NSND Nguyễn Hữu Phần: Phim truyền hình tại Cánh diều 2016 phong phú nhưng chưa thực sự sôi nổi

Thùy Hương-Thứ năm, ngày 06/04/2017 12:09 GMT+7

Một cảnh trong "Chiều ngang qua phố cũ" - phim truyền hình tranh giải Cánh diều 2016

VTV.vn - Chia sẻ với VTV News, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng số lượng phim tham gia Cánh diều 2016 tương đối lớn song không thật sự sôi động về mặt đề tài.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần - Trưởng BGK hạng mục phim truyền hình của Cánh diều 2016 - cho biết năm nay, các phim truyền hình dường như không thực sự sôi động như mọi năm, tuy nhiên, số phim dự thi không giảm sút. Vẫn như mọi năm, giải Cánh diều năm nay có sự tham gia của hai đơn vị mạnh là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài THVN và Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS). Ngoài ra, hạng mục phim truyền hình năm nay có sự tham dự của nhiều đài địa phương nên số lượng phim cũng khá phong phú.

Theo tiết lộ của NSND Nguyễn Hữu Phần, giải Cánh diều 2016 thu hút khoảng 30 bộ phim truyền hình tham dự, trong đó có 5 - 6 bộ phim 1 tập. Hội đồng chấm giải đã phải chấm đến 530 tập phim trong 1,5 tháng.

NSND Nguyễn Hữu Phần: Phim truyền hình tại Cánh diều 2016 phong phú nhưng chưa thực sự sôi nổi - Ảnh 1.

Ở mảng phim chính luận, Lựa chọn cuối cùng là một trong số những bộ phim nổi bật tham dự Cánh diều 2016

Ông chia sẻ, năm nay, những bộ phim chính luận về đề tài nông thôn hầu như không có. Ngay cả những bộ phim về đề tài này ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ nói về câu chuyện, mảnh đời của các nhân vật, chưa phản ánh được vấn đề của địa phương, của đất nước. Tuy thiếu vắng những bộ phim đề tài nông thôn nhưng dòng phim chính luận vẫn có một số gương mặt đại diện như Lựa chọn cuối cùng đề cập trực diện, không lảng tránh những vấn đề gai góc, nhạy cảm về lợi ích nhóm quan chức - doanh nghiệp, phim Nguyệt thực nói về cuộc đấu tranh của các nhà báo giữa làm báo để câu khách hay làm báo để thực sự phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần nhận định: "Có một thực tế là những năm gần đây, phim truyền hình buộc phải đạt chỉ tiêu về quảng cáo. Chính vì vậy, những nhà làm phim cũng chạy theo xu hướng câu khách, làm nhiều phim về đề tài thanh thiếu nhiên thật vui tươi hoặc làm về đề tài hành động, điều tra vụ án".

Ông nhận thấy năm nay, mảng phim hành động về đề tài xã hội đen rất được các nhà làm phim ưa chuộng. Tuy nhiên, thay vì cách làm nội dung như Cảnh sát hình sự thì những bộ phim về đề tài này dự thi Cánh diều năm nay lại chỉ đơn thuần xoay quanh những tên xã hội đen cộm cán, những mối thù trong thế giới ngầm. Có thể thấy một chút bóng dáng của những tác phẩm Hong Kong, Đài Loan trong những bộ phim này. Ngoài ra, để câu khách, các nhà làm phim đã cho vào phim nhiều cảnh đấm đá hơi thô bạo.

"Không như phim điện ảnh quy định về độ tuổi xem phim, phim truyền hình Việt được chiếu cho toàn dân cùng xem. Bởi vậy, việc khai thác quá sâu vào tội ác, những cảnh hành động đẫm máu hoặc các cảnh nóng trong phim truyền hình nếu không được kiểm duyệt nghiêm ngặt sẽ gây ra sự phản cảm, khó xử đối với những gia đình có trẻ con xem phim cùng người lớn", vị đạo diễn gạo cội nhận xét.

NSND Nguyễn Hữu Phần: Phim truyền hình tại Cánh diều 2016 phong phú nhưng chưa thực sự sôi nổi - Ảnh 2.

Không chỉ gây tiếng vang lớn trên sóng truyền hình năm 2016, Zippo, Mù tạt và Em còn được Hội đồng giám khảo Cánh diều 2016 đánh giá cao

Bên cạnh chính luận và hành động, năm nay có sự góp mặt của một số phim đề tài xã hội có tính biểu tượng rõ rệt, điển hình là Zippo, Mù tạt và Em. Bộ phim đặt ra vấn đề về tình yêu, lối sống, cách nghĩ của lớp trẻ và khiến khán giả thực sự phải suy nghĩ. Hoặc bộ phim Chiều ngang qua phố cũ lấy bối cảnh ngôi nhà của một gia đình Hà Nội gốc. Những mâu thuẫn xung quanh việc bán nhà của những người con trong gia đình được xem là một vấn đề mang tính biểu tượng cho sự đổ vỡ về đạo đức, văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện nay. Những bộ phim này tuy đi xoáy sâu vào mỗi cá nhân, mỗi gia đình nhưng lại có tính khái quát đối với một vấn đề xã hội.

Nhận xét về các tác phẩm phim truyền hình năm nay, NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng các nhà làm phim đã quá làm dụng việc hồi tưởng. Ông cho rằng đây là một cách để "bôi dài" thời lượng phim, phục vụ cho mục đích quảng cáo. Việc này khiến nội dung phim trở nên dài dòng, rời rạc và không thực sự lôi cuốn khán giả. Một điểm khác mà ông chú ý trong những tác phẩm dự thi năm nay đó là việc các diễn viên thường nói ra mồm những hành động mà họ dự định sẽ thực hiện. NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng các đạo diễn đã lười, không chịu tìm ra cách diễn cho diễn viên. Thay vì chỉ cho họ cách diễn để người xem có thể hiểu rằng nhân vật đang nghĩ gì, muốn làm gì thì đạo diễn lại bê nguyên câu thoại để diễn viên chỉ việc đọc.

Cũng theo chia sẻ của đạo diễn phim Ma làng, một nét mới trong cơ cấu giải thưởng Cánh diều năm nay là có thêm hạng mục dành cho quay phim xuất sắc. "Năm nay, Hội đồng giám khảo thấy rằng quay phim truyền hình là một công trình công phu, đòi hỏi thời gian làm việc khá dài, phải đi tìm tòi những cảnh quay, góc máy mới. Bởi vậy, nếu không vinh danh những người quay phim thì quả thực vô lý. Thực tế, có rất nhiều bộ phim thành công nhờ người quay phim tạo ra hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, gây xúc động cho khán giả", ông cho biết.

Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ diễn ra vào ngày 7/4 tại TP.HCM. Toàn bộ thông tin và hình ảnh về sự kiện sẽ được VTV News liên tục cập nhật trong những ngày tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước