IPU 132 thảo luận về vấn đề tăng cường bình đẳng giới

Ngọc Liên - Sơn Tùng (VTV4)-Thứ hai, ngày 30/03/2015 09:59 GMT+7

Ảnh: Lao động

VTV.vn - Trong khuôn khổ IPU 132, hội thảo về tăng cường bình đẳng giới đã được tổ chức.

Năm 1995, Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của 17.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia, đã đưa ra Tuyên bố và Khung hành động nhằm tăng cường quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trên toàn thế giới.

Trong cuộc hội thảo “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới”, vấn đề này lại một lần nữa được đề cập nhưng từ một góc độ tiếp cận mới mẻ hơn, đó là quan điểm của nam giới và vai trò nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam là một trong những nước có tham luận tại hội thảo và được đánh giá có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.

Bà Shoko Ishikawa, Đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận xét: “Thời gian qua, Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đã đạt được một số mục tiêu như phổ cập giáo dục tiểu học hay giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nhiều luật và các chính sách cũng đã được đưa vào thực tiễn, cụ thể là Luật bình đẳng giới hay Luật phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, có thể thấy còn rất nhiều lĩnh vực cần nỗ lực lớn hơn nữa như vấn đề mất cân bằng giới trong tỉ lệ sinh. Điều này cũng cho thấy quan niệm coi trọng nam giới còn nặng nề, còn nhiều định kiến, rào cản với phụ nữ cần được gỡ bỏ.

Hội thảo nhất trí rằng, bên cạnh việc tăng cường những chính sách và các chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ, điều không kém phần quan trọng là đảm bảo rằng nam giới hiểu quyền của phụ nữ để từ đó tôn trọng và hỗ trợ họ như những người bình đẳng với mình và sự tham gia của các nghị viện được xem là có vai trò quyết định trong tiến trình này.

Ông Hon. Howard Kunda, Nghị viện Cộng hòa Zambia chia sẻ: “Nam giới chúng tôi ở đây là để hỗ trợ nữ giới, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xây dựng chính sách, chính trị cũng như các lĩnh vực khác mà họ còn xuất hiện rất  ít”.

Bà Shoko Ishikawa, Đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói: “Tôi nghĩ rằng các nghị viện - những người đóng vai trò vô cùng quan trọng, họ đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc thông qua các chính sách và ngân sách cho các hoạt động cũng như thay đổi một vài khía cạnh của phát luật để tạo điều kiện hơn cho phụ nữ”.

Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực của phụ nữ là một trong tám mục tiêu thiên niên kỷ mà các quốc gia thành viên LHQ phấn đấu đạt được vào năm nay 2015. Tuy có một số thành tựu nhất định, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mong ước bình đẳng giới trong mọi mặt đời sống. Sự tham gia của các nghị viện trong việc tăng cường hiểu biết của nam giới đối với quyền phụ nữ sẽ góp phần đưa cuộc đấu tranh này đạt được những bước tiến mới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước