Xây dựng cộng đồng ASEAN và kinh nghiệm từ EU

Quỳnh Liên - Chu Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ năm, ngày 31/12/2015 11:23 GMT+7

Từ khi gia nhập, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực và có những đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN. Ảnh: Báo Thanh tra

VTV.vn - Theo các chuyên gia, trong giai đoạn mới này, những bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại từ EU sẽ rất cần thiết với ASEAN.

Kể từ khi ra đời năm 1951, đến nay, EU đã trải qua 6 lần mở rộng. 28 nước thành viên của EU duy trì một liên kết toàn diện về kinh tế, chính trị, có cơ quan điều tiết xuyên quốc gia. Nguyên tắc quyết định của EU là đa số phiếu.

Ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng: “Một trong những thành công của Liên minh châu Âu đó là phối hợp các chính sách đối ngoại của các quốc gia thành viên để có chính sách đối ngoại riêng của Liên minh, để EU trở thành một liên kết toàn diện với tính chất thể chế cao”.

Tăng cường quan hệ đối tác để thúc đẩy lòng tin, sự hội nhập, liên kết khu vực để đảm bảo sự độc lập chiến lược là một thành công nữa của EU.

PGS.TS. Trần Khánh, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á nói: “Phải học EU đó là sự năng động, làm sao phải tăng sự tiếp xúc của người dân, để người dân hội nhập từ dưới lên thì đảm bảo nhanh vững chắc, bền vững hơn. Tổ chức nào không đặt con người làm trọng tâm thì tổ chức đó không phát triển mạnh mẽ”.

Trong một thập niên trở lại đây, EU phải đối mặt với nhiều thách thức trong cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và chưa thể tìm ra đáp số chung như nạn nhập cư, mất an ninh phi truyền thống, thất nghiệp, khủng hoảng nợ công... Ra đời sau EU gần 2 thập kỷ, cộng đồng ASEAN không hướng tới một thể chế điều tiết xuyên quốc gia, nguyên tắc ra quyết định của ASEAN là dựa trên đồng thuận. Thể chế chính trị và khoảng cách phát triển của các thành viên ASEAN cũng rất khác nhau, sự khác biệt này cũng khiến ASEAN phải đương đầu với nhiều thách thức.

Ông Lê Công Phụng, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho biết: “Thông qua bài học của EU, ASEAN nên rút ra là có một sự thống nhất tương đối, phải vì lợi ích cộng đồng chứ không phải vì lợi ích cá nhân mà làm chuyện này chuyện khác, mặc dù có quyền làm. Nhưng nếu muốn có một cộng đồng được tôn trọng trong khu vực và trên thế giới thì phải có sự nhất trí cao, cả trong các vấn đề nhạy cảm”.

Theo các chuyên gia, nếu duy trì một cách cứng nhắc các nguyên tắc tồn tại trong 40 năm qua thì sự hợp tác của ASEAN sẽ gặp phải trở ngại. Vì vậy, phải tìm cách dung hòa để đáp ứng cả hai nhu cầu: ASEAN vận hành trôi chảy, đồng thời duy trì được sự thống nhất trong đa dạng.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước