Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Yêu thơ đến chết và yêu điện ảnh đến… phát mệt”

Nguyễn Văn Quân-Thứ ba, ngày 25/03/2014 20:10 GMT+7

Hoàng Nhuận Cầm hẹn tôi ở một quán cóc ngay vỉa hè phố Tăng Bạt Hổ nhộn nhịp người qua lại. Vẫn dáng người gầy gầy, túi xách đeo lủng lẳng bên cạnh, anh lúc ấy giống một bác lái xe chở khách hơn là một thi sĩ nổi tiếng...

Nhưng Cầm bảo anh thấy vui vì điều này. Bởi lúc ấy, anh được lẫn vào giới cần lao, được lắng nghe nhịp đập bộn bề của cuộc sống thường nhật. Rồi Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ, những câu thơ đã trong trẻo, đầy xúc cảm vút bay lên thăm thẳm trời…

‘ Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (trái) và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Đã lâu rồi mọi người không thấy anh làm thơ? Hay nói đúng hơn, đã lâu rồi mọi người không được đọc thơ anh in trên các báo?

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (NT HNC): Đúng là thời gian gần đây tôi không in thơ trên báo còn việc sáng tác thì tôi vẫn làm âm thầm. Thơ, với tôi như hơi thở đã ngấm vào máu, không bỏ được. Tới đây tôi dự định sẽ in một tập thơ mới với tên gọi “Nỗi buồn để sống”. Đó là tập hợp 30 bài thơ mới nhất của tôi thời gian gần đây.

Hơn 40 năm cầm bút, anh nhận thấy khi sáng tạo một tác phẩm điều gì là quan trọng nhất với mình: ngôn ngữ, nhạc tính, hình ảnh, tứ thơ hay chủ đề?

NT HNC: Tất cả những ý bạn nói với tôi đều rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, với tôi một tác phẩm viết ra, bao trùm quanh những yếu tố đó phải là sự rung động, phải là cảm xúc thật của mình. Và cho đến bây giờ, tâm hồn tôi vẫn rung lên những xúc cảm khi cầm bút viết những câu thơ đầu tiên. Với tôi, mỗi bài thơ đều có những số phận riêng của nó. Có bài viết rất nhanh có bài lại mất một thời gian dài tôi mới hoàn thiện được. Thơ ca xét cho cùng, như tình yêu ấy, khi gọi lại không đến, khi đến có đuổi cũng không chạy.

Thơ anh, từ lâu rồi tôi luôn thấy sự trong trẻo thánh thiện của một thời tuổi trẻ. Xin anh đừng hiểu nhầm khi tôi cũng có cảm giác, đọc nó, như ta được uống một cốc xi rô, một cốc hoa quả dầm giữa mùa hè nóng nực…Nhưng xét cho cùng thì đó cũng chỉ là cốc nước giải khát thôi, và cũng chỉ lớp trẻ, mới thích thú những đồ uống ấy…?

NT HNC: Tôi hiểu ý bạn. Điều ấy cũng tốt thôi. Nhưng cũng có người đã nói với tôi rằng, đọc thơ tôi, họ lại cảm thấy gần gũi và thân thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Chính vì vậy mà nó tùy thuộc vào cảm nhận và “gu” của mỗi người thôi. Còn bản thân tôi thì mỗi bài thơ là mỗi lát cắt của cuộc đời. Nó được tái hiện lại một cách rất thật thà về con người và tính cách của tôi. Đó đều là những câu thơ rút ruột mà ra

Nhưng hình như vẫn có sự khác biệt trong nhận thức về thơ trong suốt chặng đường thơ của anh. Tôi lấy vị dụ, thời trai trẻ, Hoàng Nhuận Cầm hồn nhiên và trong trẻo nhận thấy: “Đêm Trường Sơn ngôi sao như trong hơn/Cầm lại đi, lại đi… thôi chào nhé/Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé/Thay việc bắt ve, ta lung bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu.” Nhưng sau này, có lần anh lại thừa nhận: “Câu thơ cũ có gì không thực nữa/Chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi” hay “mùa xuân ấy dưới màu hoa rất đỏ/anh xếp ba lô lặng lẽ đốt thơ mình…”

NT HNC: Thơ là hơi thở của mình nhưng tôi vẫn ý thức rằng phải luôn cố gắng để vượt lên chính mình. Hôm trước nhà văn Đỗ Chu bảo với tôi, thơ Cầm ngày càng già dặn, sự già dặn của trải nghiệm. Nhưng bóc lớp vỏ bên ngoài ra, trong đó vẫn là sự xanh tươi muôn đời của cảm xúc, của đôi mắt nhìn cuộc sống. Tôi cũng cảm nhận được điều ấy và coi đó như một thế mạnh mà mình sẽ không bao giờ bỏ. Dù ở tuổi nào và có làm về đề tài gì thì tôi vẫn cố gắng sự cho mình sự trong trẻo, tươi mới như thời trai trẻ tôi đã làm. Tôi coi đó như bản sắc riêng của mỗi người viết.

‘ Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Dù không in nhiều thơ trên báo nhưng anh vẫn âm thầm sáng tác. Xin được hỏi, anh có lúc nào có cảm giác hụt hơi, cảm giác “đuối” với thời kỳ hoàng kim của mình không. Bởi đúng là có một thời, Hoàng Nhuận Cầm đã là một hiện tượng, với rất nhiều tác phẩm hay được mọi người đọc và nhớ?

NT HNC: Đó cũng chính là lí do tôi ít đăng thơ mình. Tôi muốn phải có sự thẩm định, sự lắng đọng nên viết ra rồi, tôi thường để một thời gian, mình đọc lại, rồi đọc cho bạn bè nghe xem phản ứng ra sao. Nhưng tôi không nặng nề đến mức đặt ra một cuộc thi cho những tác phẩm của mình. Mỗi bài thơ đều như những mảnh đời của mình và vì thế, mỗi bài đều có những ý nghĩa và gía trị như nhau. Còn hay dở thế nào cứ để mọi người thẩm định.

Hơn 10 năm gắn bó với truyền hình. Mọi người vẫn hỏi dạo này Hoàng Nhuận Cầm làm gì mà chẳng “bén duyên” với truyền hình nữa?

NT HNC: Truyền hình với tôi là một người bạn rất thân thiết. Bạn cũ như rượu cũ. Vì vậy mà tôi muốn mỗi lần gặp nhau phải có sự tươi mới, sự hấp dẫn mà mình dành cho bạn của mình. Và một cá nhận bé nhỏ như mình, phải có ý thức cố gắng đóng góp cho truyền hình những gì độc đáo hấp dẫn nhất. Thời gian tới bạn sẽ thấy, tôi đang xây dựng rất nhiều kế hoạch với truyền hình.

Vậy làm một nhà thơ và một nhà biên kịch. Anh muốn gọi mình với danh xưng nào?

NT HNC (cười): Đừng bắt tôi chọn thì tốt hơn. Tôi đã từng viết trong cuốn Kỷ yếu nhà văn và cũng coi đó như quan điểm của riêng mình là: “Tôi yêu thơ đến chết và yêu điện ảnh đến… phát mệt.” Nếu đã như vậy rồi thì chắc mọi người sẽ thông cảm mà không bắt tôi phải lựa chọn nữa đâu nhỉ?

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước