Hà Nội: Đời sống âm nhạc có “no dồn đói góp”?

VHSK (Ảnh khai thác)-Thứ hai, ngày 15/04/2013 16:11 GMT+7

 Trong thời gian gần đây, đời sống âm nhạc tại Hà Nội đang sôi động trở lại với nhiều show ca nhạc được tổ chức thành công. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?

Chương trình Văn hóa, Sự kiện và Nhân vật tuần qua đã có cuộc trao đổi về đời sống âm nhạc của người dân thủ đô Hà Nội và Câu chuyện về việc tổ chức các show ca nhạc hiện nay cùng với nhạc sĩ Quốc Trung và nhà báo Chu Minh Vũ.

Thời gian gần đây có thể thấy Hà Nội rộn rã với những show ca nhạc được xem có chất lượng hơn, thu hút được công chúng nhiều hơn. Dường như nhiều người đã thay đổi nhận định rằng Sài Gòn mới là đất có thể tổ chức được những show diễn ca nhạc?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Hà Nội là nơi chịu tiếp thu nhiều cái mới, khán giả chịu xem và chịu hưởng ứng tới những chương trình có cá tính nhiều hơn thay vì những chương trình tạp kỹ cách đây nhiều năm.

Nhà báo Chu Minh Vũ: Có trải nghiệm thực tế mới thấy rằng, tại TP. HCM thời điểm này rất khó để tìm thấy địa điểm nào có thể tổ chức được những show lớn. Gần đây có một thông tin ở TP. HCM sẽ xây dựng thêm một nhà hát mới, tôi nghĩ điều này sẽ thu hút những show mới quay trở lại đây.

Nhạc sĩ Quốc Trung: Về phía vai trò là một nhà tổ chức, tôi thấy tại Hà Nội tổ chức dễ hơn trong TP. HCM, có nhiều lý do như vậy và tôi nghĩ một trong số đó là đời sống, nhu cầu văn hóa của 2 thành phố khác nhau.

Trong TP. HCM người dân thường có thói quen tới những phòng trà ca nhạc, tới phòng trà sẽ thoải mái hơn, vé có khi rẻ hơn, gần gũi hơn, viết giấy yêu cầu ca sĩ hát bài gì sẽ được phục vụ… Từ đó, khán giả không còn cảm thấy tới tham dự một buổi hòa nhạc là một sản phẩm quý cần được đón đợi.

Ngay cả với việc đi xem các chương trình ca nhạc, khán giả TP. HCM cũng không có thói quen mua vé trước, trong khi tại Hà Nội bắt đầu book vé trước, book vé qua mạng tôi nghĩ thói quen phần nhiều do nhà sản xuất.

‘ Trước đây chúng ta thường đánh giá phòng trà ở TP. HCM là một giải pháp để khán giả đến với âm nhạc và nghệ sĩ có đất diễn. Tới nay thì giải pháp đó dường như đã lỗi thời?

Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi nghĩ bản thân tôi cũng là người nắm rõ về vấn đề này, cách đây khoảng mười mấy năm tôi cùng với ban nhạc và ca sĩ Thanh Lam vào diễn riêng một chương trình cho phòng trà mới khai trương. Tôi cũng đã có trao đổi với anh chủ quán rằng, nếu anh tổ chức theo cách mời một ban nhạc và ca sĩ diva vào biểu diễn, chúng tôi sẵn sàng biểu diễn cả buổi trong khi anh vẫn giữ khoảng 20 ca sĩ để diễn từ đầu giờ chương trình như vậy sẽ rất khó tồn tại.

Việc này đôi khi còn phụ thuộc vào khấu hao, thuê mặt bằng khá tốn kém thành ra các nhà tổ chức phải mở cửa hàng đêm, khi mở cửa hàng đêm thì không còn là một buổi diễn nữa.

Nhà báo Chu Minh Vũ: Có một điều tôi cảm thấy thị trường âm nhạc Hà Nội giống như “no dồn đói góp”, rồi đến một lúc nào lại rơi vào thoái trào. Các chương trình của anh Tuấn Vũ, anh Chế Linh rất thành công ở thị trường Hà Nội. Cố rất nhiều bầu show xem thị trường Hà Nội có thể kiếm tiền được và cùng với đó là bầu show mới ở Hà Nội cũng lao vào để tổ chức show. Nhiều người chỉ nhìn thấy những thành công trên mặt báo cũng rất ít người thấy những thất bại của người khác, tôi cảm giác giống như mọi người đang lao tới đây để thử thôi.

Phải chăng thực ra hiện tượng này cũng chỉ là một cơn bốc đồng của nhà tổ chức cũng như khán giả Hà Nội?

Nhà báo Chu Minh Vũ: Tôi có cảm giác như vậy.

‘ Các ca sĩ biểu diễn trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn "Gọi tên bốn mùa" được tổ chức đầu năm 2013.

Nhạc sĩ Quốc Trung: Từ trước tới nay chúng ta có rất nhiều trào lưu rộ lên. Điều đầu tiên là không chuyên nghiệp, điều thứ hai là không chỉ ca sĩ, nhạc sĩ mà tất cả những gì dính đến âm nhạc đều rất dễ dãi: Làm ca sĩ cũng dễ, làm nhạc sĩ cũng dễ, làm tổ chức, làm show cũng dễ, ai cũng làm được. Quan trọng nhất là thiếu sự chuyên nghiệp, không có hiệp hội, không có sự lâu dài. Trên thế giới, ở bất cứ thành phố nổi tiếng nào cũng không có chuyện trong cùng một ngày, một đêm lại có hai show diễn lớn. Có thể hôm nay sẽ có buổi biểu diễn của Britney Spear và phải hàng tháng sau mới có một đêm diễn tầm cỡ như vậy. Cần phải có quy hoạch và phối hợp với nhau….

Quý vị quan tâm tới đời sống âm nhạc tại Hà Nội, những vấn đề có liên quan trong sự phát triển và định hướng một nếp sống âm nhạc cho người dân thủ đô nói chung và Việt Nam nói riêng có thể theo dõi tiếp cuộc trao đổi giữ biên tập viên với nhạc sĩ Quốc Trung và nhà báo Chu Minh Vũ, TẠI ĐÂY.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước