Việt Nam đối mặt tình trạng ‘già trước khi giàu’

Tiến Anh - Thế Anh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 25/11/2015 06:00 GMT+7

Ảnh: Pháp luật TP.HCM

VTV.vn - Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng ‘già trước khi giàu’ trước năm 2035.

Theo trang web ASEANstats, Việt Nam là một trong ba quốc gia của khu vực ASEAN có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất chỉ sau Singapore (10,4%) và Thái Lan (8,7%) tính đến năm 2015. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam? Hội nghị công bố nghiên cứu ‘Tác động của biến đổi cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam’ tại Hà Nội đã nêu ra những ảnh hưởng của từng nhóm tuổi và đề xuất giải pháp tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm mạnh từ 39,5% xuống còn 23,5% và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng từ năm 1989 đến 2014. Việc giảm tỷ lệ sinh dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trẻ trong tương lai, với đà phát triển dân số này, trong vòng 30 năm tới dân số Việt Nam sẽ trở thành dân số già.

PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: ‘Trong vòng từ 3 đến 4 thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trải qua hai xu hướng rất rõ là số người trong độ tuổi lao động tiếp tục tăng nhanh trong vòng 25-30 năm nữa là đạt đến đỉnh. Riêng dân số cao tuổi càng ngày càng tăng và sẽ tăng mạnh từ năm 2040 trở đi’.

Ngoài việc Việt Nam sẽ đối mặt với ‘tình trạng già trước khi giàu’ trước năm 2035, dân số già còn đồng nghĩa với việc mức tiêu dùng tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế lại giảm, bởi theo báo cáo nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nhóm dân số trẻ trong độ tuổi lao động.

Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia đã nhận định, việc tập trung phát triển năng lực của những người dưới và trong độ tuổi lao động là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Bà Ritsu Nacken, Quyền Phó đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng: ‘Việt Nam cần có chính sách cải cách giáo dục và đầu tư vào đào tạo nhân công ngay từ đầu để đáp ứng yêu cầu của công việc sau này từ các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để nâng cao sức khỏe cho người lao động, giúp họ biết cách làm việc một cách lành mạnh’.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước