FURY - Cuồng nộ: "Cơn gió lạ" hấp dẫn của mùa Halloween

Đức Hoàng-Thứ năm, ngày 30/10/2014 07:58 GMT+7

FURY đủ hay để hút người xem tới rạp trong mùa Halloween "bội thực" phim nhảm nhí.

Fury lấy bối ảnh thế chiến thứ II - một đề tài không quá mới nhưng được ra mắt hợp thời điểm, khi các phim bom tấn hành động và giả tưởng đang ồ ạt "ra rạp".

Sức hút từ dàn sao "hạng A"

FURY được đứng tên bởi một nhà biên kịch tương đối nổi tiếng tại Hollywood, lại có sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Brad Pitt, Shia LaBeouf hay Logan Lerman...

FURY được đứng tên bởi một nhà biên kịch tương đối nổi tiếng tại Hollywood, lại có sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Brad Pitt, Shia LaBeouf hay Logan Lerman...

FURY là bộ phim được đóng mác từ khâu kịch bản đến sản xuất bởi David Ayer - cha đẻ của hàng loạt những series phim hành động ăn khách như The Fast and the Furious, Training Day - và đặc biệt, vị đạo diễn, nhà biên kịch này cũng từng được đề cử Quả cầu vàng cho kịch bản của bộ phim End of Watch. Chưa hết, sức hút của FURY còn đến từ một dàn ngôi sao tài tử điển trai đình đám của điện ảnh Hollywood, trải nhiều thế hệ từ 6X cho tới tận... 9X.

Nếu Brad Pitt được nhập vai "đúng lứa tuổi" của mình với hình tượng một trung sỹ dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, dẫn dắt một đơn vị gồm 5 người tác chiến trên chiếc xe tăng Sherman mang tên FURY thì đồng hành với anh còn có những gương mặt "lính mới" non choẹt như Shia LaBeouf , Logan Lerman...

8.8 triệu USD trong ngày đầu tiên khởi chiếu, 23.5 triệu USD sau 1 tuần công chiếu ở Mỹ - những con số đã phần nào cho thấy sức hút lớn của FURY. Tuy nhiên, điểm thực sự ấn tượng của bộ phim này, không chỉ nằm ở một vị đạo diễn "mát tay" hay dàn ngôi sao tài tử điển trai...

Câu chuyện cũ, góc nhìn mới

Sự tàn khốc của bom đạn, những đống đổ nát, hoang tàn, luôn là những gì được khắc họa trong các bộ phim có đề tài về chiến tranh và FURY cũng khó thoát khỏi khuôn mẫu này. Song, điểm hay của FURY là nó đã được thể hiện qua một góc nhìn tương đối mới mẻ của những người lính xe tăng.

Thế chiến thứ II được thể hiện trong FURY tương đối mới mẻ qua góc nhìn của những người lính xe tăng.

Thế chiến thứ II được thể hiện trong FURY tương đối mới mẻ qua góc nhìn của những người lính xe tăng.

FURY lấy bối cảnh vào tháng 4/1945, khi Thế chiến thứ II đã đi vào giai đoạn cuối. Tại chiến trường phía Tây nước Đức, một tiểu đội gồm 5 người lính xe tăng quân Đồng Minh do trung sĩ Don Collier (Brad Pitt thủ vai) lãnh đạo - người còn được biết đến với biệt danh "Wardaddy", một niềm tự hào của quân đội Mỹ, sẽ làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ câu chuyện trong bộ phim.

Nhóm của Wardaddy có nhiệm vụ điều khiển một chiếc xe tăng Sherman tiến sâu vào phòng tuyến của Đức Quốc xã và hỗ trợ cho lực lượng bộ binh. Khi chuẩn bị thực hiện một chiến dịch mới thì họ mất đi một đồng đội, và người thay thế lại là Norman Ellison (Logan Lerman thủ vai) - một anh lính hậu phương trước đây chỉ chuyên lo chuyện văn bản và chưa hề nếm trải mùi vị khốc liệt của chiến trường.

Xuyên suốt bộ phim là hành trình Don Collier giúp Norman Ellision trưởng thành hơn. Cùng với chiếc xe tăng FURY, đạo diễn đã dẫn dắt người xem từ những trường đoạn căng thẳng đầy kịch tính của chiến tranh đến những phút lắng đọng đầy tình nghĩa của những người lính dành cho nhau trên chiến trường. "Đây là công việc tuyệt vời nhất" - những người lính tự nhủ với nhau như vậy sau mỗi pha căng thẳng rụng tim.

Với những diễn biến tâm lý được biểu đạt khá tròn trịa, có thể nói, Don Collier là vai diễn tương đối hấp dẫn của Brad Pitt tuy không phải xuất sắc nhất của tài tử này. Don Collier hiện lên là một chiến binh gây hoảng sợ cho quân thù mỗi khi xuất hiện, một con người ngắn gọn xúc tích qua từng câu thoại, đầy sự cao thượng nhưng cũng vô cùng tàn độc với quân thù. Và hình tượng Don Collier còn có thể coi như sự nhân cách hóa của chiến tranh - khó phân chánh tà, hoan hỉ, đau thương, mất mát, đổ nát... đan xen và hỗn độn.

Từ những cảnh quay hoành tránh trên chiến trường, rồi không gian chật hẹp trong xe tăng đầy mùi máu tanh, nước mắt, thuốc lá, thuốc súng, rượu... FURY thực sự đẩy được cảm xúc và giác quan của người xem vào chiến trường chứ không còn là ở rạp chiếu phim. Một điểm trừ nho nhỏ của FURY chính là việc đạo diễn sử dụng quá nhiều cảnh quay trong xe tăng và điều này đôi khi khiến khán giả cảm thấy hơi chóng mặt, ngột ngạt, bức bối.

Âm thanh xuất sắc

Những tiếng radio lởn vởn trong từng góc độ không gian, những tiếng nổ đinh tai nhức óc như muốn đẩy người xem bật dậy khỏi ghế, những đoạn lặng chỉ có tiếng thở.... Phần âm thanh trong phim thực sự được thể hiện quá tuyệt vời.

Âm thanh có lẽ chính là phần tuyệt vời nhất của FURY.

Âm thanh có lẽ chính là phần tuyệt vời nhất của FURY

Steven Price, nhà soạn nhạc tài ba từng được biết đến với siêu phẩm Oscar - Gravity, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi đưa người xem từ những nốt trầm nhất của cuộc chiến cho đến những cao trào đầy nghẹt thở mỗi khi tiếng súng cất lên.

Bên cạnh đó, phần thoại phim cũng được cho là khá ấn tượng. Đơn giản, đậm chất lính, với một chút hài hước khi những người lính pha trò với nhau để giảm tải không khí đầy nghẹt thở của chiến trường.

Đủ hay để tới rạp

Thật khó để so sánh với siêu phẩm huyền thoại về đề tài Thế chiến thứ II như Giải Cứu Binh Nhì Ryan hay Trân Châu Cảng nhưng FURY lại là một trải nghiệm mới, tấn công mạnh mẽ vào cảm xúc và giác quan của người xem. Khán giả như đang thở, đang lắng nghe, và tầm mắt như đang thực sự nhìn qua lăng kính của xe tăng vậy.

Nói cách khác, FURY có lẽ chưa đủ tầm để được gắn mác "không thể bỏ qua", thế nhưng, nếu thực sự cần một bộ phim có chất lượng giữa vô vàn bộ phim nhảm nhí đang ồ ạt ra rạp mùa lễ hội Halloween, FURY chắc chắn sẽ đưa đến cho bạn những cung bậc cảm xúc tuyệt vời!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước