Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến: “Phố thị” có thể sẽ là Bài hát của năm

Như Quỳnh-Thứ sáu, ngày 22/01/2010 14:37 GMT+7

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến, “cha đẻ” của “Phố thị” – ca khúc lọt vào đêm chung kết năm Bài hát Việt 2009, đã làm tôi khá bất ngờ khi không ngần ngại dự đoán “Phố thị” có thể sẽ được giải Bài hát của năm.

"PHỐ THỊ " CÓ THỂ LÀ BÀI HÁT CỦA NĂM

Theo đánh giá của cá nhân anh, “đứa con đẻ” “Phố thị” đứng ở vị trí nào trong 15 ca khúc lọt vào chung kết?

Đã là con đẻ của mình thì người cha nào chẳng bênh vực. “Phố thị “ mang phong cách nhạc Electronic pha lẫn một chút Trip-Hop được nhạc sỹ Hồng Kiên phối khí dựa trên tiết tấu của Trống điện tử và khai thác các hiệu ứng âm thanh khá đặc biệt (giống như tiếng tàu chạy trong màn đêm trung du), về giai điệu có phảng phất một chút dân gian.

Nội dung ca khúc nói về một hiện thực trộn lẫn với quá khứ, đó là dáng vẻ và màu sắc u buồn của những thị xã vắng ở lại đằng sau lưng những đoàn người di cư đổ về theo lực hút của những “nam châm”-Đô thị lớn.

Với ý nghĩa như vậy, tôi cũng có cơ sở để tự tin để hy vọng “Phố thị” được giải Bài hát của năm (cười).

Ngoài những yếu tố trên liệu anh còn có “bí mật” nào khác để “tự tin” như vậy vì nhiều người cho rằng chất lượng chung của các ca khúc năm nay không cao và đã bỏ phiếu trắng?

Về mặt ca sỹ thể hiện, tôi hoàn toàn tin tưởng vào giải nhất sao mai 2005-Vương Dung, đó là một ca sỹ có khả năng làm nên chuyện.

Còn việc bỏ phiếu cho ca khúc của năm, tôi sẽ chẳng bao giờ bỏ phiếu trắng cả. “So bó đũa chọn cột cờ”, bao giờ cũng có một bài nào đó về âm nhạc và ca từ là xuất sắc nhất. Thậm chí có thể có hai giải bài hát của năm nếu có hai bài ngang sức ngang tài, thậm chí là ba giải… càng vui chứ sao. Bỏ phiếu trắng thì e rằng hơi buồn!

Tự tin quá lại thành tự kiêu… Anh không sợ người ta cười cho à?

Cười thì vui chứ sao! (cười) Tôi tự tin thôi chứ đâu có tự kiêu. Thật ra, khi biết tin “Phố thị” lọt vào chung kết tôi khá bất ngờ. Vì trong hai ca khúc của tôi gửi tham dự Bài hát Việt, tôi đánh giá cao ca khúc “A nhờ anh” hơn. Trong “A nhờ anh”, tôi gửi gắm những sáng tạo rất mới về ngôn từ cũng như giai điệu.

Tuy nhiên như nhạc sĩ Nguyễn Cường nói, mỗi ca khúc có cái duyên của nó, có những ca khúc mà nhạc sĩ rất tâm đắc, rất hài lòng , thậm chí được Hội đồng thẩm định đánh giá cao nhưng ở thời điểm xuất hiện tác phẩm chưa chắc công chúng đã thích, do vậy khó được phổ biến rộng rãi . Đấy có lẽ tại duyên chưa tới...

Riêng bản thân tôi thì tôi yêu và hài lòng với tất cả những bài hát của mình và chờ cái duyên đến với từng tác phẩm!

Nhưng tự sáng tác, tự hài lòng và tự thấy sản phẩm của mình đứng cao hơn mọi người cũng đồng nghĩa với việc tự tiêu diệt sự phát triển...

Đâu có chuyện tự cho tác phẩm của mình hơn người khác theo kiểu “văn mình- vợ người ”. Đối với những ca khúc khác trong tất cả các live shows của Bài Hát Việt, tôi đều nghiêm túc lắng nghe, vừa cảm nhận, vừa học hỏi.

Với tôi, mỗi bài hát là một tác phẩm nghệ thuật. Mà, đã là tác phẩm nghệ thuật thì nó phải được làm kỹ nhất, hay nhất trong điều kiện có thể để làm rõ thông điệp nó muốn gửi, phương pháp nghệ thuật mà nó sử dụng và bút pháp mà mà ca khúc đó thể hiện. Đã cố gắng chăm chút đến từng tác phẩm thì ai mà chẳng mong nó gặt hái được những thành công. Nếu khiêm tốn giả vờ thì còn đáng ghét hơn là sự tự tin và sự tự hiểu mình.

Mỗi ca khúc là một đáp số tối ưu nhất trong sự lựa chọn của mình ở thời điểm đó và sau khi mình viết xong mình hoàn toàn không có gì ân hận... Đó chính là lý do tôi trân trọng từng ca khúc mình viết, và tất nhiên, cũng rất trân trọng những ca khúc hay người khác viết.

Thế nếu “Phố thị” không đạt được như điều anh tự tin thì sao?

Có sao đâu? Người Anh có câu ngạn ngữ rất đáng để suy ngẫm: “Bạn hãy cẩn trọng với những ước mơ vì rất có thể nó trở thành hiện thực”. Điều quan trọng nhất là ca khúc sẽ tồn tại trong trí nhớ của người nghe chứ không phải trong chiếc cúp giải thưởng.

Ngoài "đứa con đẻ" của mình, trong 14 ca khúc còn lại, anh đánh giá cao những tác phẩm nào?

Năm nay, tôi thích ca khúc “Bâng khuâng” của Sơn Thạch và “Bát cơm mẹ” của Huy Trực. “Bâng khuâng” có giai điệu rất đẹp và ca từ trong sáng, cộng với giọng hát sáng và trong của Ngọc Anh. “Bát cơm mẹ” lại có giai điệu rất hiện đại và ca từ thì gắn liền với những hình ảnh đẹp và rất Việt nam như cây Vông... rồi ngày lễ Vu Lan... Từ hình ảnh” bát cơm mẹ” mà Huy Trực đã vẽ nên một “bức tranh” phong phú cộng với phần phối khí tuyệt vời của Thanh Tâm.

Thực ra, trong các cuộc thi, ai cũng biết, đó là có những ca khúc đạt giải rất cao nhưng mà không sống được trong lòng công chúng vì nó quá khô khan và quá lý tính trong khi nghệ thuật phải gắn liền với cảm xúc.

Có thể tôi thiên về cảm xúc nhiều hơn! Cảm nhận về âm nhạc và liên hệ giữa âm nhạc và cuộc đời sẽ có nhiều cái thú vị hơn nếu nó được gạch nối bằng cảm xúc. Tôi nghĩ vậy.

"DUYÊN" GIỮA TÔI VÀ NHẠC SĨ GIÁNG SON ĐANG ĐI CHƠI...

Trước đây, cũng trên sân khấu BHV, sự kết hợp giữa anh và nhạc sĩ Giáng Son đã từng đưa đến những tác phẩm có sức sống trong lòng công chúng như “Giấc mơ trưa” hay “Chút nắng vàng bay”. Nhưng vài năm trở lại đây, anh luôn xuất hiện độc lập - tự viết lời và tự phổ nhạc. Tại sao vậy?

Trong Phật giáo có nói khi nào duyên tới thì nó sẽ tới khi nào cái duyên đi thì nó sẽ đi…Sự hợp tác cũng vậy thôi...

Điều đó có nghĩa là anh và nhạc sĩ Giáng Son “cạn” duyên?

Duyên không bao giờ hết, nó chỉ di chuyển từ thời điểm này qua thời điểm khác… Hiện tại, cái duyên giữa tôi và Giáng Son nó đang đi chơi một tí…(cười)

Do tự bản thân anh giãn ra, do Nhạc sĩ Giáng Son hay do cả hai bên?

Duyên là do trời định mà nhân định thì khó thắng thiên định lắm!

Thế mà có người nói là do anh tham quá đấy, muốn ôm hết...

Sáng tạo nghệ thuật thì vô cùng lắm nên mình đã làm được việc này thì lại mong làm được việc khác nữa, Không thể dừng mãi ở một con đường, không thể dừng mãi ở một mô típ, cũng không thể loay hoay mãi trong những bữa tiệc tùng giải thưởng...

Rồi tôi cũng sẽ cần một thời gian lắng đọng để tiếp tục ... quá trình dừng lại đó để nạp thêm kiến thức, vốn sống… Làm sao viết hay mãi được!

Vậy anh nghĩ sao về ý kiến: lời bài hát nào của anh mà được Nhạc sĩ Giáng Son “sờ” vào là khác ngay...

Tôi nghĩ ngược lại, giai điệu nào của Giáng Son mà tôi “sờ” vào thì nó sẽ hay hơn thì mới đúng hơn…

Mà Giáng Son lấy chồng rồi thì còn bàn làm gì nữa đúng không?! (cười).

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước