Thi Hoa hậu, Hoa khôi: Vì sao những cuộc thi "danh chính ngôn thuận" vẫn hot?

PV-Thứ ba, ngày 24/10/2017 14:26 GMT+7

Các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Đại dương tham gia các hoạt động cộng đồng

VTV.vn - Cuộc hội thảo "mổ xẻ" những đóng góp tích cực cũng như tồn tại của các cuộc thi sắc đẹp tổ chức thời gian qua vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Tuần qua, tại Đà Nẵng, Cục Nghệ thuật & Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) đã tổ chức hội thảo với chủ đề: "Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay".

Cuộc hội thảo đã "mổ xẻ" những đóng góp tích cực cũng như tồn tại của các cuộc thi sắc đẹp tổ chức thời gian qua.

Vàng thau lẫn lộn

Thi người đẹp, người mẫu là hoạt động văn hoá nhằm tuyển chọn thí sinh có vẻ đẹp về tâm hồn, nhân cách, lối sống cũng như việc rèn luyện thể chất, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh.

Trong đó, hoạt động thi người đẹp (cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi) mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trên tất cả phương diện đức - trí - thể - mỹ qua đó góp phần định hướng đạo đức, thẩm mỹ cho giới trẻ và xã hội, hoạt động này đã góp phần tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và lựa chọn đại diện tham dự các cuộc thi người đẹp thế giới.

Thi Hoa hậu, Hoa khôi: Vì sao những cuộc thi danh chính ngôn thuận vẫn hot? - Ảnh 1.

Hoạt động thi người đẹp (cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi) mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trên tất cả phương diện đức - trí - thể - mỹ

Trong những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế, hoạt động thi người đẹp, người mẫu còn đóng vai trò trong việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, quảng bá sâu rộng tiềm năng văn hóa, tiềm năng du lịch, truyền thống lịch sử, đất nước, cũng như cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật & Biểu diễn – cũng thẳng thắn nhận định thực tế cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp có quy mô khu vực, toàn quốc không có giấy phép.

"Mặc dù đây là những cuộc thi không được đưa tin rộng rãi, các khâu tổ chức kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp, không chặt chẽ nhưng đã tạo cơ hội cho một số cá nhân được trao danh hiệu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (mà dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua). Việc làm này ảnh hưởng đến những cá nhân được trao danh hiệu "Hoa hậu, hoa khôi…" đúng quy định pháp luật, có hoạt động nghề nghiệp chân chính" – ông Tuấn thẳng thắn.

"Ngoài ra, những năm gần đây, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã liên kết với một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để tổ chức các đêm thi hoa hậu, nữ hoàng, người đẹp… sau đó nhận tiền để đưa các cá nhân là công dân Việt Nam sang tham dự, trao giải thưởng và gắn danh hiệu Hoa hậu, Nữ hoàng… Những cá nhân này khi về nước sẽ thực hiện các hành vi tạo dư luận để được nổi tiếng để thực hiện các mục đích riêng" – ông Tuấn nói thêm.

Đại diện Cục Nghệ thuật & Biểu diễn cũng khẳng định, đối với các trường hợp trên, các cá nhân dự thi các cuộc thi sắc đẹp vi phạm quy định pháp luật nên danh hiệu được trao trong các cuộc thi này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam nhưng một số cơ quan báo chí, truyền thông vẫn đưa tin và gắn những danh hiệu do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà có.

Vị thế của những cuộc thi cấp quốc gia

Vì những bất cập nêu trên, ông Hoàng Minh Thái – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) nêu rõ: "Việc quản lý hoạt động thi người đẹp, người mẫu đang đặt yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, đảm bảo tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi người đẹp, người mẫu phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước".

Theo quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cấp giấy phép chức thi người đẹp quy mô toàn quốc; thi người đẹp quốc tế, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Giữa vô vàn những cuộc thi nhan sắc chất lượng "ao làng", thiếu sức hút, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cấp phép dự thi cho hai cuộc thi tầm quốc gia: Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Hoa hậu Đại dương Việt Nam được tổ chức nhằm tìm kiếm Đại sứ cho dự án Blue Ocean World, do Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường) và công ty TNHH MTV Võ Việt Chung sáng lập. Cuộc thi là nơi phát động, tổ chức và hướng giới trẻ Việt vào các hoạt động thiết thực và ý nghĩa để bảo vệ môi trường Biển.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2008. Cuộc thi trở lại năm 2015 và được tổ chức định kỳ 2 năm/ lần. Cuộc thi nhằm tuyển chọn những người đẹp nhất dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới – Miss Universe.

Trên thực tế, theo luật hiện hành, điều kiện tổ chức thi Hoa hậu cũng vô cùng ngắn gọn: Tổ chức Việt Nam có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, việc tổ chức thi hoa hậu lại không hề dễ dàng. Bởi đây là cuộc thi nhằm tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ của con người.

Thi Hoa hậu, Hoa khôi: Vì sao những cuộc thi danh chính ngôn thuận vẫn hot? - Ảnh 2.

Các người đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Đại dương

Giữa vô vàn những cuộc thi nhan sắc, người đẹp trong nước và mượn danh quốc tế nhưng đẳng cấp… "ao làng", cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia chính thức được cấp phép. Dù mới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, nhưng năm nay, Hoa hậu Đại dương Việt Nam trở lại với quy mô lớn hơn, ban tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và đẳng cấp đã để lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong lòng khán giả. Cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 mang sức hút từ sự tươi mới, trẻ trung và hàng loạt những điểm hấp dẫn:

Bên cạnh chiếc vương miện 3,2 tỷ đồng dành cho người đẹp đăng quang, cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 có sức hút, sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng bởi quy tụ dàn giám khảo uy tín, được công chúng yêu mến ngay từ những vòng đầu. Vòng sơ khảo miền Bắc có sự xuất hiện của Hoa hậu Thu Thủy, Hoa hậu Ngô Phương Lan, miền Nam có sự tham gia của Hoa hậu Diễm Hương, Hoa khôi Lan Khuê. Cùng với đó là các gương mặt uy tín như: chuyên gia đào tạo người mẫu Phúc Nguyễn, Á vương - siêu mẫu Ngọc Tình, các nữ doanh nhân vừa xinh đẹp, vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển chọn, đào tạo sắc đẹp như Đường Thu Hương, Vũ Thúy Nga, Phan Ngọc Nga…

Đặc biệt vòng chung kết sẽ có sự tham gia của các vị giám khảo nổi tiếng như TS Đường Thu Hương – Trưởng Ban Giám khảo; Hoa hậu Ngô Phương Lan, Hoa khôi Lan Khuê, Diễn viên Kim Khánh; Siêu mẫu Ngọc Tình…

Hoa hậu Đại dương Việt Nam được tổ chức nhằm tìm kiếm Đại sứ cho dự án Blue Ocean World, do Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường) và công ty TNHH MTV Võ Việt Chung sáng lập. Cuộc thi là nơi phát động, tổ chức và hướng giới trẻ Việt vào các hoạt động thiết thực và ý nghĩa để bảo vệ môi trường Biển.

Điều đáng mừng là hầu hết các thí sinh tham dự cuộc thi đều hiểu được ý nghĩa, giá trị cuộc thi muốn hướng tới, các cô gái trẻ tuổi nhưng có hoài bão giành giải cao nhất cuộc thi để từ đó tranh thủ sức ảnh hưởng của vương miện, của ngôi vị hoa hậu để thực hiện những điều ý nghĩa cho cộng đồng.

Ngày 28/10, Hoa hậu Đại dương Việt Nam sẽ bước vào Đêm chung kết. Đầu tháng 12/2017 tới, vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng tìm được chủ nhân mới. Công luận có quyền kỳ vọng các Tân Hoa hậu, với sự ảnh hưởng và tài năng của mình, sẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước