“Nhật ký chuyên Văn” - Những vui buồn mong manh thuở học trò

Lê Phạm Hùng-Thứ hai, ngày 15/06/2015 17:39 GMT+7

VTV.vn - Trong cuốn “Nhật ký chuyên Văn”, không có áp lực trường chuyên lớp chọn, những cuộc đua thành tích giữa các bậc phụ huynh và thầy cô.

Đọc Nhật ký chuyên Văn, bạn sẽ gặp lại những buồn vui muôn thuở của tuổi học trò. Đó là nỗi sợ học bài, sợ điểm kém, nhất là đối với những học sinh lớp chuyên, ít nhiều học “lệch”. Bởi vậy, những giờ Toán luôn là nỗi khiếp sợ với lũ học trò chuyên Văn.

Tác phẩm khiến người đọc thấy đáng yêu, đáng khen vì trò không đổ lỗi cho thầy và còn lập luận thật logic, chặt chẽ. Những học sinh ấy còn biết tự vấn lương tâm mình rồi cố gắng vươn lên: "Bài kiểm tra địa hôm nay mình làm quá tồi. Tại Nước mắt người giàu (tên một bộ phim truyền hình nhiều tập đang chiếu trên tivi lúc đó thu hút người xem) hay tại mình lười? Có lẽ lười chiếm 95%, còn do phim thì...”.

Tác phẩm Nhật ký chuyên Văn.

Tác phẩm "Nhật ký chuyên Văn"

Mặc dù vậy, chưa bao giờ việc học tập trở thành một gánh nặng đối với lũ học trò. Với các "công dân Ams" ngày ấy, ba năm dưới mái trường tựa như một cuộc dạo chơi… Không có những buổi học thêm hết ngày dài đến đêm thâu như của học sinh thời nay. Trái lại, niềm vui học trò luôn ngập tràn trên từng trang nhật ký. Không chỉ trong những chuyến đi chơi xa giúp khám phá thế giới xung quanh, không chỉ trong những hoạt động tập thể giúp hiểu hơn bạn bè xung quanh, yêu hơn trường, lớp..., niềm vui ấy còn được biểu hiện qua những bức ảnh chụp, những hình vẽ kèm theo vô số lời bình, những bài thơ chế, thơ "con cóc" kiểu như thế này: Mười Văn đã có những ai/Hai mươi sáu đứa, ba trai thôi mà/Hai ba "công chúa” tinh ma/Đúng là nhất quỷ... thứ ba học trò/Mười Văn có lắm cái lo/Lo chơi bóng rổ, lo cho học hành/Lo sao thân được yên lành/Mỗi khi cô gọi lòng thành tụng kinh/Mong sao không phải tên mình/Rơi vào tầm mắt "oan tình" của cô/- Bọn ấy ơi, giúp với nào/Kỹ thuật chưa thuộc làm sao bây giờ?...

Nhiều đoạn nhật ký được viết rất hài hước mà phải rất lâu sau, khi đọc lại, những người thầy mới nhận ra rằng đó là một tố chất rất đáng quý ở lớp trẻ. Đó là sản phẩm của trí óc khoẻ mạnh, giàu sáng tạo mà những người làm công tác giáo dục cần phải biết nâng niu, trân trọng. Và học sinh cần phải được giáo dục để phát triển bản tính thiên phú ấy. Tiếc là nhiều giáo viên đã không quan tâm đúng mức đến khía cạnh này trong việc giúp hình thành nhân cách cho học trò. Sự nghiêm khắc một cách cứng nhắc, bệnh thích thành tích chỉ lo nhồi nhét kiến thức, bệnh hình thức đôi khi trở thành giả dối đã biến chốn học đường với những tháng năm tuổi trẻ thần tiên trở thành một nơi nhàm chán, nặng nề, tước đi của lũ trẻ niềm vui được đến lớp mỗi ngày.

Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thấy rất thú vị, thậm chí không nén được cười khi bắt gặp những nhận xét hóm hỉnh, tinh tế của lũ học trò về thầy, cô giáo của mình.

Trong đó có đoạn miêu tả cô giáo dạy Lý: "Từ khi cô có đầu mới, người làm đầu hình như làm cho cô biến đổi cả tính tình. Cô trở nên khó ghê, chấm bài rất đắt. Mình thấy có một cái gì đó giận dỗi mà cô không nói ra được nên tự nhiên thấy thương thương... Nhưng dù sao mình vẫn quý cô nhất, không thể quên được giọng nói thánh thót của cô và bao nhiêu là áo mới mỗi ngày nữa".

Còn đoạn miêu tả thầy giáo dạy Toán: "Ông già tốt bụng ở trên giảng bài, còn trò ở dưới làm việc của trò. Thầy gọi thì cũng cố ấp úng được mấy câu. Nhưng thầy vẫn hết ý, chấm bài toàn cộng thừa đến hai điểm, mà lúc nào thấy lớp mất trật tự hay có gì bối rối, thầy lại lấy phấn chấm chấm lên bảng hay lên mặt bàn. Sau giờ của thầy, mặt bàn giáo viên chi chít những chấm trắng”.

Nhân vật cô giáo dạy Lý và thầy giáo dạy Toán được miêu tả trong tác phẩm.

Nhân vật cô giáo dạy Lý và nhân vật ông thầy trong cuốn "Nhật ký chuyên Văn"

Những vui buồn mong manh một thuở học trò không theo gió bay đi mà được lưu lại trong cuốn Nhật Ký chuyên Văn cho những thế hệ mai sau với rất nhiều tin yêu và một chút mong đợi ngậm ngùi.

Khi cuốn Nhật ký chuyên Văn được in thành sách, có nhiều bạn học sinh đã bày tỏ với tôi sự tiếc nuối trong tuyệt vọng: "Lớp em ngày đó cũng viết nhật ký, bao nhiêu chuyện hay trong đó mà giờ không biết mất đâu rồi". Tôi nhớ, ngày đó một tập giấy năm hào hai, đóng bìa cứng, cùng một bài thơ ghi ngay trang đầu vào ngày khai giảng với lời nhắn nhủ: "Thầy gửi lớp để mọi người viết nhật ký ghi lại những chuyện của lớp mình". Nhưng chỉ duy nhất có khoá học sinh ấy là đi hết được chặng hành trình dài của tuổi hoa niên. Cũng chỉ duy nhất có khoá học sinh ấy là giữ lại được những trang giấy kín đặc chữ, nay nhiều chỗ đã ố vàng...

(Tác giả Lê Phạm Hùng - Nhân vật ông thầy trong cuốn "Nhật ký chuyên Văn")

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước