Festival bốn mùa cho Huế

Thái Lộc (Tuổi trẻ Online)-Thứ bảy, ngày 27/12/2014 17:00 GMT+7

Đường phố Huế trở nên náo nhiệt không khí hội hè khi các đoàn nghệ thuật đủ các sắc màu xuống phố vui chơi cùng người dân. Trong ảnh: Đoàn cà kheo đến từ Vương quốc Bỉ - Ảnh tư liệu

Ý tưởng hình thành “festival bốn mùa” dựa trên văn hóa tâm linh, văn hóa đức tin vốn là thế mạnh của vùng đất cố đô.

Ngày 26-12, tại cuộc tọa đàm khoa học nhân 15 năm thành lập Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở Huế, nhóm tác giả của phân viện này công bố ý tưởng “festival bốn mùa” đã nhận được những bất ngờ và hưởng ứng của nhiều người tham dự...

Thay mặt nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho biết ý tưởng hình thành “festival bốn mùa” dựa trên văn hóa tâm linh, văn hóa đức tin vốn là thế mạnh của vùng đất cố đô.

Nếu Festival Huế hiện nay tổ chức hai năm một lần thì ý tưởng mới này rải đều hoạt động trong năm, lấy người dân làm chủ thể để tổ chức, lấy các sự kiện văn hóa tâm linh của người làm chủ đạo, dựa hẳn vào những tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, con người mà Huế vốn có...

Trên nền của tất cả hoạt động văn hóa tâm linh ấy, festival được tổ chức theo “bốn trục” của bốn mùa.

"Trục xuân” là nơi dồn tụ những phong tục, lễ hội đẹp và hay của các dân tộc và của thế giới.

“Trục hạ” lấy mùa Phật đản làm chính.

“Trục thu” là “festival về mẹ”, chọn lễ hội điện Hòn Chén và mùa Vu lan báo hiếu làm tâm điểm.

“Trục đông” gồm những trình diễn thính phòng, diễn xướng trong chùa, nhà thờ hay hội diễn thánh ca quốc tế mùa Giáng sinh trong quãng ngày mưa rét...

“Việc tổ chức như thế này thì Nhà nước không phải mãi đi xin tiền tài trợ cho festival một cách khổ sở!” - ông Thông cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, nhận xét: “ý tưởng rất hay, được trình bày dày công và khá toàn diện”. Với tư cách cá nhân, ông Thanh cảm thấy đồng tình.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho rằng ý tưởng tổ chức vô cùng thuyết phục, nhất là để festival song hành với những hoạt động của Phật giáo là rất xác đáng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thái cho rằng Festival Huế cần phải đổi mới, không thể để tình trạng “bàn tiệc dọn quá nhiều món ăn, ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian quá dài”.

Nhiều người cũng cho rằng sau tám kỳ tổ chức, Festival Huế tồn tại không ít hạn chế, mà hạn chế lớn nhất chính là “gạt người dân ra ngoài một số hoạt động”, người dân không còn là chủ thể của lễ hội.

Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, phó ban tổ chức Festival Huế 2014 - nhận xét: “Dù có nhiều thành tựu nhưng Festival Huế vẫn là festival nhà nước, do Nhà nước tổ chức”. Ông cũng thừa nhận đang làm festival theo kiểu làm “nhiệm vụ chính trị”.

Festival của Huế hay festival tại Huế?

Về Festival Huế, nhà nghiên cứu Lê Anh Tuấn chỉ rõ: thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức; nhàm, lặp lại; phụ thuộc và lệ thuộc vào các đoàn nước ngoài, nhà tài trợ và các sự kiện khác; nhạt dần về bản sắc và ngán do chương trình bão hòa.

Ông Tuấn đặt ra câu hỏi: “Festival của Huế hay festival tại Huế?” và trả lời bằng thực tế: các đoàn nghệ thuật quốc tế ngày càng hùng hậu, đoàn trong nước ngày càng yếu thế, các chương trình nghệ thuật của Huế thì nhạt nhòa dần...

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước