Câu chuyện lò cao kháng chiến trong lòng núi

Tuấn Trung (VTV4)-Thứ hai, ngày 11/05/2015 11:00 GMT+7

Di tích Lò cao kháng chiến Như Xuân. Ảnh: Báo Nông nghiệp

VTV.vn - Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lò cao kháng chiến ở huyện Như Xuân, nay là huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã sản xuất hơn 400 tấn gang để chế tạo vũ khí.

Vào thời điểm đó, thành tích này đã đặt nền móng quan trọng cho kỹ nghệ nặng Việt Nam. Câu chuyện về chiếc lò cao được xây dựng sâu trong lòng núi hiện vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người công nhân lò cao kháng chiến cũng như gia đình của họ.

Đã hơn 60 năm, hôm nay, nhà văn Xuân Cang - người đã từng là công nhân lò cao kháng chiến Như Xuân, nay được gọi là lò cao kháng chiến Hải Vân, cùng với gia đình các cán bộ, kỹ sư và công nhân quân giới từng làm việc tại đây mới có dịp về thăm nơi đã từng là xưởng sản xuất gang năm xưa. Trong ký ức của ông Xuân Cang, đây là một công trình lớn trong lòng núi và là những kỷ niệm đẹp nhất của thời tuổi trẻ.

Nhà văn Xuân Cang, công nhân lò cao kháng chiến Hải Vân kể: “Khi mới đến đây năm 1952, điều làm tôi cảm động nhất là thấy một khu công nghiệp, một khu kỹ nghệ đã hoàn thành dưới lòng núi cách đó một năm”.

Phần còn lại, lò cao kháng chiến Như Xuân nằm trong hang Đồng Mười do tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân quân giới của Công xưởng hóa chất miền Nam xây dựng. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, nhu cầu sử dụng vũ khí tăng cao mà nguyên liệu để sản xuất vũ khí lại thiếu thốn, việc xây dựng cơ sở luyện gang theo công nghệ lò cao đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nhận thức được ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của lò cao kháng chiến, năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng lò cao này là Di tích quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa sau đó đã thành lập dự án trùng tu bảo tồn di tích này để phát triển du lịch.

Ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, Thanh Hóa cho biết: “Chính quyền địa phương coi đây như sự tri ân đối với các thế hệ đi trước. Chúng tôi cũng muốn giữ gìn lại những gì còn có thể bảo tồn được để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như sự gian khổ của thế hệ cha anh”.

Trở về thăm công trình đầy ý nghĩa mà cha ông đã làm nên, những người con của các cán bộ, kỹ sư, công nhân quân giới thời bấy giờ đã không giấu nổi xúc động.

Ông Lương Ngọc Hải, con của Kỹ sư Lương Ngọc Khuê - từng là phụ trách kỹ thuật của lò cao kháng chiến Hải Vân nói: “Điều làm cho tôi đến bây giờ vẫn còn nhớ và cảm động nhất là tinh thần đoàn kết, không những là của những người làm kỹ thuật, mà tất cả anh chị em công nhân, họ rất thương yêu nhau”.

Hiện những gì còn lại nơi đây chỉ là lò đứng hay những câu khẩu hiệu vẫn còn in dấu trên tường lò, nhưng tất cả đều thể hiện quyết tâm lớn của nhân dân Việt Nam, là bằng chứng hùng hồn về ý chí tự lực tự cường của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước