Thử giải mã những hình vẽ kỳ lạ trên núi Pha Tém

Lê Quân-Thứ tư, ngày 08/07/2015 15:52 GMT+7

Cận cảnh nét vẽ trên núi Pha Phứng, Pha Tém. (Ảnh: Lê Quân)

VTV.vn - Chủ nhân của các hình vẽ kỳ lạ trên vách núi Pha Tém bên bờ sông Mã là ai?... Câu hỏi đó vẫn đang chờ lời giải đáp.

Những bức vẽ kỳ lạ trên vách đá dựng đứng

“Núi Pha Tém à? Nó ở trước mặt kia thôi, bên kia bờ sông Mã. Gọi là núi Viết hay núi Vẽ (theo nghĩa tiếng Thái) vì trên vách đá có những bức hình và chữ viết kỳ lạ, rất hiếm thấy ở vùng này. Chỉ biết do người xưa viết, vẽ thôi, chứ tôi cũng không biết ai viết và có từ bao giờ” – từ cổng ngôi nhà bên đường 217, ông Phạm Quang Đó, người bản Chăm (xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa) chỉ tay về phía trước, nơi có ngọn núi cao xanh với vách đá thẳng đứng trơ trụi màu vàng nhạt đổ xuống mặt nước.

Đi bộ vài trăm mét đến mép nước, có thể nhìn thấy vách đá Pha Tém sững sững trước mặt. Nhưng để tiếp cận nó từ bãi giang này là một vấn đề nan giải bởi lòng sông Mã đoạn này rộng mênh mang, nước sâu và chảy xiết. Chỉ có thể dùng thuyền nhỏ xuôi dòng để cập được vào chân núi, rồi dùng sức bám vách đá thẳng đứng leo lên thì mới mong sờ được vào các bức vẽ.

Qua ống kính máy ảnh, ông Hà Văn Duyệt, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát, giúp chúng tôi xác định vị trí những hình vẽ trên vách đá. Tuổi thơ của ông Duyệt gắn bó với khúc sông này nên ông rất thông thuộc những điều bí mật từ con nước, luồng lạch tôm cá đến núi non, bờ bãi xung quanh. Vị trí những hình vẽ đều nằm giữa vách đá rộng và thẳng đứng, cao hơn mặt nước hàng chục mét, cách đỉnh núi cả trăm mét.

Những nét vẽ (màu đỏ) trên núi Pha Tém.

Những nét vẽ (màu đỏ) trên núi Pha Tém.

“Vách thẳng đứng. Cảm tưởng như từ dưới đi lên không có lối, từ trên cao xuống hay bên trái bên phải đi sang cũng rất trống trải, chẳng có đường. Nhưng với người dân miền núi, chinh phục các vách đá đó không khó khăn lắm đâu. Phía trên các bức vẽ còn có một hang núi nhỏ cực khó leo, vậy mà nhiều người táo bạo thời trước đã leo lên và phát hiện bên trong có khá nhiều đồ kim loại cổ giấu bên trong đó đấy. Chỉ là tôi không hiểu người ta kỳ công tiếp cận vách đá hiểm hóc này thế nào để vẽ những hình ảnh này nhằm mục đích gì?” – ông Hà Văn Duyệt băn khoăn.

Lục lại ký ức, ông Hà Văn Dân, Anh hùng LLVT sinh ra và lớn lên tại ngôi làng cách Pha Tém không xa, cho biết: “Những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi tham gia đội thuyền bè của huyện Quan Hóa, nhiều lần qua lại trên khúc sông này. Bè luồng bè gỗ của chúng tôi thường xuôi qua con chảy phía sát chân núi Pha Tém hoặc neo lại bên bãi sông đối diện nghỉ ngơi. Từ trên bè nhìn lên, thấy rất rõ những hình vẽ và chữ viết loằng ngoằng, màu đỏ tươi in rõ trên đá. Nét vẽ đơn giản nhưng đủ để mường tượng ra đó là những hình người đang đứng cùng các con vật, có thứ tự hàng cao hàng thấp. Còn chữ viết bên cạnh thì có lẽ là chữ Nho thôi nhưng chưa ai rõ nội dung của nó là gì”. Rồi ông nhặt một viên đá màu đỏ, vạch lên trên một viên đá to khác những hình vẽ mô phỏng lại bức tranh mà ông từng nhìn rõ.

Ông Hà Văn Dân đang vẽ mô phỏng những hình ảnh mà ông đã tận mắt chứng kiến từ nhiều năm trước.

Ông Hà Văn Dân đang vẽ mô phỏng những hình ảnh mà ông đã tận mắt chứng kiến từ nhiều năm trước.

Đó là những hình người đơn giản như nét bút của con trẻ tập vẽ với một cái đầu tròn và các nét tay chân. Đầu không có tóc tai, mặt mũi, chân tay không có bàn, có ngón, người không có áo quần. Trong mấy “người” đứng cạnh nhau có một người được vẽ to hơn hẳn. Bên dưới có hình ảnh như con vật bốn chân, chẳng thể phân biệt là chó, mèo hay dê, lợn. Nét vẽ đã mờ phai nhiều theo năm tháng, chỉ thấy màu “mực” đỏ vẫn còn khá rõ ràng trên nền đá núi vàng nhạt. Kích thước từng bức hình ước lượng chỉ cao tầm gần hai gang tay, tạo thành những cụm rộng như chiếc bàn nhỏ.

Cách Pha Tém chừng vài trăm mét đường chim bay, lui khỏi bờ sông Mã một quãng ngắn, đỉnh núi Pha Phứng (núi Ong) cũng có những bức vẽ tương tự. Bà Hà Thị Rách, 75 tuổi, người bản Pọng (xã Phú Nghiêm), nhà ngay dưới chân núi, vui vẻ dẫn chúng tôi đi tìm lại những bức vẽ mà bà được cha ông chỉ cho từ ngày còn nhỏ. Những hình vẽ với bút pháp tương tự, rất giản đơn nhưng đủ nhìn nhận rằng đó là hình người được tạo tác một cách có chủ ý. Hình vẽ rời rạc, ít chi tiết hơn, chỉ vài cụm nhưng nhìn rõ ràng là những người màu đỏ đang nắm tay nhau trên nền đá núi.

Những nét vẽ trên núi Pha Phứng.

Những nét vẽ trên núi Pha Phứng.

Cũng như bên Pha Tém, hình vẽ ở Pha Phứng nằm cheo leo trên vách đá cao thẳng đứng, không dễ gì tiếp cận. Cả Pha Tém và Pha Phứng cùng thuộc dãy núi Lung Quan Khà (tên một vị khổng lồ trong truyền thuyết của người Thái), nhưng những nét vẽ trên vách núi có phải cùng tác giả hoặc có sự liên hệ nào với nhau không vẫn còn bí ẩn. Theo những người dân địa phương, trước đây, khu vực này rất hoang vu, nổi tiếng rừng thiêng nước độc, nên ít dấu chân người. Đến nay, nhiều hiện tượng lạ vẫn thỉnh thoảng lặp lại xung quanh khu vực có các bức vẽ, khiến nó càng trở nên huyền bí. Bà Cao Thị Hoanh, 70 tuổi, về làm dâu ở bản Chăm đã mấy chục năm, cho biết thêm: “Người chết trôi trên sông Mã, chẳng biết từ đâu, nhưng cứ đến chân Pha Tém đều nổi lên và không trôi nữa. Trong ngày đó, dưới lòng sông thỉnh thoảng lại bùng boong tiếng chiêng trống huyên náo cả canh giờ, như thực như mơ, người ở xa cả cây số cũng nghe thấy”.

Sự tích núi Pha Tém

Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: “Núi Pha Tém, theo tiếng Thái nghĩa là Núi Vẽ, vì trên vách núi có những hình vẽ. Núi này thuộc đất mường Ca Da của người Thái, do dòng họ Phạm (Lò Khăm) nối đời làm thủ lĩnh. Câu chuyện sự tích Núi Vẽ đã được Ban sưu tầm và nghiên cứu văn hóa truyền thống Mường Ca Da tìm hiểu từ năm 1982. Bố tôi có tham gia công việc này và kể lại cho tôi về nguồn gốc những hình vẽ đó”.

Theo ông Nghĩa, thời xa xưa, bên cạnh Mường Ca Da còn có ba mường lớn khác như Mường Xang (Mộc Châu, Sơn La), Mường Hạ (Mai Châu, Hòa Bình), Mường Khoòng (Bá Thước, Thanh Hóa)… do ba anh em dòng họ Hà khai mở. Làm chủ Mường Xang là người anh cả, tạo Chu Xang, rất thế lực và giàu có. Biết ở Trung Sơn (Quan Hóa ngày nay) có nàng A Giâm cực kỳ xinh đẹp, ông bèn đem 1 pội vàng nén, 2 pội bạc nén (pội là giỏ đan bằng nứa, mỗi pội chứa được chừng 5 tạ đá) đến làm sính lễ nhưng không được đồng ý. Cô gái đã có tình ý với tạo Chữ Xăng nên một đêm cùng nhau bỏ trốn về Mường Xang. Họ cưới nhau, sinh được một con gái tên là Nang Á.

Càng lớn Nang Á càng xinh đẹp. Con trai mường trên mường dưới đến xin cưới hỏi đều bị tạo Chu Xang đuổi đi. Bởi ông quá si mê và muốn cưới Nang Á làm vợ. Dân trong mường phản đối, người vợ xinh đẹp không can ngăn nổi bèn buồn bã bỏ đi. Bất bình việc tạo Chu Xang cưới con gái làm vợ, dân bản bèn báo với quan trên để bắt Chu Xang về trừng trị.

Tạo Chu Xang vội đưa con gái băng rừng trốn. Dân nơi nào biết chuyện cũng thấy chướng mắt, bèn đuổi cha con Chu Xang đi. Đến bờ sông Mã, Chu Xang bèn đóng một chiếc bè to, xuôi bè đến Mường Ca Da xin được ở nhờ. Chiếc bè đang trôi chậm bỗng lao đi rất nhanh dù lúc này sông Mã không phải mùa nước lũ. Tạo mường Ca Da gọi người ra kéo bè lại, nhưng dây thừng quăng ra đều đứt. Chiếc bè trôi nhanh đến chân núi Pha Lai thì khựng lại. Bên trong vách đá vọng ra tiếng nói của Long vương cai quản vùng này: “Hãy từ bỏ ý xấu đi, nếu không bè sẽ chìm ngay tức khắc!”. Rồi nước dâng cao, sóng ầm ầm khiến con bè chao đảo.

Ông Chu Xang vội đem vàng bạc ném xuống sông để cầu xin, nhưng Long vương không đổi ý. Nghĩ rằng nếu không lấy được Nang Á thì sống cũng như chết, Chu Xang bèn xin Long vương cho bè ngừng giây lát, rồi lấy ngà voi đứng trên bè vạch lên vách đá những hình vẽ. Hình to nhất Chu Xang vẽ con gái, rồi vẽ mình và các nàng hầu, phía dưới vẽ con chó ngao cụp tai, con la mồm to, tai đứng. Vẽ xong thì bè và người cùng bị sóng đánh chìm nghỉm.

Tên núi Pha Tém có từ đó.

Các nhà khoa học nói gì?

Theo nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, thành viên Chương trình nghiên cứu Thái học Việt Nam, câu chuyện sự tích núi Pha Tém đã có từ lâu đời, nhưng có thể được sáng tác sau khi người dân phát hiện ra những hình vẽ.

“Tôi không rõ các hình vẽ có từ bao giờ, nhưng tin rằng nó xuất hiện trước câu chuyện sự tích núi Pha Tém. Người ta dựa trên hình vẽ núi Pha Tém và câu chuyện khác liên quan, có thật hoặc hư cấu, để sáng tác ra nó. Tôi cho rằng, thông điệp ở đây là sự tan rã của chế độ hôn nhân nguyên thủy, bước vào xã hội có những quy tắc đạo đức và pháp luật ràng buộc. Hoặc có thể người xưa kể chuyện này chỉ để nhớ một sự kiện lớn vào năm xa xưa nào đó, rằng nước sông Mã đã từng dâng cao đến thế” – ông Hà Nam Ninh cho biết.

PGS.TS Trình Năng Chung (áo xanh) trong một lần nghiên cứu nhai bích họa.

PGS.TS Trình Năng Chung (áo xanh) trong một lần nghiên cứu nhai bích họa.

PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho chúng tôi xem những hình vẽ tương tự ở những vách núi khác mà ông đã có dịp nghiên cứu. Đó là những hình vẽ có cùng có điểm chung là được vẽ trên vách núi tương đối phẳng tự nhiên hoặc nhân tạo, có màu sắc đỏ, phong cách vẽ khá đơn giản, sơ khai. Bên dưới các vách đá có nhai bích họa này thường là các dòng sông, suối, nói chung là có nước chảy. Vị trí vẽ thường cao hơn mực nước, do người xưa dùng giàn giáo hoặc đứng trên thuyền bè để vẽ.

Ông Chung cho biết: “Chúng tôi gọi loại hình này là Nhai bích họa (tranh vẽ trên vách đá), xuất hiện khoảng từ 1.000 - 2.000 năm trước. Chất liệu mà người xưa dùng là thổ hoàng (một loại đất đỏ) trộn với một số loại nhựa cây để vẽ lên vách đá, ngấm rất sâu và lâu bị phai mờ. Theo thời gian, một số nét vẽ bị mờ thường là do đá vôi bị phong hóa, nếu trời mưa hoặc dùng nước tưới vào sẽ hiện ra màu đỏ nhạt, có thể nhận dạng được. Những hình vẽ ở Pha Tém là phát hiện thứ ba về nhai bích họa ở Việt Nam mà tôi được biết đến”.

Nội dung các hình vẽ của người xưa mang thông điệp gì thì vẫn đang là bài toán đau đầu các nhà khoa học. Có người cho rằng đó là những nghi lễ tôn giáo cổ xưa của cư dân bản địa. Có người cho rằng nó phản ánh những sự kiện lớn hoặc mừng chiến thắng trong chiến tranh. Có người cho rằng nó là phù hiệu ngôn ngữ của bước chuyển từ hội họa sang hình tượng văn tự…

“Các nhà khoa học cũng chưa thống nhất với nhau ở một số điểm. Ví dụ như, có người cho rằng các ký tự này có liên quan đến hình thức nhai động táng (treo quan tài trong hang động), thường xuất hiện ở gần nơi có các hang chứa quan tài. Lại có ý kiến rằng nó liên quan đến tục cúng tế Thủy thần hoặc thần Sấm, thần Mưa... của cư dân nông nghiệp xưa. Các bức vẽ thường có một hình lớn hơn làm trung tâm, các hình nhỏ hơn ở xung quanh, như tục thờ cúng tổ tiên. Chủ nhân của các bức hình này chưa được xác định cụ thể là người Mường, Thái, Dao hay Khơ mú, Bố Y… nhưng có thể là người Việt cổ phía nam sông Dương Tử trở xuống, đã cư trú hàng ngàn năm trên mảnh đất này. Tất nhiên, đó là những kinh nghiệm nghiên cứu của tôi, còn cụ thể ở bức nhai bích họa Pha Tém cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn mới có thể đưa ra những nhận định chính xác” – PGS.TS Trình Năng Chung cho biết thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước