Vũ điệu dân gian Thanh Hóa vào kịch “Hamlet”

Theo Hoàng Quyên/HNMO-Thứ bảy, ngày 24/10/2015 13:20 GMT+7

VTV.vn - Ngày 23/10, Nhà hát kịch Việt Nam chính thức ra mắt vở kịch “Hamlet” do NSƯT Anh Tú đạo diễn.

* “Hamlet” của người Việt

“Hamlet” là tác phẩm nổi tiếng kinh điển của nhà văn William Shakespeare đã từng được rất nhiều sân khấu thế giới dàn dựng. Câu chuyện kể về chàng Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch trở về nước chịu tang Vua cha phát hiện ra một âm mưu khủng khiếp: chính chú ruột đã giết cha mình để chiếm ngai vàng và chiếm luôn Hoàng hậu - mẹ của chàng - làm vợ. Chàng quyết định đi tìm bằng được sự thật và tìm cách báo thù cho cha.


Kịch Hamlet của Nhà hát kịch Việt Nam được giới phê bình đánh giá cao

Kịch "Hamlet" của Nhà hát kịch Việt Nam được giới phê bình đánh giá cao

Suốt mấy trăm năm qua, vở “Hamlet” vẫn không mất đi giá trị thời đại với những bi hài kịch của hành trình đi tìm sự thật. Đạo diễn, NSƯT Anh Tú dàn dựng “Hamlet” với một phiên bản mới, một Hamlet mà những tăm tối trong mỗi con người được phơi bày một cách chân thực.

Điều đáng nói, trong vở kịch này, đạo diễn Anh Tú đã khiến “Hamlet” của Shakespeare trở nên gần gũi với khán giả Việt Nam hơn khi anh lồng ghép nhiều yếu tố của văn hóa Việt Nam như sử dụng trống, trang phục Việt Nam và đặc biệt là có phần biểu diễn điệu múa Xuân Phả - điệu múa dân gian của Thanh Hóa.

Chia sẻ tại buổi giới thiệu vở kịch, NSƯT Anh Tú cho biết, anh không cố tình “Việt hóa” tác phẩm “Hamlet” của Shakespeare. Tuy nhiên, khi dàn dựng, anh luôn cố gắng tìm những chất liệu nghệ thuật và cách dàn dựng sao cho gần gũi với công chúng Việt Nam nhất để người xem có thể hiểu trọn vẹn tinh thần của vở kịch, vốn đã đa tầng lớp nghĩa mà không phải ai cũng hiểu hết.

“Tôi đã từng xem điệu múa Xuân Phả trên một phóng sự truyền hình và lúc đó tôi đã nảy ra ý định sẽ sử dụng điệu múa này vào một tác phẩm nào đó của mình. Khi dựng Hamlet có một cảnh nói về sinh hoạt trong cung đình và tôi quyết định sẽ đưa điệu Xuân Phả vào cảnh diễn. Tôi đã nhờ NSND Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và sau đó được giới thiệu đến NSƯT Hoàng Hải, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Lam Sơn, Thanh Hóa để nhờ ông dạy cho diễn viên cách trình diễn điệu múa này”, đạo diễn Anh Tú chia sẻ.

* Nỗ lực lấy lại danh hiệu “Anh cả đỏ” của Nhà hát kịch Việt Nam

Trước khi ra mắt chính thức vở “Hamlet”, Nhà hát kịch Việt Nam đã tổ chức buổi diễn giới thiệu và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ những nhà phê bình sân khấu. Vở diễn đã khiến cho những người yêu sân khấu vui mừng vì nhìn thấy được bóng dáng của “Anh cả đỏ” một thời khi mạnh dạn dàn dựng một vở diễn kinh điển được xếp vào hàng khó nhất của sân khấu thế giới dù có thể bài toán giữa yếu tố nghệ thuật và khán giả vẫn đang khiến các nghệ sĩ “đau đầu”.

Nhà báo, nhà viết kịch, nhà phê bình sân khấu Lê Quý Hiền nhận định, Nhà hát kịch Việt Nam đã thành công với “Hamlet”, một phiên bản mới với sự dàn dựng táo bạo, hấp dẫn nhưng cũng rất đậm chất Shakespeare. Còn PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Hamlet là một kiệt tác sân khấu rất khó, cách đây 10 năm Nhà hát kịch Hà Nội đã dàn dựng tác phẩm này nhưng thất bại. Còn “Hamlet” của Nhà hát kịch Việt Nam khiến người xem phải suy nghĩ”.

Trước tình trạng “ngắc ngoải” của nền sân khấu phía Bắc nói chung, từ nhiều năm nay các hoạt động biểu diễn của Nhà hát kịch Việt Nam gần như “xuống dốc” khi những vở diễn dàn dựng xong luôn ế ẩm và không có nhiều vở diễn gây tiếng vang. Danh hiệu "Anh cả đỏ” một thời vì thế cũng nhạt dần. Với nỗ lực trở lại mà “Hamlet” là một trong những vở diễn được đầu tư và dàn dựng tâm huyết, các nghệ sĩ của Nhà hát hy vọng sẽ khôi phục được danh tiếng của Nhà hát, cũng như hy vọng khán giả rồi sẽ có thói quen trở lại nhà hát để xem kịch như trước kia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước