Hào hứng với bữa tiệc trò chơi dân gian giữa lòng thủ đô

Bài và ảnh: Mai Chi-Thứ tư, ngày 12/02/2014 17:12 GMT+7

Không chỉ đông đảo trẻ em thủ đô mà cả các bậc phụ huynh đều hào hứng với các trò chơi dân gian và thưởng thức các tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian độc đáo trong khuôn khổ ngày hội “Vui xuân Giáp Ngọ 2014” tại bảo tàng Dân tộc học hai ngày mùng 9,10 Tết.

Mặc cho những cơn gió mùa đông bắc thổi hun hút và nhiệt độ ngoài trời xuống khá thấp, đông đảo du khách thủ đô và đặc biệt là các vị khách ngoại quốc vô cùng hào hứng tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc Việt Nam. Ngay ở sân chính của Bảo tàng, du khách đã mải mê xem các nghệ nhân pháo đất đến từ Vĩnh Bảo (Hải Phòng) trình diễn những màn pháo đất độc đáo.

‘ Tình nguyện viên trong trang phục thiếu nữ Thái đang hướng dẫn du khách nhảy sạp

Ngoài việc được chứng kiến, du khách có thể tự tay mình nặn những quả pháo trước sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Rộn ràng và làm ấm người là màn nhảy sạp với sự hướng dẫn và nhịp sạp đều tay của các cô gái Thái.

Bé trai Hoàng Nguyên 8 tuổi đến từ trường tiểu học Đại Kim - Hoàng Mai khoe: "Con rất vui và thích được nhảy sạp. Con đã nhảy 10 vòng rồi. Mặc dù bố mẹ bảo còn rất nhiều trò thú vị khác nhưng bé Hoàng Nguyên vẫn không dứt ra được sự mê hoặc của các nhịp sạp sòn sòn sòn đô sòn. Bất cứ ai có mặt cũng đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy em nhảy sạp cùng các cô gái Thái đến toát mồ hôi giữa trời lạnh giá".

‘ Trẻ em thích thú xem hướng dẫn nặn tò he

Thu hút thanh niên và người lớn là những điệu hát dân ca ví, dặm; hát múa sắc bùa; lẩy kiều, bói kiều; múa dân gian của dân tộc Chứt. Trẻ con hò reo với màn múa tứ linh. Giới trẻ và du khách ngoại quốc lại thích thú với hoạt động thử mặc y phục dân tộc sau nhà Hà Nhì.

‘ Xem trình diễn rối nước

Ở khu nhà Việt - nơi được các tín đồ của nghệ thuật hát ca trù - Cổ Đạm và múa rối nước hội tụ. Tranh thủ thời gian đang chờ các nghệ nhân rối nước biểu diễn, chúng tôi đã trò chuyện với chị Thanh Hải- giảng viên Trường Đại học Xây dựng. Chị vui vẻ cho biết năm nào cả gia đình chị cũng cho con tham dự chương trình vui xuân đầy ý nghĩa này. Đây là dịp hiếm hoi và quý báu để các con chị được tìm hiểu về các trò chơi và văn hoá dân gian của dân tộc. Các con chị được thử tài đi cà kheo, in tranh Đông Hồ, thử tài viết thư pháp, chơi đu và xem múa rối nước… tất cả các trò chơi đó, nếu không có ngày hội này thì vợ chồng chị sẽ khó có cơ hội cho các con trải nghiệm.

‘ Hào hứng với trò kéo co

Đặc biệt, sáng kiến tổ chức 22 trò chơi dân gian với hình thức thi có thưởng càng làm cho ngày hội thêm sôi động. Đó là Đánh đu, Đeo người, Thụt thò (Êđê); Làm quạ, Cọp ốm, Ném gỗ (Bana); Trẻo (Giarai); Đánh cầu lông gà (Thái, Mông, Pà Thẻn); Chơi quay (Mông, Dao, Nùng); Ném pao (Mông), Tung còn (Thái, Tày, Sán Chay); Nhảy bao bố, Bịt mắt tìm người, Đứng tượng, Cõng người kéo nhau (Garai); Kéo co, Gà ấp trứng (Thái); Tó mák lẹ (Thái); Nhảy chữ thập (Khơmú); Luồn dây, Leo cột, Giấu sỏi (Cống); Lăn bưởi (Si la), Đi cà kheo, Bắt chạch trong chum (Kinh)...

‘ Nhảy bao bố

Du khách đã rất cảm kích trước vai trò tổ chức, hướng dẫn, quản lý, làm hoạt náo viên của các bạn trẻ tham gia tình nguyện sự tại ngày hội này. Lực lượng tình nguyện viên ăn mặc chững chạc, nói năng dịu dàng, phục vụ chu đáo, các bạn trẻ đeo thẻ phục vụ trẻ em đâu ra đấy.

‘ Tình nguyện viên hết sức nhiệt tình làm trọng tài

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng báo Lao động thì nếu không có lực lượng này, các con quay, các sợi dây kéo co chỉ nằm chết gí trong… bảo tàng, thậm chí các cháu không biết khúc gỗ sợi dây đó lại có thể hấp dẫn như khi trống hội gióng giả ngân lên này. Các cô gái trang phục xứ Thái, eo thon, khăn áo bồng bềnh sặc sỡ cứ chao lượn trong tiếng nhạc của điệu xòe Tây Bắc mà hướng dẫn trẻ nhỏ múa sạp. Có cháu bé quá, không thể nhảy sạp được, các cô phải bế các cháu để nhảy, khiến đám trẻ cười như nắc nẻ, vui hơn cả hội lễ. Có khi, các cô gái trẻ đeo thẻ tình nguyện viên hò hét, làm trọng tài cuộc thi kéo co trước cửa nhà dài Tây Nguyên, dài hơn cả một tiếng chiêng trong Trường ca Đam San…

‘ Trò múa rối nước

Tháng giêng là tháng ăn chơi, trong khi ở các lễ hội diễn ra khắp mọi miền đất nước, các trò chơi dân gian đang bị mai một, thanh niên lăn xả vào trò đỏ đen, sát phạt nhau thì nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đem đến một không gian thật bổ ích, lý thú cho cư dân thủ đô. Đây không chỉ là nỗ lực "cứu" các trò chơi dân gian xưa mà còn đem đến một nét đẹp hiếm có giữa lòng thủ đô dịp tết đến xuân về.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước