Dựng Tiếng trống Mê Linh vì quá thương kính “bà nội 3”

TT.O-Thứ năm, ngày 20/02/2014 16:00 GMT+7

26 tuổi, đi diễn kịch từ năm 14 tuổi và tập tành làm bầu sô văn nghệ năm 20 tuổi, diễn viên Gia Bảo giờ đây đứng trước một thử thách lớn lao: tổ chức lại hai tuồng cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa.

Gia Bảo nói: "Vì tôi quá thương kính "bà nội 3" của mình!" (Bảo là cháu nội nghệ sĩ Bảo Quốc - em ruột của cố nghệ sĩ Thanh Nga - nên trong gia tộc con cháu thường gọi Thanh Nga là "bà nội 3").

Thuận lợi nhiều - bởi mọi người dường như ai cũng yêu mến đoàn Thanh Minh vàng son một thuở, những tên tuổi dòng họ như bà bầu Thơ, Thanh Nga, Bảo Quốc, Hữu Châu... nên 99% nghệ sĩ đều nhận lời mời tham gia biểu diễn. Ngay cả nghệ sĩ Thanh Tú sức khỏe kém cũng ráng quay clip hình chia sẻ. Khó khăn cũng không ít, từ kinh phí tổ chức (khoảng 1,2 tỉ đồng - là tất cả số tiền mà Gia Bảo để dành được từ đi diễn suốt nhiều năm qua) đến việc... nín thở chờ đợi từ hầu bao công chúng có nặng tình với cải lương để mua vé hay không.

Rất may là mười ngày trước suất diễn đầu tiên mở màn, Gia Bảo đã rung kính cận, tươi cười nói: "Hai suất đầu gần sạch vé, hai suất sau bà con mua hết nửa rạp rồi anh ạ".

Bảo nói bây giờ điều mọi người lo nhất là làm sao chất lượng nghệ thuật phải thật xuất sắc để không phụ tình khán giả. Ban đầu Bảo không diễn vai nào vì nghĩ mình cần tập trung vai trò tổ chức. Song khi ông nội (Bảo Quốc) truyền đạt "cả nhà nên tham gia vì kỷ niệm, vì thế hệ sau phải biết kế thừa những vai diễn thì nhân vật và vở diễn đó mới sống hoài với khán giả" thì Bảo cũng tập tuồng - với vai lính hầu!

Ngay cả bác của Bảo - NSƯT Hữu Châu và chú Hà Linh sau vai diễn chính của họ cũng sẵn sàng đóng thêm vai lính hầu mà không nề hà "tên tuổi" gì cả. "Mọi người muốn trả hiếu cho dòng họ và tình yêu son sắt với đoàn Thanh Minh Thanh Nga... Mà khi yêu thật sự người ta luôn thấy mình nhỏ bé!" - Bảo nói.

Ngoài phòng vé, khán giả ùn ùn đến mua. Cải lương như được trở mình sau những năm im ắng. Có khán giả mua vé và nói: "Cải lương không thể nào chết đâu, trong lòng mỗi người Nam bộ đều có dòng máu cải lương". Có thể vì nhiều năm nay không có những vở thật hay, không có dịp tái hợp từ những tài năng lớn, nhưng khi cá đã gặp nước rồi thì vượt vũ môn.

"Có thể sau bốn suất đầu tiên ở TP.HCM, các suất tiếp theo sẽ lưu diễn miền Trung, miền Bắc" - Gia Bảo hi vọng về một "chút tình gửi lại nhân gian".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước