Nhà báo Dương Bình Nguyên: “Tôi bình luận dưới góc nhìn của người nghe nhạc”

Ngọc Tuyết-Thứ bảy, ngày 23/07/2011 01:00 GMT+7

Không nhận mình là chuyên gia, nhà báo Dương Bình Nguyên coi lời bình luận của anh tại Bài hát Việt là góc nhìn của người quan tâm, yêu thích âm nhạc - với mong muốn cùng khán giả truyền hình cảm nhận, chia sẻ những cảm xúc trong mỗi liveshow của chương trình này.

Xin chào anh Bình Nguyên! Anh có thể cho biết lý do khiến anh nhận lời tham gia nhận xét, đánh giá các tác phẩm trong Bài hát Việt 2011? Cảm xúc của anh về lần đầu tiên tham gia BHV?

- Tôi hoàn toàn không có chủ định làm công việc này. Mọi thứ đến hoàn toàn bất ngờ. Tôi cũng suy nghĩ một chút rồi nhận lời. Thực tế, đây là công việc khó khăn, bởi nói sao cho đúng đã vất vả, còn nói hay nữa thì nhiều gian nan hơn. Đây không phải là chuyên môn của tôi. Trước giờ tôi cũng ít nói trước đám đông. Nhưng một chút gì đó, như là một sự liều lĩnh, một chút thích vượt qua thử thách, tôi đã quyết định tham gia ghi hình trực tiếp. Lúc đầu khá run nhưng rồi ổn định nhanh, vì mọi người làm việc rất nhiệt tình và vui. Đến giờ, sau 2 chương trình, tôi thấy công việc này khá thú vị.
Từ góc độ của một nhà báo, anh nhìn nhận thế nào về BHV và cái khó của một chuyên gia khi đánh gía các ca khúc?
- Nói chính xác, tôi không phải là một chuyên gia. Tôi nói dưới góc nhìn của một người nghe nhạc và một người quan tâm, theo dõi đến nhạc Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhìn từ thị trường, nhìn từ sự phát triển của âm nhạc hiện tại, để có những ý kiến riêng. Tôi muốn khẳng định, đây là những ý kiến của cá nhân tôi, dưới góc nhìn của tôi. Tôi không nhân danh ai khác để làm việc này.
Cái khó ở đây chính là làm sao để không bỏ quên một sáng tác mới với nhiều tìm tòi. Bởi vì đôi khi chúng ta nghe nhạc bằng đôi tai đầy cảm tính.
Anh nhận xét như thế nào về sự thay đổi trong format chương trình năm nay với việc bình luận sau mỗi ca khúc? Cũng như nhìn nhận lại cuộc hành trình của BHV 6 năm trước?
- Format này tôi nghĩ là phù hợp và gọn gàng. Nó không ép khán giả phải chạy theo chương trình, vì thế mỗi chương trình diễn ra và kết thúc trong đêm. Nó giống 1 show ca nhạc, nên dễ chịu hơn là một cuộc thi. Hội đồng nghệ thuật năm nay là một… sự thay máu. Một thế hệ nhạc sỹ trẻ và đều ít nhiều liên quan đến công việc sản xuất âm nhạc, gắn bó với thị trường âm nhạc là những người lựa chọn. Họ sẽ có những lựa chọn gần với đời sống âm nhạc hiện tại nhất. Bài hát Việt đi qua 6 năm, tôi thấy ít nhiều đã có công tìm kiếm được những ca khúc hay. Dẫu lúc trồi lúc sụt, nhưng cơ bản, tôi nghĩ sự tồn tại của nó sau 6 năm là một minh chứng về sự cần thiết và hiệu quả.
Công việc nhận xét các ca khúc trong BHV có điểm nào khác với làm giám khảo các cuộc thi khác không? Anh có thấy mình là một chuyên gia khó tính không?
- À, công việc của tôi không phải là giám khảo, mà là người bình luận thì chính xác hơn. Như một cách góp lời cùng khán giả truyền hình, để cùng cảm nhận và chia sẻ những cảm xúc mà âm nhạc đem tới trong 9 ca khúc của mỗi liveshow Bài hát Việt. Tôi là một người hơi khó tính và thẳng thắn trong nhận định. Điều này tôi nghĩ sẽ có người không thích. Nhưng thành thật vẫn là điều nên làm, vì chúng ta đều mong muốn có những bài hát hay có đời sống lâu bền trong lòng mình. Nói hoa mỹ thì là vì yêu nên mới khó khăn (cười).
Đến với BHV 2011, anh ấn tượng và thích thú ca khúc nào nhất?
-“Phai mờ” của Nguyễn Vĩnh Tiến. Phần ca từ hay và phần phối khí đầy ma mị.
Trong BHV tháng 7, khán giả bất ngờ với sự lệch “gu” giữa chuyên gia với Hội đồng thẩm định về giải thưởng cao nhất trong liveshow. Vậy anh có thể cho biết lý do tại sao?
- Điều đó là bình thường. Tôi vẫn tin là hội đồng thẩm định có đủ lý do để quyết định như vậy. Việc một ca khúc được giải và một ca khúc được yêu thích nhiều khi không đồng nhất. Thêm vào đó, chúng tôi có những cảm nhận riêng của những người nghe nhạc, nó có thể nằm ngoài những yếu tố về khúc thức, về tiêu chí cũng như những yêu cầu khắt khe cần có ở một ca khúc mới. Đôi khi giống như chúng ta gặp được vài người đẹp và chúng ta sẽ chỉ được chọn một, cuối cùng thì có thể có hai lựa chọn khác nhau. Còn nếu chỉ có một người đẹp trong đám đông đó, thì tôi chắc chắn sẽ có chung một lựa chọn.
Trong những liveshow tới, theo anh làm thế nào để có sự đồng nhất về giải thưởng khiến công chúng thấy giải thưởng thật sự thuyết phục?
- Tôi nghĩ là chúng ta đang đi đãi cát tìm vàng. Việc không đồng nhất không có nghĩa giải thưởng không thuyết phục. Phải chấp nhận những ý kiến khác với mình, thì giải thưởng mới phát triển được.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước