Tâm linh và Tâm tiền

VTV ONLINE-Chủ nhật, ngày 09/02/2014 06:00 GMT+7

"Chúng ta can thiệp vào các lễ hội của dân gian quá sâu làm cho các lễ hội bị biến tướng" - nhà nghiên cứu Văn hóa dân tộc Đặng Hoành Loan nói trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật.

Sau Tết là đến mùa của lễ hội. Những lễ hội tín ngưỡng dân gian, những lễ hội văn hóa sẽ được tổ chức ở khắp nơi trong năm mới. Tuy nhiên, bên cạnh những nét văn hoá, những cái hay của lễ hội thì những câu chuyện bên lề của lễ hội - câu chuyện về những người tổ chức, ý thức của những người tham gia - luôn là những câu chuyện dài, không còn mới, đã và vẫn luôn được đề cập trong nhiều năm qua. Tất cả những người làm văn hóa đều quan tâm về nó – về tác dụng, về hiệu quả của nó với đời sống tinh thần... và đây cũng chính là chủ đề của chương trình Văn hoá, Sự kiện & Nhân vật số mới nhất.

Vậy, lý do dẫn đến những vấn đề bên lề gây nhức nhối trong mỗi mùa lễ hội là do đâu? Nó nằm ở sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng hay lòng tham và sự cuồng tín của con người?

Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này, ông Đặng Hoành Loan - chuyên gia nghiên cứu Văn hoá dân tộc - nói: "Chúng ta nên trở lại quá khứ một chút để có một cái nhìn từ xưa đến nay, về những chuyển dịch vị trí của các lễ hội. Lễ hội thời xưa không có sự quản lý của nhà nước mà các lễ hội ấy là các lễ hội của các chủ thể văn hóa sinh ra việc làm lễ ấy, sinh ra tín ngưỡng ấy. Chủ thể văn hóa ấy sẽ nghĩ xem phải làm thế nào để tôn vinh được tín ngưỡng của người ta, vị thần của người ta chứ không phải vị thần ấy là của mọi người".

"Thời Minh Mạng, ông quy định rất rõ ở đền Hùng có bao nhiêu người phục dịch lễ, làng nào chịu trách nhiệm về lễ ấy... chứ không phải cả nước phải tham gia vào đấy. Như vậy, chủ thể văn hóa họ tự làm và điều đó rất quan trọng trong việc ổn định văn hóa và không có sự can thiệp khác là phải mở rộng nó ra… Nhưng ngày nay, có một điều nguy hiểm là chúng ta can thiệp vào các lễ hội của dân gian quá sâu làm cho các lễ hội bị biến tướng".

"Có một điều quan trọng mà Unesco đã cảnh báo, đó là phải coi trọng chủ thể văn hóa. Chúng ta có một nhầm lẫn là chúng ta nghĩ cái gì chúng ta cũng có thể quản lý được. Chúng ta quản lý là phải quản lý theo luật nhưng có những việc nằm ngoài luật, như những tập tục văn hóa là những việc nằm ngoài luật, làm sao chúng ta quản lý tập tục ấy được? Chúng ta quản lý tất cả và chúng ta phân cấp quản lý và khi phân cấp quản lý sẽ sinh ra hiện tượng cát cứ trong phân cấp, thành thử ra các địa phương thấy quyền của mình rất to, thu lại lợi nhuận rất lớn và như vậy họ tự phát triển, họ đưa hàng quán vào và mục đích là để thu lại tiền".

"Việc cát cứ đấy cũng sinh ra một sự nguy hiểm thứ hai, đó là người ta không còn tâm linh thật nữa mà bị biến thái thành tâm tiền. Mà khi đã là tâm tiền thì không còn gì nữa".

Bạn có thể tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan và những vấn đề liên quan đến văn hoá, lễ hội trong video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước