Đạo diễn Đặng Hồng Giang - Người miệt mài "chưng cất" phim tài liệu

Theo Dũ Cát/An ninh Thủ đô-Chủ nhật, ngày 27/11/2016 15:39 GMT+7

VTV.vn - Một năm trước, "Lửa Thiện Nhân" khiến giới làm phim tài liệu sửng sốt khi ra rạp bằng con đường thương mại. Một năm sau, đạo diễn Đặng Hồng Giang lại gây "chấn động".

Những thước quay tính bằng năm

Gọi Đặng Hồng Giang là người "chưng cất" phim tài liệu cũng không quá vì hiếm có vị đạo diễn nào chịu vừa quay vừa "ủ" phim lâu như anh. Thời gian "ủ" phim của Đặng Hồng Giang thường kéo dài tới hàng năm trời, lâu tới mức có khi nhân vật chính trong bộ phim mà anh làm cũng quên mất mình đã từng đứng trước ống kính thế nào và kể chuyện ra sao.

Chùm 3 phim tài liệu Đáng sống cũng là thành quả nhiều năm vị đạo diễn này miệt mài gom góp và chắt chiu tư liệu. Trong đó, chỉ riêng việc anh kiên nhẫn đi tìm và thuyết phục các nhân vật chịu lên phim cũng đủ khiến nhiều người thán phục. Đặng Hồng Giang nói vui, anh toàn "mua chuộc" nhân vật bằng cà phê.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang - Người miệt mài chưng cất phim tài liệu - Ảnh 1.

Hình ảnh đẹp trong chùm phim "Đáng sống"

Như nhân vật Hoàng Thị Kim Dung với câu chuyện sinh con từ tinh trùng trữ đông của người chồng quá cố được kể ở phần 1 của phim – "Mầm sống", Đặng Hồng Giang phải liên hệ rất nhiều lần mới có được cuộc gặp với người phụ nữ này tại một quán cà phê. Hay câu chuyện về Tăng A Pẩu – một doanh nhân thành đạt chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác suốt 11 năm trời được kể ở phần 2 "Đáng sống", trước khi có cuộc gặp với nhân vật này, Đặng Hồng Giang đã được "cảnh báo" rằng đó là một người cực kỳ khó tính nhưng anh vẫn liều mời đi uống cà phê để thuyết phục và đã thành công.

Riêng với người nông dân sống bằng nghề đào phế liệu chiến tranh Nguyễn Ngọc Triệu – nhân vật chính của phần 3 "Một con đường", Đặng Hồng Giang đã cùng người đồng nghiệp của mình miệt mài đi đến nhiều gia đình ở vùng đất Quảng Trị vẫn mưu sinh bằng công việc nguy hiểm này để nói chuyện và sau cùng mới tìm thấy ông.

Ba bộ phim trong chùm phim tài liệu Đáng sống được Đặng Hồng Giang thực hiện trong suốt nhiều năm. Sự tỉ mỉ của anh khiến nhiều đồng nghiệp phải thốt lên: "Giang cầu kỳ thế". Ấy là khi anh quyết định chờ từ năm 2012 đến năm 2014 chỉ để quay cái kết cho phim "Một con đường", cụ thể là ghi lại khoảnh khắc cậu con của người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu tốt nghiệp đại học bằng chính những đồng tiền mà cha mình nhặt nhạnh từ việc đánh cược cả mạng sống bằng nghề nhặt phế liệu chiến tranh.

Sự mạo hiểm và những giọt nước mắt

Đạo diễn Đặng Hồng Giang - Người miệt mài chưng cất phim tài liệu - Ảnh 2.

Vị đạo diễn này quả quyết: "Nếu như không có phúc có phận" thì anh và cả các anh em trong đoàn làm phim hôm nay đã không còn cơ hội đứng ở đây. Theo lời kể của Đặng Hồng Giang, trước khi bắt tay vào quay bộ phim "Một con đường", anh đã mua bảo hiểm hết cho 11 anh em trong đoàn, cũng cảnh báo về sự nguy hiểm có thể gặp phải và "ai thích thì theo tôi".

Điều bất ngờ là cả 11 người đều không ai rút lui. Trong phim có một cảnh quay được thực hiện ngay dưới mương nước chứa rất nhiều bom bi và suýt nữa cả Đặng Hồng Giang lẫn người quay phim mất mạng vì một nhát cuốc mạnh từ chiếc mai đào đất của nhân vật chính khiến đất bị sạt lở, rất may không có quả bom bi nào phát nổ. Nhớ lại, Đặng Hồng Giang bảo nếu có chuyện gì xảy ra, ai nói anh ngu dại hay liều lĩnh thì anh chịu chứ để làm cho nên chuyện thì đôi khi phải "liều một tý".

Ba câu chuyện về 3 mảnh đời cùng rất nhiều số phận đằng sau trong chùm phim Đáng sống đã khiến khán giả phải rơi nước mắt. Đó là sự xúc động về tình vợ chồng, tình mẫu tử, phụ tử và cả tình người cao đẹp trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là sự xót xa khôn nguôi và trăn trở khôn cùng trước nhiều góc khuất trong đời sống xã hội đương thời. Và điểm chung của cả 3 bộ phim này là đều khiến người xem thấy mình trở nên nhỏ bé vô cùng khi đứng trước một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, một mình nuôi dạy 3 đứa con thơ; trước nghị lực phi thường của một nhiếp ảnh gia tay ngang mà lạc quan khi đối diện với cái chết; và trước tình yêu không gì sánh được mà cha mẹ dành cho con cái. Đó còn là câu nói ám ảnh của người nông dân mưu sinh bằng nhặt phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị, rằng "dân làng nơi đây gặp bom là họ mừng rồi".

Sau 1 tuần công chiếu, Đặng Hồng Giang chia sẻ không nhiều người đến rạp xem "Đáng sống" nhưng anh vẫn làm và đưa phim tài liệu ra rạp, bền bỉ như cách anh "chưng cất" niềm đam mê và kỳ vọng hướng con người đến cái thiện.

Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước