"Màu dân tộc" vẫn giữ "nét tươi trong"

ND-Thứ bảy, ngày 30/01/2016 09:00 GMT+7

Nhiều thế hệ người Việt thuộc bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm nhưng, không phải ai cũng biết rõ về tranh Đông Hồ, rộng hơn là "màu dân tộc" của những dòng tranh dân gian

Tranh Kim Hoàng thất truyền từ lâu lắm; tranh Hàng Trống chỉ còn một người giữ lại; làng tranh Đông Hồ cũng chỉ còn lại vài nghệ nhân. Nhưng có thể lắm, một mai, những "gà lợn nét tươi trong" sẽ lại về với mọi nhà, khi có những người, dù làm việc ở những lĩnh vực khác nhau vẫn đang miệt mài lưu giữ, miệt mài ươm mầm tình yêu với tranh dân gian.

Tìm lại những sắc màu dân gian

Trước đây, vào dịp Tết, mọi người thường treo tranh dân gian, gửi gắm vào đó ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Nhưng nhịp sống gấp gáp của xã hội hiện đại khiến những câu chuyện ấy chỉ còn trong hồi ức... Vào dịp Tết này, có một người đưa những câu chuyện của một thời xa xưa ấy về với hiện tại, bằng triển lãm "Nét Xuân 2016" khai mạc ngày 29-1, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50, phố Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là nhà sưu tập thế hệ 7x Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội (một bảo tàng tư nhân ở phố Xa La, quận Hà Đông). Cùng lúc, năm dòng tranh dân gian: Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, làng Sình và tranh kiếng (kính) Nam Bộ hội tụ tại đây.

Nét đẹp tranh Đông Hồ.
Nét đẹp tranh Đông Hồ.

Lần đầu nghe câu thơ "màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (thơ Hoàng Cầm), Nguyễn Thị Thu Hòa còn chưa biết rõ về tranh Đông Hồ. Bẵng đi nhiều năm, mải mê công việc, tưởng đã quên câu thơ ấy, thì chẳng ngờ, chị đã "về lại" với tranh dân gian. "Có lần vào miền nam, được một nhà sưu tập gốm khoe những bộ ván khắc của tranh Kim Hoàng, bỗng nhiên trong đầu xuất hiện bao nhiêu câu hỏi. Tại sao những bức tranh độc đáo ấy lại đang dần chìm vào quên lãng? Tại sao một người xa trong nam lại sưu tầm dòng tranh tưởng chừng đã phôi phai từ lâu?" - chị Thu Hòa nhớ lại. Chị bắt đầu đến với tranh dân gian và ngộ ra nhiều điều. Đó là sự miêu tả cuộc sống chân quê với những bức "gà đàn", "lợn ăn lá dáy"… trong tranh Đông Hồ; là đời sống tâm linh và triết lý người Việt trong "Ngũ hổ" hay "Thánh Mẫu thượng ngàn" của dòng tranh Hàng Trống. Với Thu Hòa, tranh dân gian như một cuộc gặp gỡ giữa tình yêu nghệ thuật Việt với tâm hồn người Việt xưa trong những nét vẽ, những sắc màu...

Phần lớn tranh cổ là tranh khắc ván, rồi in trên giấy dó. Nguyễn Thị Thu Hòa tìm đến các nghệ nhân để học hỏi và khôi phục lại những mẫu tranh cổ, nhất là những bộ ván khắc có đề tài hiếm. Đến giờ, với riêng tranh Đông Hồ, ngay cả những nghệ nhân làng Đông Hồ chưa chắc có được bộ sưu tập ván khắc tranh nhiều như chị - khoảng 400 mẫu. Trong đó, có nhiều mẫu tranh độc đáo, tưởng chừng bị lãng quên nhưng chị đã được họa sĩ Nguyễn Đăng Giáp hỗ trợ về kỹ thuật để phục chế thành công.

Song, kỳ công nhất là việc phục chế tranh Kim Hoàng. Kim Hoàng vốn thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhiều lần Thu Hòa về Kim Hoàng mới gặp được một cụ già biết đến tranh. Cụ bảo, đến trước năm 1945 nghề tranh này đã suy lắm, chỉ còn bán chung với tranh làng Hồ. Đến Bảo tàng Mỹ thuật cũng chỉ còn vài mẫu tranh Kim Hoàng. Hy vọng khôi phục gần như tắt lịm, chị Thu Hòa chuyển hướng, tìm những tài liệu người Pháp còn lưu giữ. Tranh Hàng Trống thì tinh tế, cầu kỳ, mang tính triết lý cao, phù hợp nhu cầu người dân thành thị; tranh Đông Hồ mộc mạc, khỏe khoắn, gắn với cuộc sống người nông dân; còn tranh Kim Hoàng giống như cái gạch nối giữa hai dòng tranh ấy. Tìm được những mẫu qua tài liệu của Pháp, chị nhờ các nghệ nhân "đồ" lại tranh với kích thước như thật; từ bức tranh này, những nghệ nhân điêu khắc đã khắc lại trên ván gỗ. Nghe thì dễ, nhưng khi đem tranh đến những chuyên gia khắc ván gỗ giỏi thì tất cả đều lắc đầu. Tranh Kim Hoàng có quá nhiều đường nét tinh tế, rất khó thể hiện trên ván khắc. Chị đem về làng Hồ nhờ các nghệ nhân khắc thử. Khắc xong, in ra ván. Ngắm kỹ, thì nó bị “lai” những đường nét to khỏe, dáng tròn của tranh Đông Hồ. Chị lại cậy cục nhà điêu khắc Nguyễn Đức Hòa. Mất đúng một tháng đánh vật với đục, với dao với gỗ, mới xong được một mẫu. In ra, nét tranh Kim Hoàng đây rồi…

Nếu có thể quy đổi những gam màu của tranh dân gian sang những nốt nhạc và sắc độ của mỗi màu như những cung thăng - trầm, thì mỗi bức tranh là một giai điệu dân ca. Nguyễn Thị Thu Hòa thích đặt tranh của các dòng tranh cạnh nhau để thưởng ngoạn bản hòa ca ấy. Ngoài các dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, chị còn dày công vào Huế sưu tập tranh làng Sình, rồi vào miền nam sưu tập tranh khắc kiếng (kính). Mỗi khi thả hồn vào những sắc màu, chị cảm nhận rõ hơn dòng chảy của tranh dân gian Việt, sự giao thoa, biến đổi của những dòng tranh, đó cũng chính là tiến trình vận động của những dòng văn hóa.

Nghệ nhân làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) làm tranh phục vụ khách tham quan triển lãm Nét Xuân 2016 tại Hà Nội.

Để tình yêu lan tỏa

Nguyễn Thị Thu Hòa không muốn giữ sưu tập tranh dân gian làm của riêng. "Khi mọi người hiểu và yêu tranh dân gian, thì tranh dân gian mới có cơ sống được" - chị bảo thế. Chị đem những mẫu tranh giới thiệu đến mọi người như một cách để gieo mầm tình yêu. Thật may cho Thu Hòa, và cũng là điều may mắn với tranh Việt, những người như chị không đơn độc...

Ít ngày trước khi diễn ra triển lãm "Nét Xuân 2016", trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật có chương trình "Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết". Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa tham gia tổ chức, còn "nhân vật chính" của chương trình là tiến sĩ, họa sĩ Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Hà Nội).

Nhiều năm nghiên cứu mỹ thuật dân tộc, tiến sĩ Trang Thanh Hiền chưa bao giờ thôi đau đáu về số phận những dòng tranh dân gian. Thay vì “kêu ca”, chờ đợi những chính sách, chị bắt tay hành động, bằng cách đưa tranh dân gian đến với trẻ thơ. Trong ngày khám phá tranh Tết, các bạn nhỏ từ năm tuổi đến 14 tuổi được chính họa sĩ Trang Thanh Hiền giới thiệu, dạy cách phân biệt bốn dòng tranh lớn: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình. Sau đó, tự tay các em tìm hiểu việc in tranh bằng ván khắc gỗ, tô màu cho những bức tranh đã được các anh chị tình nguyện viên in nét sẵn. Đặc biệt hơn, các em được tự tay làm những tấm thiệp, những bao lì xì chuẩn bị cho dịp Tết Bính Thân, rồi in lên đó những hình đồ họa lấy cảm hứng từ tranh dân gian. "Mình thật sự ngạc nhiên. Dù không hợp tác với bất kỳ một trường học nào, các bậc phụ huynh chỉ đến với chương trình thông qua thông tin báo chí, vậy mà trong một ngày đã có gần 600 em nhỏ tham dự. 60 tình nguyện viên đã có một ngày làm việc cật lực để phục vụ các em trong niềm phấn khởi" - họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Để chuẩn bị chương trình, họa sĩ Trang Thanh Hiền đã họp các bạn trẻ lại và thông báo: "Chương trình sẽ tổ chức thu phí, sau đó, tất cả số tiền này được dùng để ủng hộ trẻ em nghèo ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Vậy ý các bạn thế nào?". Câu trả lời của các tình nguyện viên là sẵn sàng với bất cứ giá nào. Suốt một tháng trời ròng rã, họa sĩ Thanh Hiền cùng các bạn sinh viên tình nguyện đặt giấy dó, in nét hàng nghìn bức tranh; cùng các họa sĩ làm những hình khắc đồ họa khai thác những hình ảnh từ tranh dân gian... Việc làm này hướng tới ba mục tiêu: Giúp chính những bạn sinh viên tình nguyện hiểu thêm về tranh dân gian; giúp các em nhỏ và phụ huynh thêm yêu tranh; và có một khoản tiền nho nhỏ giúp trẻ em nghèo vùng cao.

Chương trình đã khép lại, nhưng họa sĩ Trang Thanh Hiền luôn nhận được những thông tin ấm áp. Nhiều em nhỏ vẫn giữ những tấm thiệp, bức tranh, bao lì xì có được từ chương trình "Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết" như một món quà nhiều ý nghĩa để đón Tết. Đây là chương trình thứ hai họa sĩ Trang Thanh Hiền giới thiệu mỹ thuật dân tộc đến các bé. Chị dự định làm nhiều chương trình trong tương lai, và như thế, tình yêu với những dòng tranh dân gian, rộng hơn là với mỹ thuật dân tộc đang được lan tỏa, ươm mầm...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước