTV.vn - Từ ngày 1/1/2017, Cục Điện ảnh áp dụng “Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi” mới. Sau hơn 1 tháng áp dụng đã phát sinh nhiều bất cập.

Việc làm cần thiết…

"Việc dán nhãn phim hạn chế độ tuổi như hiện nay là phù hợp với quy định quốc tế. Các nước cũng làm thế, Việt Nam không thể đi một mình một đường. Thêm vào đó, việc dán nhãn sẽ tránh được tình trạng cấm phim, không cho ra rạp như trước đây. Các bậc phụ huynh cũng tránh được mối lo con em mình bị ảnh hưởng bởi những nội dung không phù hợp, như phim có cảnh bạo lực hoặc cảnh ân ái, yêu đương vợ chồng", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, nhận định về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc dán nhãn phân loại phim.

Bảng phân loại mới áp dụng với 4 mức khác nhau cho các bộ phim được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành: P (dành cho mọi độ tuổi), C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Khán giả, các nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim đều ủng hộ việc phân loại này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gây nhiều bức xúc.

Mới đây, việc dán nhãn 16+ cho phim "Chạy đi rồi tính" đã gây ra nhiều bức xúc. Theo nhận định của anh Phi Long, Công ty truyền thông phim ảnh Poly Media: "Chạy đi rồi tính" bị dán nhãn C16 là khá nặng tay. Trong phim, tuy có một cảnh hài thoại người lớn của Hứa Vĩ Văn và 2 nữ diễn viên, nhưng theo tôi chỉ đáng dán nhãn C13, vì tất cả các nhân vật đều ăn mặc rất kín đáo. Đáng nói nhất chính là trường hợp của phim Tết "Lục Vân Tiên: Tuyệt Đỉnh Kungfu", đây là bộ phim mượn hình ảnh người anh hùng áo vải thân thuộc của người dân Nam bộ, trọng nghĩa khí, thấy chuyện bất bình chẳng tha. Phim không hề có cảnh nóng hay trang phục hở hang nào, lại bị dán nhãn C13. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho nhà sản xuất vì đối tượng khán giả của bộ phim bị thu hẹp rất nhiều".

…nhưng mơ hồ, cảm tính

Dán nhãn phim điện ảnh: Rất cần, nhưng khó - Ảnh 1.

Vậy điều gì khiến cho một việc làm được cho là cần thiết, nhưng đến khi triển khai lại có nhiều ý kiến không đồng tình như vậy?. Ông Phi Long cho rằng: "Tiêu chí phân loại phim hiện nay rất mơ hồ, theo đánh giá của nhiều nhà làm phim thì rất cảm tính và khó hiểu. Bởi vì không có tiêu chí phân loại rõ ràng, như: không được hôn quá bao nhiêu giây, nói từ gì là thô tục, hở mức nào là phản cảm, cảnh phim như thế nào là khiêu dâm…".

Chia sẻ về quy trình thẩm định phim điện ảnh, bà Hồng Ngát cho hay: "Khi kiểm duyệt nội dung một bộ phim, các thành viên trong hội đồng đều ngồi xem và có đánh giá riêng. Tôi cho rằng, phim dán nhãn 16+ thì an toàn nhưng không phải phim nào cũng dán nhãn được. Trong cuộc họp tổng kết Hội đồng duyệt phim nhiệm kỳ vừa qua, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cũng hỏi lại rằng, phim "Chạy đi rồi tính" có đáng "bị" dán 16+ không? Hội đồng duyệt phim trả lời rằng, vì phim có chi tiết cướp tiệm vàng và ăn mặc hơi hở, không phù hợp với trẻ dưới 16 tuổi. Theo tôi, phim này dãn nhãn 13+ thì hợp hơn, nhưng vì thời điểm phim ra mắt là ngày 29/12, dự thảo mới áp dụng từ ngày 1/1 nên đành dán nhãn 16+ thôi".

"Các nhà làm phim mong muốn minh bạch hóa quá trình thẩm định, thời gian thẩm định kéo dài bao nhiêu ngày, hội đồng thẩm định bao gồm những ai, trách nhiệm ra sao nếu thẩm định sai gây thiệt hại cho nhà làm phim và khán giả", ông Phi Long đặt ra những câu hỏi cụ thể và so sánh: "Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, các cơ quan thẩm định phim ảnh hoàn toàn độc lập với nhà nước, không bị chi phối bởi các nhà làm phim và phát hành. Họ đại điện cho quyền lợi của khán giả để thẩm định phim. Cõ lẽ bởi vậy nên việc thẩm định phim minh bạch và chặt chẽ hơn".

Có thể nói, với các tiêu chí thẩm định phim "mơ hồ" như vậy, việc dán nhãn phân loại phim sẽ hoàn toàn dựa vào cảm tính, sự công tâm của các thành viên Hội đồng duyệt phim.

Lo ngại bị lợi dụng để cạnh tranh thiếu lành mạnh

Việc phân loại phim theo độ tuổi là cần thiết, vì lứa tuổi nào thì xem phim ấy, nhưng cần có một hệ thống đồng bộ để kiểm soát. Trong khi ở Việt Nam, việc kiểm soát độ tuổi vào rạp theo quy định vẫn còn nhiều lỗ hổng. Lý giải điều này, nhà biên kịch Hồng Ngát trả lời: "Cũng khó vì trẻ con bây giờ lớn nhanh lắm, 13 tuổi mà như 15 - 16 tuổi, còn 16 tuổi thì như 18 - 20 tuổi nên việc "nhìn mặt đặt tuổi" là rất khó. Mà thanh tra phim cũng bận nhiều thứ, không phải lúc nào cũng phát hiện ra việc ăn gian độ tuổi, nhưng nếu phát hiện ra thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, mọi thứ hiện nay vẫn dựa vào sự tự giác của khán giả và các rạp chiếu phim nữa…".

Ở Việt Nam hiện nay, khán giả 16 tuổi chưa có chứng minh thư hay thẻ căn cước là chuyện bình thường, việc kiểm tra rất khó, việc yêu cầu mang giấy khai sinh khi vào rạp càng khó hơn. Nếu kiểm trả bằng mắt thường thì sẽ dễ bị "lọt", kiểm soát độ tuổi từ khi bán vé lại làm khó cho khán giả, vì nhiều người mua vé hộ, mua nhiều vé… Chính vì vậy, rất khó kiểm soát độ tuổi khán giả khi vào rạp. Chưa kể đến khả năng vì doanh thu mà "nhắm mắt" cho khán giả vào rạp cũng rất dễ xảy ra.

Ông Phi Long, Công ty truyền thông phim ảnh Poly Media bày tỏ lo ngại rằng, quy định dán nhãn phân loại phim có thể bị lợi dụng làm công cụ cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ông Long ví dụ, khi ra rạp, phim "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu" của Poly Media bị hệ thống phát hành khác tự dán nhãn C16 dù được cấp phép C13. Việc chuyển từ C13 lên C16 khiến phim mất một lượng khán giả.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước