Đưa ẩm thực biển thành lợi thế cạnh tranh

Tấn Quýnh (thoisu@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 02/03/2015 06:00 GMT+7

(VTV.vn) - Trong cách làm du lịch biển lâu nay, hầu hết các địa phương chỉ mới khai thác thế mạnh cảnh quan biển đảo mà chưa chú ý đúng mức đến yếu tố Ẩm thực biển.

Lượng du khách tăng mạnh tại những thành phố biển trong những ngày qua, thêm một lần nữa khẳng định lợi thế của du lịch biển Việt Nam, vốn lâu nay đã đóng góp đến 70% doanh thu cho toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, trong cách làm du lịch biển lâu nay, hầu hết các địa phương chỉ mới khai thác thế mạnh cảnh quan biển đảo mà chưa chú ý đúng mức đến những yếu tố khác. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế cho rằng, bằng hoạt động du lịch, Việt Nam có thể xuất khẩu tại chỗ hải sản, mang lại lợi nhuận cho cả chuỗi sản xuất.

Hầu hết du khách đến từ nhiều quốc gia, khi có mặt ở Việt Nam, khó lòng chối từ món hải sản. Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền tương đối trong tổng mức chi tiêu của chuyến du lịch để thưởng thức hương vị biển Việt Nam.

Ông Jonathon Paul Steen, một du khách cho biết: “Hải sản ở đây rất tươi ngon, chỉ nhìn vào đã thấy rất hấp dẫn. Sẽ là không trọn vẹn cho một chuyến du lịch nếu chưa được thưởng thức những món hải sản này”.

Khảo sát từ các đơn vị du lịch cho thấy, sự lựa chọn của du khách đối với các tour du lịch biển đảo bên cạnh các yếu tố cảnh quan thiên nhiên thì ẩm thực cũng có sức hút không hề nhỏ. Trong khi đó, với sản lượng hải sản khai thác mỗi năm của cả nước lên hàng triệu tấn và hơn cả là nhiều hải sản có giá trị được cung ứng ra thị trường quanh năm, rõ ràng hải sản là lợi thế để phát triển du lịch.

Đầu bếp David Thái, Khách sạn Sunrise Nha Trang nhận xét: “Một thuận lợi của Việt Nam là chúng ta có bờ biển dài, hải sản là phần không thể thiếu cho hoạt động kinh doanh du lịch của người dân địa phương, của các khách sạn, nhà hàng. Mọi người có thể làm giàu từ nguồn hải sản đó”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Khoa Kinh tế, Đại học Nha Trang - người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường thủy sản cho rằng, với đất nước 90 triệu dân, sản lượng thủy sản tiêu thụ ở thị trường trong nước có thể tăng lên, chứ không dừng ở con số 1 triệu tấn. Mấu chốt ở đây là phải tạo được sự minh bạch về chất lượng và giá cả trong chuỗi từ khai thác, nuôi trồng đến cung ứng ra thị trường. Điều này rất quan trọng khi càng ngày, thực khách càng đòi hỏi cao về chất lượng hải sản.

Khởi đầu cho việc mang lại giá trị gia tăng cho mặt hàng hải sản, các đơn vị kinh doanh du lịch đã tính đến cách thức đưa món ăn hải sản đến du khách với chất lượng cao nhất. Những loại hải sản này, thay vì xuất khẩu, nay được tiêu thụ trong nước, đưa đến cho những thực khách là người nước ngoài. Đây như là kiểu xuất khẩu tại chỗ cho mặt hàng hải sản.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Việt - Khách sạn Sunrise Nha Trang cho biết: “Trong thực đơn của chúng tôi rất chú trọng hải sản, chúng tôi cung cấp cho khách hàng hải sản tươi sống. Nguồn hải sản phong phú hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về thực đơn, mang đến du khách nét đặc trưng ẩm thực hải sản”.

Những du khách thêm một lần thưởng thức các món hải sản, cũng đồng nghĩa thêm nhiều ấn tượng về biển Việt Nam. Nơi đây không chỉ là biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn phong phú sản vật biển - những sản vật có sức hút níu giữ chân du khách. Vấn đề còn lại là chủ nhân của những sản vật biển ấy có biết tạo ra sức hút cho lợi thế ẩm thực biển hay không.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước